Làng Gạo (Quả Linh) là một làng Việt cổ, được hình thành từ thời Hùng Vương, gắn liền với sự tích 18 vị tổ các dòng họ về khai điền, lập ấp. Làng Gạo hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có “Tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm Giao thừa. Đây là tục lệ thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương đối với các vị Thành hoàng làng, tổ tiên. Đặc biệt, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đất - trời - con người giao hòa, cộng hưởng, chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc về niềm tin, khát vọng về một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, "nhân khang vật thịnh", mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, mọi nhà. Các hoạt động cúng lễ, rước đuốc, dâng hương, dâng lễ vật… thể hiện tính cộng đồng làng xã, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, ngày 10/12/2024 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3990/QĐ-BVHTTDL đưa “Tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà” đêm Giao thừa làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình di sản "Tập quán xã hội và tín ngưỡng".
Cũng trong dịp này, UBND xã Thành Lợi (Vụ Bản) tổ chức khai mạc Lễ hội “Thái bình xướng ca” năm Ất Tỵ - 2025.
Lễ hội “Thái bình xướng ca” (lễ hội làng Gạo) là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Theo tư liệu lịch sử, từ thời Đinh - tiền Lê đến thời Trần, làng Quả Linh là nơi triều đình đặt kho lương (Đình Đụn) để tích trữ lương thảo; có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng để quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông (thế kỷ XIII). Tương truyền, sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng (năm 1288), ghi nhận công lao của dân làng đã đảm bảo hậu cần cho quan quân đi đánh giặc, Vua Trần ban thưởng đặc ân cho nhân dân làng Gạo mở hội ca hát ăn mừng chiến thắng, đất nước thái bình.
Nhớ ơn vua, từ đó làng duy trì tổ chức lễ hội 3 năm một lần vào các năm: Dần, Thân, Tỵ, Hợi, từ ngày mùng 9 đến 11/3 âm lịch có nhiều sinh hoạt truyền thống tập trung tại Đình - Chùa làng Gạo, Đám Hát, Đền Đông, ao Bóng, Đình Hội đồng, nhà văn hoá xóm Hát với các nghi lễ: tế cáo, rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ tổ khai cơ, lập ấp, tế nam quan, tế nữ quan, lễ Bản dạ… thể hiện đậm nét phong tục tập quán cộng đồng trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, Thành hoàng làng gắn với văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm, lễ hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, trò chơi dân gian sôi nổi: hát chèo, hát quan họ trên sông, dệt vải khung cửi trên hồ, chèo thuyền tải lương trên sông, đua thuyền đập bóng bay, chơi đu, chọi gà, bắt vịt dưới ao, bắt vịt trên cạn, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều, bắt lợn, chơi cờ đèn dưới nước, cờ tướng, hát trống quân, tam cúc điếm, tổ tôm điếm, múa rồng mây, múa lân - sư… thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.
Khánh Dũng
Nguồn: https://baonamdinh.vn/tin-tuc-su-kien/202504/le-don-bang-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-tuc-xong-den-xong-dien-xong-nha-tho-ho-xong-nha-dem-giao-thua-lang-gao-a2358aa/
Bình luận (0)