Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không thể trồng nhanh, bán vội

Tây Nguyên đã trở thành “thủ phủ sầu riêng” với sản lượng và diện tích vượt trội. Nhưng để giữ vững vị thế trên thị trường xuất khẩu đầy cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Mười,...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng17/07/2025

Tây Nguyên đã trở thành “thủ phủ sầu riêng” với sản lượng và diện tích vượt trội. Nhưng để giữ vững vị thế trên thị trường xuất khẩu đầy cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, không thể chỉ chạy theo số lượng.

Phát triển chuỗi liên kết và kiểm soát chất lượng là chìa khóa sống còn với ngành hàng tỷ USD này.

Là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, theo ông, Tây Nguyên có những lợi thế tự nhiên gì để phát triển loại cây trồng này một cách bền vững?

Tây Nguyên bén duyên sầu riêng muộn hơn các vùng trồng khác nhưng hiện lại đang trở thành thủ phủ với các địa phương dẫn đầu như Lâm Đồng, Đắk Lắk. Riêng Lâm Đồng, sau khi sáp nhập địa giới hành chính đã chiếm khoảng 28% vùng trồng, trở thành địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước.

Sở dĩ có sự phát triển vượt bậc như vậy bởi vùng đất này sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây sầu riêng. Đặc biệt, đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, rất phù hợp với cây ăn quả lâu năm. Tây Nguyên có mùa khô kéo dài, mùa thu hoạch sầu riêng rơi vào thời điểm ít mưa, giúp trái có chất lượng tốt, ít bị sượng cơm, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, người dân nơi đây cũng đang tích cực áp dụng các mô hình canh tác sạch, hướng tới sản xuất bền vững, góp phần nâng cao giá trị cây trồng đặc sản này.

Chỉ trong vài năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng, đặc biệt tại Tây Nguyên đã tăng nhanh chóng. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, ngành hàng này đã phát triển với tốc độ “phi mã”. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 421 triệu USD (năm 2022) lên 3,3 tỷ USD (năm 2024). Đây là mức tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử ngành trái cây. Tuy nhiên, đi kèm đó là những hệ lụy đáng lo ngại.

Diện tích sầu riêng trên cả nước đã vượt mốc 180 nghìn ha, gấp đôi so với định hướng quy hoạch đến năm 2030. Tuy mở rộng nhanh, nhưng chuỗi giá trị sầu riêng lại thiếu đồng bộ về liên kết, kiểm soát chất lượng và chuẩn hóa kỹ thuật. Việc xét nghiệm dư lượng còn tập trung ở khâu cuối, trong khi thiếu phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn tại các vùng nguyên liệu lớn. Một vấn đề nữa là sự thiếu hụt về kỹ thuật và tư duy sản xuất bền vững. Nhiều nông dân mới chuyển đổi sang trồng sầu riêng chưa được đào tạo bài bản, dễ mắc sai lầm. Cộng thêm tâm lý chạy theo thị trường, khi giá xuống thì bị động, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, chúng ta đã phải trả giá khi liên tiếp gặp sự cố về dư lượng cadimi, chất vàng O khiến nhiều container bị trả về. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh, thị phần tại Trung Quốc rơi từ 40% xuống chưa đầy 10%. Đây là bài học đắt giá về quản lý chất lượng và khả năng phản ứng với thị trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để ngành sầu riêng phát triển bền vững?

Cạnh tranh quốc tế đang ngày càng gay gắt. Trung Quốc không chỉ nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam mà còn mở cửa cho nhiều nước khác như Thái Lan, Philippines, Lào, Indonesia… Thậm chí, nước bạn đã đầu tư trực tiếp vào vùng nguyên liệu tại Lào để chủ động nguồn cung. Nếu chúng ta không cải thiện chất lượng, chuyên nghiệp hóa sản xuất và tăng cường gắn kết các chủ thể trong chuỗi, thì lợi thế địa lý gần Trung Quốc cũng không đủ để giữ thị phần.

Vì vậy theo tôi, trước mắt, cần kiểm soát tốt quy hoạch, tránh mở rộng diện tích một cách tự phát. Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc vùng nguyên liệu gắn với trung tâm sơ chế, chế biến. Quan trọng hơn, phải siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực ứng phó sự cố chất lượng. Chuỗi liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp cũng cần được tái thiết theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích và rủi ro. Trong tương lai, đầu tư vào chế biến sâu sẽ là hướng đi chiến lược, giúp giảm áp lực tiêu thụ tươi, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Nếu được phát triển đúng hướng, sầu riêng có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên không, thưa ông?

Sầu riêng đang dần khẳng định vai trò là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, bên cạnh cà-phê, hồ tiêu. Nhưng để cây trồng này thật sự vươn xa và phát triển bền vững, không thể chỉ nhìn vào sản lượng. Cần một chiến lược bài bản từ quy hoạch vùng trồng, nâng cao kỹ thuật, củng cố liên kết chuỗi cho tới kiểm soát chất lượng đầu ra. Chỉ khi nào chúng ta chuyển đổi được từ sản xuất tự phát sang sản xuất có tổ chức, có tầm nhìn dài hạn và đồng hành cùng thị trường, thì sầu riêng mới thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://baolamdong.vn/khong-the-trong-nhanh-ban-voi-382624.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm