Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỳ II: Giải “bài toán” tăng diện tích rừng FSC

Việc triển khai cấp chứng chỉ rừng là phù hợp với xu thế phát triển bền vững của Quốc tế và phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Lâm nghiệp, từ đó, nhận được sự hợp tác, hỗ trợ về mặt chính sách và quản lý ở các cấp trong quá trình triển khai tại tỉnh. Thực tế cho thấy, việc quản lý rừng bền vững và xây dựng chứng chỉ rừng sẽ mở ra những cơ hội lớn, thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng chứng chỉ nhằm quản lý rừng bền vững đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn không ít khó khăn cần được tháo gỡ.

Báo Phú ThọBáo Phú Thọ14/05/2025

Giải pháp cho tương lai xanh

Kỳ II: Giải “bài toán” tăng diện tích rừng FSC

Lực lượng Kiểm lâm huyện Cẩm Khê hướng dẫn hộ dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Nhận diện khó khăn

Việc cấp chứng chỉ FSC mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Thực tế tại huyện Thanh Sơn - một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh. Đồng chí Trần Quang Hưng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để khai thác, phát huy thế mạnh phát triển lâm nghiệp, tăng năng suất, giá trị kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó có nội dung đánh giá, cấp chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do tập quán sản xuất của người dân, chất lượng giống, quy trình đầu tư, chăm sóc chưa đáp ứng tiêu chuẩn quản lý rừng; diện tích rừng sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ”.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, chứng chỉ FSC đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng nhằm bảo đảm việc khai thác và quản lý rừng theo tiêu chuẩn bền vững. Thực tế tại Phú Thọ, với những cơ chế, chính sách phù hợp đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ che phủ rừng; chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ nhỏ sang mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế... Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 188.000ha, từ năm 2011 đến nay, các khu rừng đặc dụng cơ bản đã được quản lý bền vững; các chủ rừng là tổ chức, công ty lâm nghiệp... đã thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thực hiện quản lý rừng bền vững được xác định phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Việc làm này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương và tạo ra kinh tế bền vững. Tuy nhiên, triển khai thực hiện ở các địa phương còn gặp một số khó khăn nhất định: Chi phí thủ tục đánh giá để được cấp chứng chỉ FSC tương đối lớn; đòi hỏi tiêu chuẩn về diện tích, cơ sở pháp lý quyền sở hữu hoặc sử dụng đất lâm nghiệp; trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, lạc hậu, chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen; thiếu vốn thực hiện trong thời gian dài.

Mặt khác, sản xuất theo quy trình FSC yêu cầu về nguồn giống lâm nghiệp phải đảm bảo, có xuất xứ rõ ràng; người trồng rừng phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc về pháp luật, trách nhiệm với việc sử dụng, sở hữu, mối quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động... Việc cấp chứng chỉ FSC đã khó, việc duy trì còn khó hơn. Theo quy định, chu kỳ 5 năm sẽ thực hiện lại quy trình đánh giá để công nhận quản lý rừng bền vững, trong khi đó, tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, cản trở phần nào đến việc duy trì, mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Thêm vào đó, nhận thức và năng lực quản lý của một số chủ rừng còn hạn chế nên động lực, quyết tâm chưa cao trong việc tiếp cận chứng chỉ rừng. Do còn phụ thuộc nhiều vào các tổ chức, chuyên gia trong quá trình tư vấn và đánh giá cấp chứng chỉ nên chi phí ban đầu cao đối với chủ rừng, nhất là đối tượng nhóm hộ. Vấn đề quy hoạch và lựa chọn đối tượng sản xuất chưa phù hợp và thiếu ổn định làm ảnh hưởng lớn đến tiến trình tiếp cận và quy mô cũng như đảm bảo tính bền vững của chứng chỉ rừng.

Kỳ II: Giải “bài toán” tăng diện tích rừng FSC

Lô rừng sản xuất theo quy trình FSC của Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, huyện Yên Lập.

