Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động - Ảnh minh họa
Hội thảo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện các cơ quan, hiệp hội, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan thông tấn báo chí.
Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tối ưu hóa hoạt động. Đặc biệt, với tính chất đặc thù về hình thức giao dịch, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số là không giới hạn về không gian địa lý, TMĐT giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận khách hàng toàn quốc, thậm chí toàn cầu, với chi phí thấp hơn nhiều so với kênh truyền thống.
Ngày 23/7/2025, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025; dự kiến hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2025. Dự thảo Luật bao gồm 8 Chương, 50 Điều, bám sát 6 chính sách được Chính phủ thông qua. Căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu thực tiễn và tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật tập trung vào các nội dung lớn sau: Quy định các loại hình nền tảng TMĐT và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động TMĐT trên các nền tảng TMĐT: Nền tảng TMĐT kinh doanh trực tiếp, nền tảng TMĐT trung gian, mạng xã hội hoạt động TMĐT, nền tảng tích hợp đa dịch vụ; Quy định về hoạt động bán hàng livestream, tiếp thị liên kết và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; Quy định về hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan; Quy định về dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT và trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT; Quy định về chính sách hỗ trợ phát triển TMĐT theo hướng xanh, bền vững.
Với các nhóm nội dung lớn nêu trên, dự thảo Luật TMĐT đặt trọng tâm để giải quyết một số vấn đề tồn đọng hiện nay trong công tác quản lý nhà nước về TMĐT như: Kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; kiểm soát nội dung, thông tin tiếp thị, quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp; định danh người bán, truy vết và xử lý vi phạm; quản lý thuế từ hoạt động TMĐT bao gồm cả TMĐT xuyên biên giới; công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Luật không chỉ tập trung vấn đề quản lý mà còn giải quyết các vấn đề về kiến tạo và phát triển, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh trong việc thực hiện hóa các quy định pháp luật bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể, phù hợp.
Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật TMĐT lắng nghe, trao đổi ý kiến giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra với các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội và các tổ chức quan tâm để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật TMĐT. Dự kiến, Luật TMĐT sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).
Anh Thơ
Nguồn: https://baochinhphu.vn/lay-y-kien-hoan-thien-du-an-luat-thuong-mai-dien-tu-102250728112550525.htm
Bình luận (0)