Trước việc “bỏ van”, sau nhiều năm duy trì cơ chế trần hạn mức tín dụng, tạo tiền đề cho các ngân hàng vận hành theo cơ chế thị trường. Dòng vốn theo đó được kỳ vọng sẽ dịch chuyển linh hoạt hơn tới các khu vực kinh tế trọng điểm, vậy lĩnh vực nào sẽ trở thành “thỏi nam châm” hút vốn khi room tín dụng bị loại bỏ?
Ưu tiên vốn cho sản xuất - thương mại - tiêu dùng bền vững
Trong làn sóng vốn mới hậu bỏ room, với ngân hàng là điểm xuất phát, bất động sản sẽ là lĩnh vực hưởng lợi rõ nét, fintech là động lực đổi mới, còn sản xuất – xuất khẩu – nông nghiệp – công nghiệp lại là nơi tạo ra giá trị thực.
Thay vì cơ chế “xin – cho” như trước kia, thì việc cấp tín dụng giờ đây sẽ phụ thuộc vào năng lực quản trị rủi ro, khả năng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và tính minh bạch trong hoạt động của từng tổ chức tín dụng. Dòng vốn theo đó được kỳ vọng sẽ dịch chuyển linh hoạt hơn tới các khu vực kinh tế trọng điểm, giúp tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả, thực chất. Theo chuyên gia của Vietstock khẳng định: “Sau khi dỡ bỏ room, dòng vốn cần được ưu tiên chảy vào các lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng bền vững. Room tín dụng trước đây đã giúp tránh dòng vốn chảy vào lĩnh vực đầu cơ, tập trung hỗ trợ nền kinh tế thực.”
Theo đó, sẽ tự do hóa dòng chảy tín dụng, việc bỏ room tín dụng giúp các ngân hàng không còn phụ thuộc vào hạn mức được phân bổ hằng năm từ Ngân hàng Nhà nước. Điều này mang lại sự linh hoạt cao, giúp các ngân hàng chủ động rót vốn vào những phân khúc khách hàng tiềm năng, đồng thời tối ưu biên lợi nhuận thông qua cấu trúc tín dụng hợp lý hơn. Đặc biệt, nhóm ngân hàng có nền tảng quản trị vững vàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank, HDBank,… sẽ có lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi tiếp cận và phân bổ nguồn vốn hiệu quả.
Đồng thời, cùng với bỏ room tín dụng, việc nới room sở hữu nước ngoài lên đến 49% trong lĩnh vực ngân hàng tạo ra “cú hích kép” giúp dòng vốn FDI và FII chảy mạnh vào ngành này. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ có cơ hội tham gia vào quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi số, và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nội địa.
Bên cạnh đó, việc bỏ room tín dụng, nguồn vốn chảy vào bất động sản được khai thông. Với tỷ trọng dư nợ chiếm gần 20% tổng dư nợ hệ thống, bất động sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ rệt từ cơ chế room, mặc dù vẫn được tiếp vốn nhưng chỉ dành cho các dự án có pháp lý đầy đủ, khả năng thanh khoản tốt, không phải đầu cơ. Đặc biệt, sẽ tập trung nhiều hơn vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội – nơi có nhu cầu thực và khả năng thanh khoản tốt. Nhờ đó, giấc mơ sở hữu nhà của người lao động thu nhập trung bình sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, dòng vốn vào bất động sản cần đi kèm kiểm soát rủi ro. Những dự án thiếu pháp lý, năng lực chủ đầu tư yếu, hoặc đầu cơ sẽ bị loại bỏ khỏi danh sách được cấp tín dụng.
Nhận định từ Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cảnh báo dù room có nới, ngân hàng vẫn khó nới lỏng các tiêu chí vay bất động sản. Dòng vốn nhiều khả năng sẽ được chuyển đến những ngành ít rủi ro hơn. Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng: “Vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị ngành bất động sản” nhưng dòng vốn này phần lớn đến từ các dự án đầu cơ. Ngay cả khi bỏ room, ngân hàng vẫn sẽ hạn chế cấp tín dụng vào các dự án rủi ro.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và giới quan sát đều cho rằng hậu bỏ room tín dụng, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào các ngành sản xuất và kinh doanh thiết yếu, hỗ trợ chu kỳ đầu tư, tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế. Khi trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực chế biến, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao thường khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng ưu tiên khách hàng ít rủi ro.
