Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ký ức 30/4 - Bài 2: Sự hy sinh xứng đáng

(Chinhphu.vn) - '50 năm rồi, nhìn Thành phố hôm nay, tôi thấy sự hy sinh của mình xứng đáng".

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ03/04/2025


Ký ức 30/4 - Bài 2: Sự hy sinh xứng đáng- Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Dũng kể lại những ký ức ngày 30/4/1975 lịch sử - Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Tiếp chúng tôi trong quán cơm nhỏ của gia đình trên đường Bình Quới, ông Lê Quốc Dũng (sinh năm 1962) vẫn nhớ như in ngày 30/4/1975 lịch sử.

"Trên Đài phát thanh vang lên tiếng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Xe tăng chạy về Thanh Đa-Bình Quới. Không có tiếng súng giao tranh, chỉ có tiếng súng chỉ thiên để giữ trật tự. Nhiều người la lớn: Giải phóng rồi!", ông Dũng nhớ lại.

Một tiểu đội của chính quyền cách mạng xin đóng quân tại nhà ông trong 5 ngày sau giải phóng. Ký ức của cậu thiếu niên 13 tuổi năm ấy nhớ rằng "các cô chú bộ đội thương con nít lắm, thấy dân làm gì là bộ đội xắn tay vào làm". Bộ đội ở cùng nhà, nấu ăn, dạy thiếu nhi tập hát "Lên đàng", "Nối vòng tay lớn", "Tiến quân ca"… Vị ngon của món lương khô được chú bộ đội tặng 50 năm trước khiến ông chẳng thể nào quên được. Ngày tiểu đội rời đi, đám trẻ con lưu luyến mãi.

Nhà ông Dũng từng có một cây xoài lớn trước cửa. Những năm trước 1975, ba của ông mỗi ngày đi làm luôn dặn dò cậu con trai nhỏ, hễ nghe tiếng pháo kích phải ở yên trong nhà, không được ra ngoài. Cậu bé Dũng nhận ra mỗi lần cây xoài rung lên, quả xoài rụng lộp bộp xuống đất, cậu sẽ chạy vào nhà, đóng cửa thật kĩ.

Sau ngày giải phóng, quả xoài chín vẫn rụng xuống đất, nhưng cậu bé Dũng không còn phải đóng cửa ẩn nấp nữa. Năm 1985, gia đình ông bán ngôi nhà nhỏ và chủ mới đốn cây xoài để xây nhà mới nhưng mỗi lần đi qua ngôi nhà cũ, ông vẫn thấy bồi hồi.

Ký ức 30/4 - Bài 2: Sự hy sinh xứng đáng- Ảnh 2.

Đại tá tình báo Tư Cang, cụm trưởng Cụm tình báo H63 - Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Còn với Đại tá tình báo Tư Cang (bí danh của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân nhân Nguyễn Văn Tàu), ngày 30/4/1975 không chỉ là ngày thống nhất đất nước, ngày Bắc-Nam sum họp một nhà mà còn là ngày đoàn tụ của hai vợ chồng ông sau gần 30 năm xa cách.

Đại tá Tư Cang, cụm trưởng Cụm tình báo H63, được nhắc đến như một huyền thoại của ngành tình báo quân đội Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, người góp phần xây dựng mạng lưới tình báo bí mật tại Sài Gòn, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho những trận đánh lớn mang tính quyết định.

"Ngày 30/4, sau khi xong công việc, tôi lái xe ngược về hướng Thị Nghè. Tôi biết rằng vợ con tôi ở đó. Khi đi, tôi mới cưới vợ. Tôi 19 tuổi, vợ tôi 18 tuổi. Ngày về, con gái chúng tôi đã 28 tuổi. 28 năm xa cách. Chúng tôi nào biết cuộc chiến dài đến thế", ông xúc động kể.

Thành phố "thay da đổi thịt" từng ngày

Chàng thiếu niên Lê Quốc Dũng 13 tuổi năm nào giờ tóc đã điểm bạc. Đại tá tình báo Tư Cang đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Gần trọn cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, chứng kiến sự đổi thay của Thành phố, họ là những nhân chứng lịch sử về những năm tháng bi hùng của dân tộc.

