Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (3.4.1845 - 3.4.2025):

Việt NamViệt Nam03/04/2025


Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (3.4.1845 - 3.4.2025):

Đào Tấn - Người mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng

Đào Tấn sinh ngày 3.4.1845 (tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai) tại làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Suốt cuộc đời Đào Tấn đã mang hết tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật tuồng, đã để lại hàng trăm tác phẩm kinh điển và mẫu mực cho sân khấu Tuồng Việt Nam… Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Đào Tấn đã để lại một kho tàng văn hóa đồ sộ với hàng chục vở tuồng cùng cả nghìn bài thơ đặc sắc.

 

Án thờ Đào Tấn tại Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Thuở nhỏ Đào Tấn theo học ông Nguyễn Diêu, tức cụ Tú tài Nhơn Ân. Nguyễn Diêu vốn là một nhà soạn tuồng nên Đào Tấn sớm chịu ảnh hưởng ở thầy. Năm 1867 (Tự Đức thứ 20) Đào Tấn đỗ Cử nhân, lúc đó ông mới 22 tuổi. Bốn năm sau ông được thọ hàm Kiểm tịch sung vào Ban Hiệu thơ ở Huế. Năm 1874 ông được thăng Biên tu rồi Tu soạn kiêm Tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình), sau đó thăng Thừa chỉ rồi Thị độc nội các. Năm Tự Đức thứ 33 (1880) Đào Tấn được thăng Thị giảng học sĩ - Tham tá các vụ. Năm 1881 ông được thăng Hồng Lộ tự khanh, lãnh Phủ doãn Thừa Thiên.

Tượng chân dung Đào Tấn. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Sau khi Tự Đức mất, Đào Tấn bỏ quan về quê nhà nên bị triều đình hạ 4 bậc. Năm 1886 Đồng Khánh lên ngôi, cho triệu Đào Tấn ra làm Tham tá các vụ, năm sau được bổ nhiệm Phủ doãn Thừa Thiên rồi Tham tri Bộ Hộ (1888). Năm Thành Thái thứ nhất (1889) Đào Tấn được bổ nhiệm Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) rồi Thượng thư Bộ Công (1894), Thượng thư Bộ Hình (1896). Năm 1898, Đào Tấn được thăng Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Nam Nghĩa Tổng đốc (Quảng Nam - Quảng Nghĩa) rồi lại làm An Tịnh Tổng đốc lần thứ hai. Năm 1902 Đào Tấn trở về Huế lại lãnh Thượng thư Bộ Công. Năm 1904, Đào Tấn về hưu, lúc đó ông vừa tròn 60 tuổi.

 

Ảnh chân dung Đào Tấn và tư liệu Hán Nôm liên quan đến Đào Tấn trưng bày tại phòng truyền thống nghệ thuật hát bội (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình, Đào Tấn đã để lại gần 1.000 bài thơ, từ, tản văn và liễn đối trong các tập: “Mộng Mai Ngâm Thảo”, “Mộng Mai Thi Tồn”, “Mộng Mai Từ Lục” và “Mộng Mai Văn Sao”. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng với gần 40 vở tuồng, bao gồm cả những vở sáng tác, cải biên và chỉnh lý, trong đó nổi bật có: Trầm Hương các, Diễn Võ Đình, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sanh đàn, Cổ Thành. Ngoài ra, Đào Tấn còn là tác giả của tập sách có tính chất lý luận sân khấu mang tên “Hý trường tùy bút”, đây là tập sách tập hợp những bài viết, thư từ trao đổi của Đào Tấn xung quanh nghệ thuật tuồng. Đào Tấn còn có công lao to lớn trong việc truyền dạy nhiều học trò nổi tiếng sáng tác và diễn tuồng tại quê nhà Bình Định. 

Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Quê hương Bình Định tự hào là nơi sinh ra Đào Tấn, tự hào đã đóng góp những bậc danh nhân hào kiệt, góp phần tô thắm truyền thống văn hóa Bình Định nói riêng, nền văn hóa đậm đà bản sắc của Việt Nam nói chung. Nhằm ghi nhận những đóng góp của Cụ, Nhà nước đã tôn vinh Đào Tấn là “Danh nhân Văn hóa” của đất nước.

 

Học sinh tham quan tìm về Đào Tấn tại phòng truyền thống nghệ thuật hát bội (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh). Ảnh: NGỌC NHUẬN

Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Tấn (3.4.1845 - 3.4.2025) là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn các di sản vô giá của Đào Tấn để lại cho hậu thế, tìm cách bảo tồn và phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hôm nay và mai sau. Trong ký ức của nhân dân Bình Định nói chung và mỗi người dân Tuy Phước nói riêng, Đào Tấn mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng về đức độ, tài năng và là một ngôi sao sáng trong lịch sử nước nhà vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

NGỌC HIỀN



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=343745

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm