Nhà giáo Lê Minh Ngọc kể về lần đầu tiên được gặp Bác. Ảnh: Anh Tú
Ký ức lần đầu gặp Bác
Hơn 80 năm cuộc đời, mái tóc đã bạc trắng nhưng đôi mắt nhà giáo Lê Minh Ngọc - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM vẫn ánh lên niềm xúc động khi nhớ về lần đầu tiên gặp Bác.
Năm 12 tuổi, bà Ngọc là một trong nhiều học sinh miền Nam được chọn gửi ra miền Bắc học tập phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đó là tầm nhìn xa của Bác Hồ, là minh chứng cho một miền Nam luôn trong trái tim Bác.
Clip: Nhà giáo Lê Minh Ngọc kể về lần được gặp Bác Hồ.
Đến năm 1959, bà Lê Minh Ngọc nhận thông báo từ Hải Phòng về Hà Nội trong dịp đón ngài Sukarno - Tổng thống Indonesia sang thăm chính thức Việt Nam lúc bấy giờ. Và cũng từ lần ấy, bà Ngọc có cơ hội được gặp Bác Hồ.
Bà Lê Minh Ngọc năm 12 tuổi tập kết ra Bắc (bìa phải) và năm 18 tuổi vào đại học Sư phạm Hà Nội (bìa trái). Bà may mắn được gặp trực tiếp Bác Hồ. Ảnh chụp lại từ tư liệu: Anh Tú
"Tôi nhớ mãi niềm hạnh phúc rưng rưng khi được Bác Hồ ân cần sắp xếp ngồi giữa Người và Tổng thống Sukarno. Cảm giác ấy, đến tận bây giờ tôi vẫn còn nguyên vẹn", bà Ngọc xúc động nhớ lại.
Hơn tám mươi năm cuộc đời đã trôi qua, nhưng lời Bác nói năm nào vẫn khắc sâu trong trái tim người con miền Nam: "Lúc đó Bác hỏi: 'Cháu ở miền Nam nên nhớ nhà lắm phải không? Nhớ bao nhiêu thì cố gắng mà học, tu dưỡng cho tốt bấy nhiêu. Tu dưỡng để mai này về miền Nam phục vụ'. Lời Bác giản dị mà thấm thía đã in đậm trong trái tim tôi".
Hình ảnh bà Ngọc cùng nhóm học trò cũ tại Trường Chu Văn An Hà Nội khóa 1972-1975. Ảnh: Minh Ngọc
Những năm tháng đứng trên bục giảng, gieo chữ, ươm mầm tri thức cho bao thế hệ học trò, từ miền Bắc gian khó đến TPHCM nghĩa tình, cô giáo Lê Minh Ngọc chưa một lần quên lời Bác dặn. Bà luôn tâm niệm, cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã khơi dậy trong bà một lẽ sống cao đẹp: cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, vun đắp tương lai cho những mầm non của đất nước.
"Tôi luôn nghĩ rằng, nếu ai đó đã một lần được gặp Bác, không thể không trở thành người tốt được", bà Ngọc luôn nhấn mạnh. Những lời dạy của Bác thanh cao mà gần gũi, đã gieo vào trái tim mỗi người một lẽ sống đẹp đẽ.
Ký ức về lần thứ hai gặp Bác, khi Người về thăm trường học sinh miền Nam số 6 ở Hải Phòng, vẫn vẹn nguyên trong tâm trí bà. Hình ảnh Bác giản dị, thân thương, đi thẳng xuống khu bếp rồi ân cần trò chuyện với các em học sinh khiến bà và các bạn vô cùng xúc động. Những viên kẹo Bác cho, các em không dám ăn mà trân trọng giữ lại, gói ghém trong những trang vở như một lời hứa thiêng liêng về sự phấn đấu trở thành người tốt.
Hơn 3.000 cuộc đời đã được thắp sáng
Sau khi đất nước thống nhất, trở về TPHCM, bà Lê Minh Ngọc càng dốc lòng cho sự nghiệp giáo dục của thành phố mang tên Bác. Bà luôn trăn trở về tương lai của thế hệ trẻ, về trách nhiệm tiếp nối sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn, như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn.
"Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc", bà Ngọc xúc động nói. "Lời Bác 'Miền Nam luôn trong trái tim tôi' không chỉ là một câu nói, mà là một tình cảm sâu nặng, thiêng liêng, đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên con đường học tập và trưởng thành".
Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, trái tim nhiệt huyết của nhà giáo Lê Minh Ngọc vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người. Bà đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học, chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn học sinh nghèo hiếu học bằng chương trình "Học bổng 1 và 1" đầy ý nghĩa.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Ngọc vẫn luôn thực hiện những hoạt động công tác xã hội. Ảnh chụp bà trong một lần đi thăm quân dân quần đảo Trường Sa. Ảnh: Minh Ngọc
"Với tôi, 1 và 1 không chỉ là một suất học bổng, mà là sự sẻ chia, là tình người, là cơ hội để những em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục con đường học vấn", bà Ngọc nói.
Hơn 3.000 cuộc đời đã được thắp sáng nhờ "Học bổng 1 và 1" của "Má Ngọc" - cái tên thân thương mà các thế hệ sinh viên nghèo thành đạt vẫn trìu mến gọi bà. Ở tuổi 82, bà vẫn miệt mài với công việc khuyến học, trao truyền ngọn lửa yêu thương và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ.
Với nhà giáo Lê Minh Ngọc, tài sản vô giá của bà chính là hàng ngàn người con trưởng thành, những người không bao giờ quên ơn những năm tháng được nuôi dưỡng, dạy dỗ ở miền Bắc, không bao giờ quên công ơn to lớn của Đảng, của Bác Hồ. Lời dặn dò năm xưa của Bác đã trở thành kim chỉ nam, soi sáng con đường cống hiến trọn đời cho sự nghiệp trồng người của bà, một người con ưu tú của miền Nam luôn khắc ghi "Miền Nam luôn trong trái tim Bác".
Nhìn nhận về thế hệ trẻ ngày nay, nhà giáo Lê Minh Ngọc bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực và trí tuệ của các em. Tuy nhiên, bà cũng nhắn nhủ các em cần sống có lý tưởng, có ước mơ và không ngừng học hỏi, rèn luyện đạo đức. Bà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, tìm hiểu về lịch sử và những giá trị truyền thống của dân tộc.
"Năm điều Bác Hồ dạy đối với thiếu niên nhi đồng vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay", bà Ngọc chia sẻ. "Đó là những lời dạy giản dị nhưng sâu sắc, thấm sâu vào tâm hồn các em, giúp các em trưởng thành và trở thành những công dân có ích cho xã hội".
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/xa-hoi/ky-uc-xuc-dong-cua-co-be-mien-nam-ngay-ay-bac-ho-luon-o-trong-tim-toi-1508279.ldo
Bình luận (0)