Ông Dũng nói, ngày xưa Thanh Đa-Bình Quới còn thưa thớt người, mỗi nhà cách nhau cả trăm mét. Đường 82 Thanh Đa xưa là đường đất đỏ, là ao rau muống, nay toàn biệt thự khang trang.

"Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, bỏ cấp quận, huyện sẽ giúp nhà nước tiết kiệm nhân lực, ngân sách, tiền dư ra sẽ được dùng để lo an sinh xã hội cho người dân. Sắp tới, trẻ em đi học trường công được miễn học phí. Những người trên 60 tuổi như chúng tôi được khám chữa bệnh định kỳ 6 tháng một lần, được xét nghiệm siêu âm không mất phí… Mừng lắm!", ông Lê Quốc Dũng nói.

Ký ức 30/4 - Bài 2: Sự hy sinh xứng đáng- Ảnh 3.

Cầu Kinh Thanh Đa không còn là cây cầu gỗ nhỏ cheo leo, như một minh chứng cho sự đổi thay của Thành phố - Ảnh: VGP/Nguyễn Trà

Chỉ vào cầu Kinh - cây cầu độc đạo dẫn từ trung tâm Thành phố qua bán đảo Thanh Đa, bà Nguyễn Thị Hải An (sinh năm 1967), người gắn bó gần trọn cuộc đời với mảnh đất này chia sẻ với chúng tôi về sự đổi thay rõ rệt từng ngày của Thành phố: "Ngày xưa, nơi đây cỏ mọc cao hơn đầu người. Bờ kè khu phố 1 bị lấn chiếm làm nhà trọ, khu đèn mờ… tạp nham. Công viên ở Thanh Đa ngày xưa đáng sợ lắm, mùa mưa đất sình nhão nhoẹt, rồi còn tệ nạn, chẳng mấy người dám tới. Nay cứ ra mấy khu công viên, bờ kè thấy rõ liền. Trạm y tế trước rêu mốc, nước ngập giờ khang trang, sạch sẽ. Cầu Kinh trước chỉ là cây cầu gỗ nhỏ xíu cheo leo, ai cũng nói cây cầu đó mà sập là Thanh Đa "tiêu", giờ có cầu bê tông chắc chắn rộng rãi".

Không chỉ Thanh Đa-Bình Quới mà mỗi địa danh, mỗi con đường, hẻm nhỏ ở Thành phố mang tên Bác đều đã thay da đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới.

Cô Phạm Thị Em (1949), sinh ra ở Bình Tân, là người gốc Sài Gòn. Theo cách mạng làm trinh sát kiêm giao liên từ thuở 15 tuổi, hơn 6 năm bị giam cầm trong nhà tù của địch, trong đó có 3 năm ở "chuồng cọp" Côn Đảo, nữ trinh sát xúc động trước sự đổi thay của Thành phố hôm nay.

"Ngày 30/4/1975, tôi được trao trả về Lộc Ninh. Nhưng nhiều người trong số chúng tôi bị giặc giấu lại như cô Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước), sau giải phóng mới được trả về. Trong tù, cô Hoa dạy các chị em học. 50 năm rồi, nhìn Thành phố hôm nay, tôi thấy sự hy sinh của mình xứng đáng. Đất nước hòa bình độc lập, nhân dân yên ổn làm ăn, con cháu tôi hôm nay được đến trường, không còn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bom rơi đạn lạc", nữ trinh sát Phạm Thị Em phấn khởi nói.

Hòa bình hôm nay không chỉ là kết quả của một cuộc chiến dài với sự đóng góp và hy sinh của những con người như Đại tá Tư Cang, hay nữ trinh sát Phạm Thị Em, các nữ biệt động Phan Thị Thu, Phan Thị Hồng. Sự đổi thay của Thành phố hôm nay chính là niềm tự hào dân tộc mà họ đã góp phần vun đắp.

Nguyễn Trà

(còn tiếp)


Nguồn: https://baochinhphu.vn/ky-uc-30-4-bai-2-su-hy-sinh-xung-dang-102250403110142462.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm