Không chỉ là hoạt động thường niên, đây đã trở thành một nét đẹp nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội lan tỏa suốt nhiều năm qua.
Mới 7h sáng ngày 21-6, nhưng nhiều người có công của phường Phương Liệt đã có mặt đông đủ tại Trạm Y tế để chờ khám bệnh. Ông Nguyễn Văn Liêm - nạn nhân chất độc da cam - chia sẻ: “Tôi nhận được giấy mời đi khám bệnh miễn phí cách đây hai hôm. Dù nhà gần bệnh viện và con cháu vẫn thường đưa tôi đi khám, nhưng lần này đặc biệt vì do bác sĩ quân đội trực tiếp thăm khám. Tôi thấy rất xúc động và háo hức, nên từ sớm đã cùng cháu nội đến trạm y tế để chờ khám”.
Tại buổi khám, 190 người thuộc diện chính sách của phường Phương Liệt đã được các y, bác sĩ của Bệnh viện Y học Phòng không - Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) kiểm tra kỹ tình trạng sức khỏe như đo huyết áp, khám tai - mũi - họng, đo thị lực, siêu âm, điện tâm đồ... Các bác sĩ cũng tận tình tư vấn, dặn dò chu đáo từng người về cách chăm sóc sức khỏe và phương pháp điều trị hiệu quả đối với những bệnh đang gặp phải. Nhân dịp này, Bệnh viện Y học Phòng không - Không quân đã trao 10 suất quà (mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng) tặng 10 cá nhân tiêu biểu thuộc diện chính sách của phường.
Chung niềm phấn khởi như nhiều người có công của phường Phương Liệt, ông Lê Tiến Huân (xã Phúc Thọ), vừa bước ra khỏi khu vực khám tai - mũi - họng, chia sẻ: “Tôi bị viêm phế quản mạn tính đã lâu, nay được các y, bác sĩ quân đội khám bệnh, tư vấn kỹ lưỡng và hướng dẫn cách dùng thuốc rất cụ thể nên tôi yên tâm điều trị”. Còn bà Lê Thị Nguyện (xã Phúc Thọ), lâu lắm rồi mới đi khám bệnh, nên khi gặp bác sĩ, bà chủ động đề nghị được tư vấn kỹ về đôi mắt. Bà chia sẻ: “Mắt tôi kém đã lâu, sinh hoạt hằng ngày rất bất tiện. Hôm nay được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) khám và tư vấn, tôi sẽ bàn với con cháu để thu xếp thời gian đến bệnh viện thay thủy tinh thể”.
Đó là những chia sẻ chân thành của hai trong số 243 người có công tại xã Phúc Thọ tham gia buổi khám bệnh do Bệnh viện Quân y 105 tổ chức nhân dịp 27-7. Tại đây, người dân được khám tổng thể các chuyên khoa như siêu âm, điện tim, tai - mũi - họng..., kê đơn, cấp phát thuốc và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và Thành phố Hà Nội về công tác “đền ơn đáp nghĩa” cũng như chính sách quân đội, hậu phương quân đội, hằng năm Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều triển khai nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người có công. Trong dịp 27-7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách tại nhiều địa phương. Đồng thời tổ chức các đoàn thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; các cháu học sinh nghèo, thân nhân các quân nhân đang tại ngũ... Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng tích cực phối hợp xây dựng, trao tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội; kết hợp tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách trên địa bàn.
Năm nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục phối hợp với 60 bệnh viện trong và ngoài quân đội, các Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực thành phố, UBND các xã, phường để khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc và tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố từ ngày 19-6 đến 27-7 tại 60 xã, phường. Đại tá Nguyễn Công Hải - Trưởng phòng Chính sách, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cho biết: “Dự kiến trong chuỗi hoạt động tri ân này, khoảng 12.000 đối tượng chính sách sẽ được khám bệnh, tư vấn miễn phí, cấp thuốc và tặng quà”.
Trong hành trình đền ơn, đáp nghĩa, tri ân của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội luôn có sự đồng hành chặt chẽ của các Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực thành phố, chính quyền cơ sở và nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thận Hà Nội... Tại mỗi điểm khám, người dân không chỉ được phục vụ bởi đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao mà còn được tiếp cận với các thiết bị hiện đại, trong một quy trình tổ chức bài bản, tận tình và chu đáo.
Bên cạnh giá trị nhân đạo, nghĩa tình, hoạt động tri ân người có công còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. “Thế hệ trẻ - những người tham gia khám bệnh, hỗ trợ quá trình khám cũng như chứng kiến hoạt động sẽ hiểu rõ hơn những hy sinh, mất mát mà lớp người đi trước đã trải qua để gìn giữ từng tấc đất quê hương. Đồng thời, thông qua đây tình cảm giữa quân đội và nhân dân cũng ngày càng bền chặt hơn, bởi đây không chỉ là sự hỗ trợ một chiều mà là mối quan hệ đồng hành chia sẻ gắn bó. Khi người dân tin vào bộ đội, sẵn sàng mở lòng, đồng hành cùng quân đội thì “thế trận lòng dân” không chỉ là khái niệm chính trị mà trở thành một thực tế bền vững” - Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nhân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/ky-niem-75-nam-ngay-truyen-thong-luc-luong-tnxp-viet-nam-15-7-1950-15-7-2025-net-dep-nhan-van-709452.html
Bình luận (0)