
Ngày này 24 năm về trước (1/4/2001), nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời để lại tiếc nuối cho những người biết và yêu mến người nhạc sỹ tài hoa. Ông rời cõi tạm, để lại khối di sản về âm nhạc cùng nhân cách lớn về lòng yêu chuộng hòa bình, tình yêu thương con người và cái đẹp.
Giống như cách người ta vẫn ngân nga các ca khúc của Trịnh Công Sơn, gọi ông là “Bob Dylan của Việt Nam” và nghiên cứu ông trên nhiều bình diện, khán giả điện ảnh vẫn ước ao có thêm những bộ phim giải mã về nhạc sỹ tài hoa này.
Hai phim là chưa đủ
Điện ảnh Việt Nam từng có hai phim kể về Trịnh Công Sơn là “Em còn nhớ hay em đã quên” (1992), “Em và Trịnh” (2022). Cả hai đều là phim hư cấu, sáng tạo, kể về một hoặc nhiều giai đoạn cuộc đời Trịnh Công Sơn ở những cách thức khác nhau.
“Em còn nhớ hay em đã quên” do Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Hữu Phần và Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn đồng đạo diễn, kể về mối tình dang dở giữa nhạc sỹ tài hoa tên Quang Sơn (lấy nguyên mẫu từ Trịnh Công Sơn) với Huyền My, nữ ca sỹ có giọng ca đặc biệt (nguyên mẫu từ Khánh Ly) và cô gái tên Diễm (nguyên mẫu từ Ngô Vũ Bích Diễm).
Khi đó “Em còn nhớ hay em đã quên” không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhạc sỹ, mà còn bán chạy tại rạp, được trao 4 giải tại Liên hoan Phim Việt Nam năm 1993. Tuy vậy phim ra mắt đã lâu, lại chỉ tiếp cận gián tiếp dựa trên một giai đoạn ngắn, nên còn bỏ ngỏ những lý giải sâu sắc hơn nữa về con người và cuộc đời 62 năm của nhạc sỹ họ Trịnh.
Không có được may mắn đó, phim “Em và Trịnh” (2022) do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn đã gây tranh nhiều cãi khi ra mắt. Phim lấy tên thật của các nhân vật, làm phim theo hướng tiểu sử nhưng bị các nguyên mẫu phản đối về cách khắc họa nhân vật, mối quan hệ với Trịnh Công Sơn, hành động, cá tính cũng như quyền khai thác hình ảnh.
Ngay cả hình ảnh nhân vật trung tâm được đầu tư nhiều, do diễn viên trẻ Avin Lu và diễn viên gạo cội Nghệ sỹ Nhân dân Trần Lực thủ vai, cũng chưa làm hài lòng người xem.
Nhà báo, nhà quan sát điện ảnh Việt Văn nhận xét một phim ra mắt đã lâu, phim còn lại chưa thỏa mãn ở nhiều yếu tố. “Trịnh Công Sơn là nhạc sỹ tài hoa, nhiều thế hệ nghe nhạc ông vẫn có được một thẩm mỹ cho riêng mình. Với sức hút như thế thì hai phim là chưa đủ.

Trong 'Em và Trịnh,' diễn viên Trần Lực đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thể hiện hết chất của Trịnh Công Sơn, theo tôi cần một nét Huế hơn, thâm trầm và nho nhã thâm trầm hơn; hay phiên bản trẻ Avin Lu vẫn còn quá nhí nhảnh… Khán giả cần những phiên bản Trịnh Công Sơn hay hơn, gần gũi và chân thật hơn nữa,” ông Việt Văn nhận xét.
“Hiện nay chúng ta nói quá nhiều về sự nhân văn, những khái niệm ca ngợi chân-thiện-mỹ. Đôi khi chỉ một bộ phim tư liệu về những kỷ niệm, đời sống gia đình tuổi thơ của ông là đủ để hiểu ông yêu thương gia đình ra sao, từ đó sinh ra một lòng bao dung, có tình yêu thương con người, có thiền tính và tinh thần Phật giáo trong ngôn từ và con người của ông sau này như thế nào,” Giang Trang - nữ ca sỹ 8X có 12 năm theo đuổi, làm mới nhạc Trịnh nhận xét.
Hát nhạc và tìm hiểu về ông đã lâu, nữ ca sỹ muốn một phim lý giải rõ hơn về gia đình cố nhạc sỹ, bởi đây là môi trường đã ấp ủ và nuôi dưỡng "hạt giống" nhân cách của ông. Chị cho rằng những giao tiếp với gia đình, đặc biệt với mẹ của Trịnh Công Sơn cũng có thể đề tài gây thức tỉnh với khán giả ngày nay, nhất là nhóm khán giả người trẻ.
Thách thức nào cho người đi sau?
Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn - người góp phần lớn làm nên thành công của “Em còn nhớ hay em đã quên” (2002) khẳng định để có thêm được nhiều phim về Trịnh Công Sơn thì rất cần nỗ lực của thế hệ làm phim hiện nay. Cùng với đó là sự cởi mở nhất định của khán giả để tiếp nhận những diễn giải và khám phá mới.
“Có lẽ để hiểu thấu đáo về Trịnh Công Sơn thì cần rất nhiều người với cách nhìn mới mẻ tìm hiểu. Ông là người sống mãi với thời gian, mỗi thế hệ khác nhau sẽ hiểu ông theo những cách khác nhau khác nhau, càng về sau chúng ta càng phát hiện ra những điều mới mẻ.

Điều lý thú là khi làm nghệ thuật sáng tác, bản thân Trịnh Công Sơn đi giữa một bên là trời cao, một bên là vực thẳm. Nếu khai thác được điều đó, thì chúng ta sẽ nói lên được rất nhiều điều về thế hệ văn nghệ sỹ cùng thời, khi đó ngập trong khói lửa chiến trường cả từ bên ngoài và bên trong tâm trí họ,” đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Ngoài ra ông cũng đồng tình việc làm phim về Trịnh Công Sơn, đặc biệt là dòng tiểu sử, là thử thách lớn nhưng cùng lúc cũng rất thú vị: “Nếu chỉ làm phim từ những gì lịch sử đã biết, kể lại những thứ trên giấy trắng mực đen, thì sẽ không phải chức năng của nghệ thuật.”
Phim tiểu sử nói riêng, phim làm về một nhân vật có thực và nổi tiếng nói chung, luôn dễ dàng gây tranh cãi. Có phim bị chê khắc họa sai lệch nhân vật và sự kiện có thật, có phim bị phản đối về góc nhìn thiên kiến, sai lệch, thậm chí "tẩy trắng nhân vật"... Song cũng có phim gây tranh cãi ban đầu và được công nhận về sau. Một ví dụ là phim “I’m not there” về Bob Dylan - nhạc sỹ người Mỹ nổi tiếng với các ca khúc phản chiến, từng nhận giải Nobel văn học nhờ những sáng tác của mình.
Bộ phim do Todd Haynes đạo diễn, tuyển chọn 6 diễn viên khác nhau về danh tính, độ tuổi, giới tính và sắc tộc để khắc họa Bob Dylan. Lối kể chuyện phi truyền thống và phi tuyến tính cũng khiến khán giả khó tiếp nhận, gây tranh cãi lớn giai đoạn đầu. Tuy vậy sau đó, không chỉ người hâm mộ mà cả các trang đánh giá lớn như The Guardian, Roger Ebert đều ghi nhận cách làm mới mẻ, độc đáo và hiệu quả, giúp khám phá những ảnh hưởng mạnh mẽ của nhạc sỹ này lên nền văn hóa đại chúng.

Có rất nhiều cách để làm phim về một ca sỹ/nhóm nhạc hay nhạc sỹ nổi tiếng. Điện ảnh thế giới từng có những phim nhạc kịch như “Mamma Mia” (2008) về câu chuyện tình cảm hài hước thời hiện đại, dựa trên các ca khúc nổi tiếng thập niên 80 của nhóm nhạc ABBA; “Across the Universe” (2007) về một nước Mỹ biến động trong thập niên 60, trong đó các nhân vật hát những ca khúc của The Beatles để gửi gắm thông điệp phim về tình yêu, tuổi trẻ, sự mất mát.
Hay những bộ phim khác thuần tài liệu, pha trộn tài liệu với kỳ ảo, phim hư cấu lồng ghép cảm hứng từ âm nhạc hoặc một cá nhân nào đó… là cách hàng chục nhà làm phim đã kể về ban nhạc Anh Quốc đình đám này trong nhiều năm qua, cung cấp những trải nghiệm giàu cảm xúc và mới lạ cho cộng đồng người hâm mộ.
Nhà báo Việt Văn cũng cho rằng di sản giàu có của Trịnh Công Sơn xứng đáng và dư thừa được làm nhiều phim hơn nữa, có thể ở nhiều thể loại đa dạng như cách thế giới đã làm. Tuy vậy để tránh gây tranh cãi không đáng, người làm phim vẫn cần xử lý khéo léo và thận trọng.
“Nếu làm thêm phim về cuộc đời Trịnh Công Sơn thì cần tôn trọng những câu chuyện và sự kiện có thật. Còn phim lấy cảm hứng thì cũng cần hư cấu sao cho phù hợp. Hay chỉ làm phim về sự lan tỏa nhạc Trịnh qua những thế hệ khác nhau, giữa những nhóm người hâm mộ khác nhau… từ đó mang đến những soi chiếu và góc nhìn mới về ảnh hưởng của nhạc Trịnh ngày nay, lý giải vì sao lại sáng tác hay như thế, có sức hút lớn như vậy,” ông Việt Văn cho biết./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/loi-di-nao-cho-nhung-bo-phim-tiep-theo-ve-trinh-cong-son-post1024021.vnp
Bình luận (0)