Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lễ cấp sắc của người Dao - sợi chỉ đỏ nối con cháu với tổ tiên

Giữa đại ngàn Tây Bắc, khi tiếng trống vọng vang trong đêm, ánh đèn lập lòe soi sáng từng nếp nhà sàn, đó cũng là lúc một nghi lễ thiêng liêng và giàu giá trị nhân văn của người Dao được cử hành - lễ cấp sắc. Không phân biệt Dao đỏ hay Dao chàm, lễ cấp sắc từ bao đời nay đã trở thành dấu mốc trưởng thành không thể thiếu trong hành trình làm người của nam giới dân tộc Dao.

Báo Tuyên QuangBáo Tuyên Quang15/07/2025

Nghi lễ nối liền âm - dương, khắc sâu đạo làm người

Theo tín ngưỡng truyền đời, một người đàn ông Dao chỉ được coi là trưởng thành, có danh phận trong cộng đồng và được tổ tiên thừa nhận khi đã trải qua lễ cấp sắc. Dù tuổi tác có cao bao nhiêu, nếu chưa được “cấp đạo sắc”, người ấy vẫn bị xem là chưa đủ tư cách tham gia các nghi lễ quan trọng, chưa thể gánh vác công việc chung của dòng họ, làng bản. Ngược lại, một thiếu niên mới 9-10 tuổi, nếu đã được cấp sắc thì có thể đảm nhiệm nhiều vai trò, thậm chí hỗ trợ thầy cúng trong việc tế lễ.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ trong lễ cấp sắc của người Dao.

Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân - khi mùa màng đã thu hoạch xong, người người có thời gian nghỉ ngơi để quây quần bên nhau. Gia đình có con trai đến tuổi trưởng thành sẽ nhờ thầy cúng chọn ngày lành tháng tốt, chuẩn bị lễ vật như lợn, gà, rượu, tiền giấy, quần áo lễ… để mời anh em họ hàng, làng xóm về chứng kiến giờ phút trọng đại.

Nghi lễ diễn ra suốt 1 - 2 ngày đêm, gồm nhiều thủ tục nối tiếp nhau: từ việc tẩy uế, dựng đàn tế, khấn mời tổ tiên, múa rồng, múa kiếm, dâng rượu, đến các nghi thức xin âm dương và đặc biệt là lễ “thụ đèn”. Trong lễ này, người được cấp sắc ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước bàn thờ, được thầy cúng đốt đèn và đặt lên đỉnh đầu như lời khẳng định danh phận mới. Họ được trao đạo sắc với 10 điều răn và 10 điều nguyện – như lời thề sống thiện lương, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và giữ gìn truyền thống dân tộc.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ cấp sắc còn là một “trường học” đặc biệt để người trẻ được giáo huấn, răn dạy đạo làm người. Trong suốt buổi lễ, các thầy cúng sẽ truyền đạt lại những lời dặn dò sâu sắc: từ việc kính trọng ông bà cha mẹ, ứng xử có đạo với làng xóm, biết giúp đỡ người yếu thế… đến những bài học xử thế giữa đời thường.

Anh Lý Tả Chùi, một người Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in lời các thầy dạy trong lễ cấp sắc: đi trên đường gặp người cao tuổi thì phải biết chào hỏi, giúp đỡ; gặp người bị nạn thì không được làm ngơ; trong gia đình phải giữ hiếu với cha mẹ, giữ đạo nghĩa với vợ con. Những lời dạy ấy theo tôi suốt cuộc đời, trở thành kim chỉ nam khi đứng trước mọi lựa chọn”.

Ông Triệu Đức Thanh, người dân tộc Dao, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, từng tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình Dao truyền thống. Từ nhỏ, tôi đã được nghe ông bà, cha mẹ kể về lễ cấp sắc với tất cả sự tôn kính và tự hào. Khi bản thân được trải qua nghi lễ ấy, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa sâu sắc của nó. Lễ cấp sắc không chỉ là một nghi lễ tâm linh, mà còn là bài học sống - giúp mỗi người con Dao hiểu mình là ai, đến từ đâu và cần sống thế nào để xứng đáng với dòng tộc và cội nguồn”.

Nét văn hóa độc đáo giữa đại ngàn

Lễ cấp sắc của người Dao không chỉ là bước chuyển thiêng liêng trong vòng đời mỗi cá nhân, mà còn là một phần hồn cốt văn hóa, được cộng đồng gìn giữ và trân quý như báu vật. Dù ở Tuyên Quang hay Lào Cai, Thái Nguyên… Vào mỗi dịp cuối năm hay đầu xuân, tiếng trống lễ, tiếng khèn, tiếng tù và lại vọng lên giữa núi rừng như nhắc nhớ con cháu về một truyền thống đã trường tồn suốt hàng ngàn năm.

Cũng bởi nét độc đáo giàu giá trị giáo dục và nghệ thuật, năm 2013, Lễ cấp sắc của người Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ở nhiều địa phương, nghi lễ này dần trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.

Chị Nguyễn Thị Thu Oanh, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Tôi chưa từng thấy một nghi lễ nào giàu tính biểu tượng và nhân văn đến thế. Không khí trang nghiêm, các điệu múa thiêng, tiếng khấn vang vọng, ánh mắt rưng rưng của người cha nhìn con trai quỳ làm lễ - tất cả khiến tôi cảm nhận được một chiều sâu văn hóa đặc biệt, vượt lên cả khuôn khổ tín ngưỡng thông thường”.

Dù cuộc sống hôm nay đã khác, lễ cấp sắc có thể giản lược đôi phần, nhưng ý nghĩa cốt lõi vẫn còn nguyên vẹn: đó là dấu mốc thiêng liêng ghi nhận sự trưởng thành; là sợi dây kết nối âm - dương, con cháu với tổ tiên; là tấm gương soi chiếu đạo lý sống của mỗi người con dân tộc Dao. Chính từ những lễ tục giàu bản sắc như vậy, văn hóa Dao vẫn vững vàng giữa vòng xoáy hiện đại - thầm lặng nhưng sâu bền, lặng lẽ mà đầy kiêu hãnh.

Bài, ảnh: Đức Quý

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/202507/le-cap-sac-cua-nguoi-dao-soi-chi-do-noi-con-chau-voi-to-tien-df619b7/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm