Cuối chiều 27-5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB), Chính phủ đã chủ động rà soát những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội và báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm chính sách để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội; đồng thời, Chính phủ rà soát và bổ sung 3 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đáng lưu ý, liên quan đến nội dung được ĐB quan tâm, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý, không quy định chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thay vào đó, cho phép chủ đầu tư được tính các chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án.
“Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến ĐBQH sẽ tiếp tục rà soát những vướng mắc, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội để hoàn thiện Luật Nhà ở năm 2023 trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định.
Nói rõ thêm về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất do thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, chi phí được tính không vượt quá số tiền được xác định theo bảng giá đất của loại đất, hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất của loại đất nhà đầu tư đã nhận chuyển quyền sử dụng tại thời điểm nhận.

Đối với trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất thì số tiền được tính tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất được xác định theo bảng giá đất đối với loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thực tế là các dự án nhà ở xã hội triển khai chậm do thời gian xử lý thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý mất thời gian. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định “thời gian cấp phép cho dự án nhà ở xã hội do Chính phủ quy định” với thủ tục hành chính được đơn giản hóa mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cùng với việc rút gọn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội, cần quan tâm tới bảo đảm chất lượng công trình và công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình này. Cần làm rõ giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng công trình nhà ở xã hội, bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành dự án, tránh việc nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó, thống nhất về các nội dung chỉnh lý các Điều 8, 9, 19, 11 dự thảo Nghị quyết theo hướng không quy định về chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép chủ đầu tư được tính các chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án.
Về mô hình hoạt động, nguồn vốn, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quy định như dự thảo nghị quyết theo hướng đây là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương với nhiệm vụ chính là tập trung hình thành quỹ nhà để cho thuê.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xác định rõ loại hình dự án, loại hình nhà ở được áp dụng cơ chế giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, làm rõ tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định về phòng ngừa sơ hở tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách, bảo đảm chất lượng công trình, bố trí cân đối nguồn vốn, hướng dẫn các địa phương bố trí vốn để phát triển nhà xã hội theo quy định của nghị quyết.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/khong-quy-dinh-hoan-tra-tien-cho-chu-dau-tu-co-dat-trong-du-an-nha-o-xa-hoi-post797079.html
Bình luận (0)