Vì mục tiêu phát triển rừng bền vững

Quản lý theo tiêu chuẩn FSC là hướng đi tất yếu, ưu việt để phát triển lâm nghiệp bền vững. Trên cơ sở tình hình thực tế, thời gian tới, tỉnh đề ra một số giải pháp tạo điều kiện cho tiến trình triển khai cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh. Trước hết, cụ thể hóa các chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, từ đó xây dựng chiến lược và quy hoạch lâm nghiệp cụ thể theo hướng tiếp cận chứng chỉ rừng, nhất là ở các cấp cơ sở. Đưa mục tiêu chứng chỉ rừng vào kế hoạch phát triển lâm nghiệp của địa phương. Nâng cao tính chủ động cũng như vai trò quản lý và xúc tiến của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này.

Nêu quan điểm về giải pháp của việc trồng rừng chứng chỉ FSC, ông Phùng Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty lâm nghiệp Yên Lập, huyện Yên Lập cho biết: “Đơn vị tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC từ năm 2011. Quy trình đánh giá chứng chỉ FSC được thực hiện khá nghiêm ngặt hàng năm nhưng về lâu dài có tính bền vững và lợi ích kép. Trong đó, tổ chức đánh giá về khâu quy hoạch trồng rừng, việc trồng rừng phải đảm bảo kỹ thuật, góp phần khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo sự tồn tại và phát triển đa dạng sinh học trong tự nhiên; về mặt xã hội phải đảm bảo quyền lợi của người lao động trồng rừng như điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, thu nhập...; điều kiện khai thác đảm bảo trữ lượng không được vượt quá sản lượng rừng sản sinh”.

Cùng với đó, ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có rừng, ngành lâm nghiệp quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; các cơ quan chức năng cần quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... Có như vậy mới triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, bảo đảm nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện đời sống, lợi ích của người trồng và làm nghề rừng.

Đồng chí Trần Quang Đông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Để phát triển trồng rừng theo chứng chỉ FSC có tính bền vững, mang lại lợi ích kép, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội và trực tiếp đối với người trồng rừng. Đặc biệt rừng được cấp chứng chỉ không chỉ mang lại nhiều lợi ích về môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nguồn nước, mà gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ sẽ xuất khẩu thuận lợi, trong đó nhiều thị trường chỉ nhập khẩu gỗ từ rừng có Chứng chỉ FSC. Khi rừng được cấp Chứng chỉ FSC, nhận thức của người dân đối với sản xuất lâm nghiệp nâng lên rõ rệt ngay từ khi sản xuất cây giống, trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn, quy trình bền vững, nâng cao chất lượng rừng. Nhóm hộ được cấp chứng chỉ rừng sẽ cơ bản không bán gỗ tròn mà tập trung chế biến ván xẻ, nguyên liệu cho nhà máy gỗ MDF, viên nén gỗ xuất khẩu để tăng giá trị”.

Phú Thọ là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng. Việc quản lý rừng bền vững là hướng đi mới phát triển kinh tế lâm nghiệp với những chính sách chuyên biệt mang tính đột phá. Với tiềm năng, thế mạnh về rừng, việc được cấp chứng nhận FSC là yếu tố quan trọng, góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của địa phương.

Tin liên quan:
  • Kỳ II: Giải “bài toán” tăng diện tích rừng FSC
    Giải pháp cho tương lai xanh

    Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (FSC) để đánh giá chất lượng quản lý rừng bền vững, xây dựng những bộ tiêu chuẩn gồm các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số làm thước đo khi tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ cho những khu rừng. Theo đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; phối hợp triển khai khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch và tuyên truyền đến các chủ rừng tham gia cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Nhờ vậy rừng được bảo vệ tốt hơn và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn: https://baophutho.vn/ky-ii-giai-bai-toan-tang-dien-tich-rung-fsc-232637.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm