Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không để trẻ thơ mất đi ánh sáng

Đưa cô con gái mới chào đời được 3 tuần tuổi tất tả từ Đắk Lắk xuống Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) để điều trị bệnh võng mạc trẻ sơ sinh, chị Lê Thị Hà Quyên (ngụ Đắk Lắk) mang một niềm hy vọng con chị sẽ không bị mù.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng15/05/2025

Tỷ lệ điều trị thành công đạt hơn 98%

Chị Hà Quyên sinh con khi đang ở tuần thứ 26 của thai kỳ, bé gái nặng 900gr. Như nhiều trẻ sơ sinh khác, khi được khám sàng lọc, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk chẩn đoán bé có nguy cơ bị mù do sinh non và khuyên chị Quyên đưa con xuống Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị.

“Tôi mong bé được điều trị sớm và ổn định về thị giác. Nếu không được tầm soát và điều trị, tôi không biết tương lai của con bé sẽ ra sao”, ánh mắt chị Quyên đỏ hoe, vừa cùng các y tá đưa con vào phòng mổ vừa nói.

Chị Quyên là một trong hàng chục phụ huynh đang có con điều trị tại Trung tâm tầm soát và điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy of prematurity - ROP) tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - trung tâm đầu tiên của Việt Nam. Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Ngọc Anh, Quyền Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1, ROP là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở trẻ sinh non trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 15-20 triệu trẻ nhẹ cân được sinh ra, trong đó có từ 10%-20% trẻ có nguy cơ cao về ROP nếu không được tầm soát và can thiệp kịp thời.

“Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ sinh non và nhẹ cân ngày càng gia tăng và nguy cơ mắc ROP cao, song trước đây nước ta chưa biết đến bệnh này, nhiều bệnh nhân bị mù mà không biết do đâu, chỉ biết là mù bẩm sinh. Khi y tế đã phát triển hơn, qua khảo sát tìm nguyên nhân thì phát hiện do ROP; còn trước đó, tỷ lệ trẻ sinh non được cứu sống nhiều thì số lượng bé bị mù cũng nhiều”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ.

O3d.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh thăm khám cho trẻ điều trị tại Trung tâm tầm soát và điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Năm 2004, Bệnh viện Nhi đồng 1 được Tổ chức y tế phi chính phủ ORBIS hỗ trợ, cử chuyên gia qua đào tạo, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị để khám, điều trị cho các bé. Thời gian đầu chỉ có phương pháp bắn tia laser, đến năm 2015 có thêm phương pháp điều trị tiên tiến dùng thuốc chống VEGF. Qua thời gian vận hành, đến năm 2017, Bệnh viện Nhi đồng 1 chính thức ra mắt Trung tâm ROP.

Là người phụ trách trung tâm, BS Ngọc Anh cho biết, thời gian đầu hoạt động khá khó khăn, việc được tầm soát ngay sau sinh là điều rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị cho các bé trong “thời gian vàng”. May mắn, được sự phối hợp rất nhiệt tình của các bệnh viện phụ sản tại TPHCM, sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt TPHCM và sự liên kết từ các khoa khác trong bệnh viện để tư vấn phụ huynh nên các ca tiếp nhận điều trị đều có kết quả tích cực. Đến thời điểm này, tỷ lệ điều trị ROP thành công lên đến trên 98%.

“Thị giác bé ổn định, thật kỳ diệu”

Có con điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sơ sinh, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết ROP như cứu tinh của gia đình. “Ngày bác sĩ thông báo bé Minh Phát có nguy cơ mất đi ánh sáng vì sinh non, tôi khóc hết nước mắt. May mắn bác sĩ tư vấn, giải thích kỹ về phương pháp điều trị nên gia đình tôi an tâm và tin tưởng theo phác đồ của bác sĩ. Sau 1 lần tiêm duy nhất, thị giác bé ổn định như những đứa trẻ khác, thật kỳ diệu!”, chị Thùy Dương tâm sự. Đến nay, định kỳ chị đưa con đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi.

O1c.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh thăm khám cho trẻ điều trị tại Trung tâm tầm soát và điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non

Về chi phí cho một ca khám sàng lọc - điều trị ROP khoảng 5 triệu đồng/lần (tiêm nội nhãn), 4 triệu đồng/lần (phẫu thuật laser). Bác sĩ Ngọc Anh cho biết, nếu trong “thời gian vàng”, các bé chỉ tiêm 1 lần nội nhãn là đáp ứng. Trường hợp điều trị muộn, có thể số tiền để điều trị lên tới 100 triệu đồng/mắt. Điều trị ROP của trung tâm đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều tỉnh, thành.

Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 đã giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật tầm soát đến bệnh viện các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Cà Mau. Đến nay, Bệnh viện Nhi Cần Thơ đã điều trị được cho bệnh nhi. Riêng các bệnh viện phụ sản tại TPHCM như Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, hàng tuần, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có mặt để hỗ trợ chuyên môn về điều trị ROP.

Với độ phủ của kỹ thuật tầm soát mà các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuyển giao, bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo, phụ huynh có con sinh non nên đi tầm soát sớm để không ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.

Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, mô hình Trung tâm tầm soát và điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non tại Bệnh viện Nhi đồng 1 được Hội đồng cấp thành phố xét tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 4 năm 2025 đánh giá cao và đề xuất trao giải.

Những con số về ROP từ năm 2017-2024

Số lượng bệnh nhi được tầm soát ROP tăng mạnh, từ 9.732 lượt trẻ năm 2017 lên đến hơn 18.000 lượt trẻ vào năm 2024.

Trung bình mỗi năm có gần 400 trẻ cần phải điều trị.

Giai đoạn 2017-2024, Trung tâm ROP đã điều trị khoảng 2.120 bệnh nhi.

Giảm gánh nặng trợ cấp xã hội cho trẻ khuyết tật gần 300 tỷ đồng.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khong-de-tre-tho-mat-di-anh-sang-post795276.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm