Giải ngân hơn 128.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ, ước tính đến hết ngày 30/4/2025, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt khoảng 128.500 tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Xét về giá trị tuyệt đối, con số này cao hơn mức 110.500 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch lại thấp hơn, khi năm 2024 đạt mức 16,64%. Dù vậy, Bộ Tài chính đánh giá rằng tiến độ giải ngân trong tháng 4 đã có sự cải thiện rõ nét so với ba tháng đầu năm.
Trong tổng số vốn đã giải ngân, vốn từ ngân sách trung ương chiếm khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch, thấp hơn mức 16,79% của cùng kỳ năm trước. Ngược lại, vốn từ ngân sách địa phương đạt khoảng 81.819 tỷ đồng, tương đương 17,2% kế hoạch, cao hơn mức 16,56% của cùng kỳ năm 2024.
Riêng với ba chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn giải ngân đạt khoảng 4.707,3 tỷ đồng, tương đương 21,43% kế hoạch được giao.
Bộ Tài chính nhận định: “So với tiến độ giải ngân trong quý I, tình hình đã có bước chuyển biến tích cực, dần bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái”.
Cũng theo báo cáo, trong 4 tháng đầu năm 2025, có 10/47 bộ, ngành và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp hoặc chưa giải ngân được.
Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% có thể kể đến như: Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị...
Bảo đảm tiến độ, không để gián đoạn trong giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có những chuyển biến tích cực, nhưng với quy mô vốn đầu tư công năm 2025 ở mức cao, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, mục tiêu giải ngân năm nay được nâng lên mức 100%, thay vì 95% như các năm trước, cho thấy đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, nguy cơ xảy ra gián đoạn trong triển khai và giải ngân là hiện hữu. Nhận thức rõ điều này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Bộ Tài chính đã kiến nghị hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, các tuyến cao tốc và công trình giao thông trọng điểm.
Theo Bộ Tài chính, điều then chốt là phải duy trì tính liên tục trong quản lý và tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương chỉ đạo phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, kế hoạch và dữ liệu liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư công.
Những nội dung còn đang thực hiện như lập kế hoạch, thẩm định, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu khối lượng, thanh toán… phải được bàn giao minh bạch, không để xảy ra “khoảng trống” gây đình trệ tiến độ.
Đồng thời, việc kiện toàn nhân sự phải được thực hiện đồng bộ với quá trình sáp nhập. Cần bảo đảm đủ cán bộ để theo dõi, điều hành dự án, trong đó cán bộ cũ có trách nhiệm phối hợp bàn giao, còn cán bộ mới phải chủ động tiếp nhận, nắm bắt tình hình, thúc đẩy tiến độ.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, các chủ đầu tư và ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan để bảo đảm dòng công việc được liền mạch, không bỏ sót nhiệm vụ. Cùng với đó, cần sớm rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn và các hồ sơ pháp lý cần thiết phù hợp với việc thay đổi địa giới hành chính, từ đó xác định lại đơn vị nhận vốn, chủ thể ký hợp đồng hoặc quyết định đầu tư nếu cần.
Các địa phương cũng được yêu cầu nhanh chóng hoàn tất thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn – ví dụ như chuyển từ cấp huyện sang cấp tỉnh hoặc xã – để tránh tình trạng ách tắc giải ngân. Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh cần chủ động xác định rõ tiến độ giải ngân từng dự án, tăng cường kiểm tra thực địa, nắm chắc các vướng mắc, nhất là tại các địa bàn mới sáp nhập, và báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết.
Ngoài ra, phối hợp hiệu quả với các cơ quan Trung ương trong tháo gỡ khó khăn, xử lý tình huống mới phát sinh cũng là một yêu cầu quan trọng. Về phía ngân sách địa phương, Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh tiến độ thu, đặc biệt là thu từ đất đai, để kịp thời phân bổ vốn – yếu tố then chốt bảo đảm dòng vốn đầu tư công được giải ngân thông suốt.
Nguồn: https://baodaknong.vn/khong-de-gian-doan-dut-gay-giai-ngan-dau-tu-cong-251796.html
Bình luận (0)