Các chuyên gia trong thời gian qua vẫn kỳ vọng thị trường sẽ có sự đồng thuận về tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như khả năng sớm thăng hạng lên thị trường mới nổi - Emerging Market giúp thu hút dòng vốn ngoại. Nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh trong 4/5 năm gần đây với tỉ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.
Số liệu từ SSI Research cho thấy, các quỹ ETF đẩy mạnh rút ròng trong tháng 3, giá trị rút ròng ghi nhận ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng, cao nhất kể từ tháng 7/2024, tương đương 4,3% tổng quy mô tài sản vào cuối năm 2024, đưa tổng tài sản các quỹ ETF về 55,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị rút 3 tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn 44,6% so với cùng kỳ 2024.
Hầu hết các quỹ đều ở trạng thái rút vốn ròng trong tháng 3, đặc biệt là các quỹ ngoại. Cụ thể, quỹ Fubon rút ròng cao nhất từ Tháng 9/2021 đến nay (-1,5 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, quỹ VanEck Vietnam ETF (-123 tỷ đồng) hay Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (-72,8 tỷ đồng) chỉ rút ròng nhẹ.
Các quỹ nội gia tăng rút ròng, DCVFMVN30 ETF (-315,8 tỷ đồng) ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp rút ròng, DCVFMVN Diamond ETF (-336 tỷ đồng), SSIAM VNFinlead ETF (-39 tỷ đồng). Quỹ KIM Growth VN30 ETF là một trong số ít các quỹ có dòng vốn vào ròng (+19,3 tỷ đồng) trong tháng.
Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động đều ghi nhận rút ròng trong tháng 3. Các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam và các quỹ đầu tư đa quốc gia, rút ròng lần lượt 504 tỷ đồng và 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong Q1/2025, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam đã rút 2,1 nghìn tỷ đồng.
Cùng với các thị trường Đông Nam Á, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị bán ròng 11 nghìn tỷ đồng riêng trong tháng 3, và bán gần 28 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2025.
Tính tại thời điểm 31/3, tỷ trọng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo vốn hóa chỉ chiếm 15,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Trước đó, năm 2024, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam, gấp gần 4 lần năm liền trước. Đây là mức bán ròng mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế 5 năm từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 167.200 tỷ đồng, gần gấp đôi giá trị họ mua ròng trong 13 năm trước đó (2007 - 2019).
Chuyên gia tại SSI cho rằng khối ngoại bán ròng trong bối cảnh thận trọng quan sát diễn biến tiếp theo của chính sách thuế quan và tìm đến các thị trường khu vực Châu Âu hay thị trường mới nổi. Tuy nhiên, sự suy yếu của DXY vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ hạn chế áp lực bán ròng từ khối ngoại.
Nhóm chuyên gia phân tích của SGI Capital đã từng đưa ra những phân tích cho rằng, định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỉ giá vẫn hiện hữu.
Ở cuối mỗi chu kỳ nới lỏng tiền tệ, sau khi dòng tiền và lượng lớn nhà đầu tư mới đã tham gia vào thị trường, cơ hội tốt sẽ trở nên khó tìm và sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán cũng giảm bớt. Dòng tiền sau đó sẽ bị chia sẻ với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, hay tài sản số…
“Trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền, ở định giá chung không rẻ, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Sự phân hóa có thể diễn ra rất khắc nghiệt trong môi trường dòng tiền yếu của năm nay", SGI Capital đưa ra quan điểm.
Tại buổi họp báo hôm 3/4, ông Hà Duy Tùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho rằng tổng giá trị bán ròng quý 1 chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại - được đánh giá là tỷ lệ tương đối nhỏ. Theo ông, thị trường đang chịu tác động từ thuế đối ứng của ông Donald Trump. Diễn biến này có thể còn tiếp diễn, phụ thuộc vào chính sách thực thi tại Mỹ và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thay đổi - "lúc rút ra, lúc đưa tiền vào". Riêng trong quý 1, dòng vốn biến động mạnh hơn bình thường, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm chiến lược đầu tư, chính sách quỹ và tâm lý thị trường.
"Chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chí pháp lý, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc xếp hạng còn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan từ các tổ chức quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng thực chất, ổn định và bền vững. Khi đạt đến chất lượng đó, việc nâng hạng sẽ là bước chuyển tất yếu", ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Dự báo trong thời gian tới, chuyên gia Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng khối ngoại sẽ mua vào nhiều hơn khi hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành và chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo FTSE Rusell. Tuy nhiên diễn biến dòng tiền của nhóm này còn phụ thuộc vào tình hình vĩ mô quốc tế và biến động của USD.
Thời gian qua, sức mạnh của đôla Mỹ được đo bằng chỉ số DXY đã giảm từ 110 xuống quanh 103-104. Với việc USD yếu đi, Việt Nam được kỳ vọng dễ dàng hơn trong việc điều tiết tỷ giá.
Hiện tại, tỷ giá VND với USD vẫn neo mức cao chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế. Nhờ động thái tích cực bơm tiền của cơ quan quản lý, thị trường chứng khoán cũng có thêm động lực, nhất là về thanh khoản. Từ đó, VN-Index có dư địa tăng trưởng và thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn: https://baodaknong.vn/lien-tuc-rut-von-ti-le-so-huu-khoi-ngoai-ve-day-16-nam-248896.html
Bình luận (0)