Việc bỏ room tín dụng mở ra cơ hội cho dòng vốn chảy vào các lĩnh vực sản xuất, vốn là nền tảng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đặc biệt, ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, sẽ có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
TS. Lê Đạt Chí (Trưởng Khoa Tài chính – UEH): Việc xóa bỏ room sẽ giúp giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện để tín dụng chảy mạnh vào các ngành sản xuất và kinh doanh thiết yếu. Đồng thời, để tránh nợ xấu, ngân hàng sẽ phải nâng cao năng lực thẩm định và áp dụng công cụ gián tiếp như lãi suất, dự trữ bắt buộc.
Lãnh đạo các ngân hàng như VietinBank, HDBank, VIB, BIDV, cũng đồng tình rằng tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vào doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ chu kỳ đầu tư – tiêu dùng – sản xuất của nền kinh tế .
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ là lĩnh vực hút vốn lớn trong thời gian tới, khi các ngân hàng có quyền tự quyết, những doanh nghiệp hoạt động bài bản trong nông nghiệp thông minh, chuỗi giá trị sạch, sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Đây là hướng đi đúng đắn giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị xuất khẩu nông sản. Agribank hay VietinBank là ví dụ điển hình về việc “khơi thông” dòng vốn cho nông nghiệp, cho vay chuỗi giá trị từ sản xuất đến xuất khẩu, đặc biệt hỗ trợ tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Không chỉ vậy, sự phục hồi của ngành vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, và khu công nghiệp cũng sẽ được kích hoạt nhờ dòng vốn tín dụng đổ vào đầu tư công và các dự án hạ tầng chiến lược.
Động lực mới cho nền kinh tế - Nhưng phải kiểm soát sát sao
Dòng vốn sau bỏ room tín dụng cần được quản lý chặt, kiểm soát sát sao. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng và các tổ chức IMF, WB, Moody’s đều cảnh báo: Bỏ room phải đi đôi với công cụ kiểm soát lạm phát, thanh khoản và xử lý nợ xấu chặt chẽ để đảm bảo ổn định hệ thống. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng, dòng vốn vẫn chủ yếu từ các ngân hàng, do vậy việc bỏ room phải phù hợp giai đoạn, tránh gây mất cân đối vĩ mô.
Nếu bỏ room ngay mà không có công cụ kiểm soát tốt, dòng vốn có thể chảy vào bất động sản “sân sau” của ngân hàng, mất thanh khoản, làm tăng lạm phát. Trước những nguy cơ, các ngân hàng trong hệ thống cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kiểm soát nợ xấu, nâng cao năng lực giám sát để phân bổ vốn hiệu quả, tránh rủi ro hệ thống.
TS. Lê Duy Bình (Giám đốc Economica Vietnam) cảnh báo rằng tín dụng/GDP của Việt Nam đã lên đến 134%, nếu bỏ room vội vàng có thể dẫn đến tăng trưởng tín dụng nóng, nợ xấu tăng cao. Ông khẳng định cần giám sát bằng các chỉ tiêu như CAR, chất lượng tài sản, dự trữ bắt buộc. Trong khi PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân (UEH) cho rằng cần lộ trình, kết hợp song song room tín dụng và công cụ thị trường, chỉ giao quyền tự chủ cho những ngân hàng đáp ứng bộ tiêu chí an toàn.
Lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh cơ chế bỏ room đi kèm áp dụng Basel III và tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế, giúp ngân hàng chủ động cho vay vào các lĩnh vực có giá trị cao như công nghệ số, fintech, sản xuất sáng tạo.
Việc bỏ cơ chế room tín dụng không chỉ đơn thuần là một thay đổi về chính sách điều hành, mà còn là bước ngoặt trong cách thức vận hành của hệ thống tài chính Việt Nam. Khi được trao quyền tự chủ, các ngân hàng sẽ phải đổi mới tư duy, tăng cường năng lực quản trị rủi ro và chủ động tìm kiếm những lĩnh vực tiềm năng để phân bổ nguồn vốn hiệu quả hơn.
Dòng vốn sau “bỏ room” sẽ không còn bị bó buộc bởi giới hạn hành chính, mà sẽ dịch chuyển mạnh mẽ vào các lĩnh vực có sức lan tỏa cao như sản xuất – kinh doanh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xuất khẩu, fintech, và hạ tầng. Tuy nhiên, sự tự do đi kèm với trách nhiệm: nếu thiếu kiểm soát, tín dụng có thể biến thành “con dao hai lưỡi”.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, việc “cởi trói” cho dòng vốn là bước đi cần thiết để thúc đẩy đầu tư, gia tăng nội lực và nâng cao năng suất toàn nền kinh tế. Đây không chỉ là cơ hội của ngành ngân hàng, mà còn là động lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Nguồn: https://baolamdong.vn/linh-vuc-nao-se-hut-von-sau-bo-room-tin-dung-382586.html
Bình luận (0)