Đây không còn là con số kỹ thuật thuần túy trong lĩnh vực dân số – y tế. Đằng sau đó là một lời cảnh tỉnh về nguy cơ sụp đổ của cấu trúc gia đình truyền thống, khi ngày càng nhiều người trẻ không thể “an cư”, dẫn đến việc trì hoãn hoặc từ chối kết hôn, sinh con. Một “thế hệ 3 Không” đang lặng lẽ hình thành: Không nhà – Không hôn nhân – Không sinh con.
Mức sinh lao dốc
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, một khi mức sinh đã giảm sâu thì rất khó phục hồi, dù có áp dụng các chính sách khuyến khích. Nhật Bản hiện có TFR là 1,26; Hàn Quốc chỉ còn 0,78; trung bình OECD là 1,5 – thấp xa so với mức thay thế 2,1 con/phụ nữ.
Việt Nam – từng là quốc gia có mức sinh cao – giờ đang tiến rất nhanh đến trạng thái “xã hội ít trẻ em”. Nguy cơ rơi vào bẫy “già hóa trước khi giàu” đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.
Việt Nam đang tiến nhanh đến trạng thái "xã hội ít trẻ em". Ảnh: Hoàng Hà
Giá nhà – nguyên nhân thầm lặng
Không thể phủ nhận rằng giá nhà đất phi mã đang góp phần lớn vào đà giảm sinh. Tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nhà ở đã vượt xa tầm với của người trẻ.
Một kỹ sư công nghệ thông tin 28 tuổi ở Hà Nội chia sẻ rằng, sau 5 năm đi làm với thu nhập khá cao, anh vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì một căn hộ nhỏ cũng có giá 2–3 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập hàng tháng của phần lớn người trẻ hiện vẫn ở mức 15–20 triệu đồng.
Giá nhà tăng gấp 3–5 lần chỉ trong vài năm, nhưng lương thì gần như giậm chân tại chỗ. Một căn hộ 50m² ở Long Biên hiện được chào giá 5,9 tỷ đồng – tương đương 118 triệu/m² – một con số phi thực tế với bất kỳ người trẻ nào không có hậu thuẫn tài chính từ gia đình.
Không ít người trẻ đang từ bỏ giấc mơ lập gia đình. Nhiều người chọn sống một mình, làm nghề tự do, tận hưởng trải nghiệm cá nhân. Không phải họ không muốn có tổ ấm, mà là vì họ không còn niềm tin rằng mình có thể có một cuộc sống ổn định với mức thu nhập hiện tại.
62% người trẻ trong khảo sát của một cơ quan báo chí cho biết họ trì hoãn kết hôn vì lý do tài chính, trong đó nhà ở là mối lo lớn nhất. Điều từng được ghi nhận ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… nay đã bắt đầu hiển hiện ở Việt Nam.
Già hóa dân số: Cơn sóng ngầm
Từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Đến năm 2024, cả nước có khoảng 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Con số này dự báo sẽ lên tới 18 triệu vào năm 2030, chiếm 25% dân số.
Kết hợp với mức sinh đang giảm mạnh, Việt Nam đang đứng trước các hệ lụy: Suy giảm năng suất lao động; thiếu hụt nguồn lực đóng góp vào bảo hiểm, y tế; áp lực ngân sách cho chăm sóc người cao tuổi tăng mạnh; gánh nặng đè lên vai thế hệ kế tiếp…
Chưa dừng lại ở đó, tuổi thọ trung bình của người Việt hiện là 74,7 tuổi, nhưng số năm sống khỏe chỉ khoảng 65 tuổi. Một xã hội nơi người già sống lâu nhưng không khỏe mạnh, còn người trẻ thì không muốn sinh con – đó là công thức cho một khủng hoảng dài hạn, âm thầm và dai dẳng.
Khi người trẻ mất niềm tin vào tương lai
Không ít người trẻ thừa nhận: “Không mua nổi nhà thì sao dám sinh con?” hoặc “Thuê nhà mất nửa lương, lấy gì nuôi con?”.
Chi phí nuôi con ngày càng cao – có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng tại các đô thị lớn – khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chùn bước. Một số người lập gia đình nhưng quyết định không sinh con, hoặc chỉ sinh một con rồi gửi về quê cho ông bà chăm.
Nhiều bạn trẻ đang từ bỏ lối sống “cày cuốc để mua nhà” và chuyển sang lựa chọn sống nhẹ nhàng hơn: chi tiêu cho những thứ dễ tiếp cận như điện thoại, du lịch, trải nghiệm cá nhân. Họ không “lười”, mà chỉ là đã mất hy vọng vào khả năng tạo dựng một mái ấm thực sự.
Hệ lụy kinh tế – xã hội: Không thể xem nhẹ
Nếu không có hành động chính sách kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một vòng xoáy nguy hiểm:
Giá nhà tăng → Người trẻ không lập gia đình/sinh con → Dân số già hóa nhanh → Thiếu lao động trẻ → Tăng chi phí an sinh → Giảm tăng trưởng → Bất ổn xã hội.
Giải pháp không thể trì hoãn
Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào vấn đề và hành động quyết liệt. Không thể chỉ kêu gọi “sinh đủ hai con”, mà phải giải quyết tận gốc vấn đề nhà ở – động lực cốt lõi để người trẻ an cư, lạc nghiệp và sinh con.
Một số giải pháp cần được ưu tiên: Tăng mạnh nguồn cung nhà ở xã hội, ưu tiên cho người trẻ, vợ chồng mới cưới; Áp thuế cao vào đầu cơ, nhà bỏ hoang; Minh bạch quy hoạch, giảm chi phí phát triển nhà ở giá rẻ; Hỗ trợ tín dụng thực chất cho người mua nhà lần đầu; Chính sách nuôi con thực tế, không dừng ở khuyến khích tượng trưng…
Chúng ta đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”, với lực lượng lao động dồi dào. Nhưng nếu người trẻ không còn tin rằng họ có thể sống ổn định, sở hữu nhà và nuôi con, thì dân số vàng cũng sẽ chìm trong bi kịch lặng lẽ của một thế hệ không thể tiếp bước.
Chính sách nhà ở không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà là điều kiện tồn tại của một quốc gia trong tương lai. Việt Nam không thể kỳ vọng vào một tương lai bền vững nếu như chính những người gánh vác tương lai ấy không còn động lực để sinh tồn.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/loi-canh-bao-cua-bo-truong-y-te-ve-mot-ky-luc-dang-lo-2423344.html
Bình luận (0)