Tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại nhà máy, viện nghiên cứu khu công nghệ cao
Tại Hội thảo Giải pháp thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước được tổ chức tại Đại học Bách khoa ngày 15/4, Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp Thành phố Hà Nội khẳng định trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tăng cường phối hợp các trường đại học, cao đẳng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có cơ hội tiếp cận thực tiễn và tham gia thực tập tại các nhà máy, viện nghiên cứu đặt trong các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
“Ban Quản lý nhận thức rõ rằng, việc gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn sản xuất là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhân sự chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật đang ngày càng gia tăng. Do đó, Ban Quản lý sẽ đồng hành cùng các cơ sở đào tạo trong việc kết nối, giới thiệu và tạo điều kiện để sinh viên có thể học hỏi, trải nghiệm thực tế trong môi trường nghiên cứu-sản xuất hiện đại, qua đó rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây không chỉ là một hoạt động hỗ trợ thiết thực cho sinh viên mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao tri thức và công nghệ giữa các bên liên quan trong toàn hệ thống”, Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội khẳng định.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cho biết, sẽ phối hợp nhà trường để gắn đào tạo của nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp "thực học-thực hành". Ban Quản lý đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Với doanh nghiệp, Ban Quản lý sẽ thường xuyên, định kỳ thực hiện các khảo sát, có đầu mối tiếp nhận thông tin nhu cầu nhân lực để chuyển thông tin này tới các trường đại học, cao đẳng phù hợp; bên cạnh đó, sẽ đề xuất chính sách với thành phố, Chính phủ để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ khi tham gia phối hợp đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành khoa học, kỹ thuật; khuyến khích để doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo như: cử kỹ sư, chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp trang thiết bị hoặc tiếp nhận sinh viên thực tập tại nhà máy,...
![]() |
Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội chia sẻ các giải pháp tại hội thảo. |
Với nhà trường, Ban Quản lý cung cấp thông tin cập nhật thị trường lao động; đồng hành cùng doanh nghiệp trong khu hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, sát hạch, quy trình tuyển dụng; cùng doanh nghiệp, nhà trường xây dựng chương trình, hỗ trợ tổ chức cho sinh viên thực tập, thực hành tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao; sẵn sàng các cơ sở ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo để tiếp nhận, cùng phối hợp thực hiện các dự án ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo,... ngay trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Quy tụ nhân lực công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và phát triển
Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, công nghệ cao và hoạt động đổi mới sáng tạo luôn cần gắn trực tiếp với đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D)... Nhiều nhà đầu tư tại khu công nghiệp, đặc biệt tại khu công nghệ cao, phản ánh họ đang rất thiếu hụt, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực trình độ, nhân lực chất lượng cao, nhất là trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao chiến lược như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ vi mạch, tự động hóa và vật liệu mới,...
Do đó, Ban Quản lý xác định việc tạo môi trường tốt nhất để sống, nghiên cứu và làm việc trong Khu là một ưu tiên. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Ban Quản lý đang gấp rút xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về quy định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao.
Trong đó thành phố mong muốn xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về đãi ngộ, bao gồm: hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế, hỗ trợ nhà ở, hạ tầng sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, giáo dục gia đình chuyên gia, cùng với việc đầu tư mạnh vào điều kiện nghiên cứu-sáng tạo hiện đại, cởi mở. Mục tiêu hướng đến là hình thành những hệ sinh thái R&D mạnh và bền vững, nơi nhân lực công nghệ cảm thấy được trân trọng, được phát triển toàn diện, sẵn sàng cống hiến và gắn bó lâu dài.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tiễn, Ban Quản lý cho biết, sẽ đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác liên doanh, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp và viện nghiên cứu trong khu công nghệ cao. Một trong những định hướng trọng tâm là khuyến khích và tạo điều kiện khai thác hiệu quả cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hiện có tại khu công nghệ cao để phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ hiện nay là khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn sản xuất-thương mại hóa. Nhiều đề tài, sáng kiến, công trình khoa học lại bị "niêm phong" trong phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, hoặc trường đại học. Doanh nghiệp thì không biết, khó tiếp cận, hoặc gặp rào cản trong tiếp nhận, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ.
Mục tiêu chiến lược mà Ban Quản lý đặt ra là biến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm hội tụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, một môi trường mở, nơi mọi ý tưởng, sáng kiến công nghệ từ phòng thí nghiệm đều có cơ hội được thử nghiệm, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng thực tiễn thông qua các cơ chế quản lý tiên tiến, bảo đảm công bằng về quyền lợi giữa nhà sáng tạo và cộng đồng thụ hưởng.
Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tích cực mở rộng hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, đặc biệt ưu tiên các đơn vị tại Hà Nội để kết nối, thu hút các nhà khoa học, sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp đến thử nghiệm, phát triển công nghệ và sản phẩm.
Những giải pháp nêu trên được Ban Quản lý xác định là khâu đột phá, cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ, nhằm mang lại lợi ích thiết thực không chỉ cho nhà khoa học, doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/khu-cong-nghe-cao-ket-noi-nha-truong-va-doanh-nghiep-post872760.html
Bình luận (0)