Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lý giải cơn sốt "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", hút hàng tỷ lượt xem

(Dân trí) - Vượt khỏi khuôn khổ một ca khúc truyền thống, "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã trở thành hiện tượng âm nhạc, hút hơn 5 tỷ lượt xem và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Báo Dân tríBáo Dân trí12/05/2025

Theo số liệu từ các nền tảng YouTube, TikTok và Facebook…, Viết tiếp câu chuyện hòa bình hiện đã đạt gần 5 tỷ lượt xem - một con số gây choáng váng - không chỉ trong lĩnh vực nhạc chính thống, mà cả với giới sáng tạo nội dung. Bởi hiếm có ca khúc nào viết về lịch sử dân tộc lại có thể "gây bão" như một bản hit quốc tế.

Vậy điều gì đã tạo nên cơn sốt mạnh mẽ và sức sống bền bỉ đến vậy cho tác phẩm này?

Các chuyên gia và giới chuyên môn đều cho rằng, hiệu ứng lan tỏa của Viết tiếp câu chuyện hòa bình không đến từ may mắn.

Đằng sau một ca khúc tưởng chừng kén người nghe là sự hội tụ của hàng loạt yếu tố: Từ thời điểm, chất lượng nghệ thuật, giá trị văn hóa - xã hội, đến cách cộng hưởng truyền thông khéo léo trong thời đại số.

Bản thân Nguyễn Văn Chung cũng không ngờ bài hát lại lan tỏa mạnh mẽ như hiện tại. Anh cho rằng, một phần may mắn đến từ sự xuất hiện của bản phối lại do nhà sản xuất Đức Tư thực hiện.

Lý giải cơn sốt Viết tiếp câu chuyện hòa bình, hút hàng tỷ lượt xem - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận được sự quan tâm sau khi ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" gây sốt (Ảnh: Facebook nhân vật).

Thời điểm vàng, có ý nghĩa văn hóa - xã hội

Từ góc độ chuyên gia, quản lý văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, Viết tiếp câu chuyện hòa bình tạo nên cơn sốt bởi nó đánh trúng vào khát vọng sâu thẳm nhất trong trái tim mỗi người Việt Nam: Khát vọng về hòa bình, độc lập, và sự tiếp nối của một hành trình dân tộc đầy tự hào.

Theo ông, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới - với những chuyển mình về thể chế, kinh tế, công nghệ và văn hóa - bài hát như một tiếng gọi trở về với cội nguồn, với lịch sử đấu tranh hào hùng, và với niềm tin về tương lai rực rỡ.

"Yếu tố làm nên sức lan tỏa mãnh liệt của bài hát chính là thông điệp nhân văn mạnh mẽ. Viết tiếp câu chuyện hòa bình không chỉ nhắc lại những hy sinh của cha ông, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay - những người đang sống trong hòa bình - biết trân trọng giá trị ấy và góp phần gìn giữ, vun đắp bằng hành động cụ thể.

Bài hát khơi dậy tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào và yêu cuộc sống", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận định rằng, yếu tố quan trọng nhất giúp ca khúc lan tỏa chính là bối cảnh xã hội hiện tại.

Theo nhạc sĩ, thời điểm này, tinh thần yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là "trào lưu yêu nước" của giới trẻ đang lên rất cao. Trong không khí đó, "những ca khúc mới mang nội dung tích cực, dễ nghe, dễ hát vì thế dễ dàng được đón nhận".

Nhạc sĩ Dương Trường Giang cho rằng, bất kỳ bài hát nào cũng cần một thời điểm thích hợp để được lan tỏa và Viết tiếp câu chuyện hòa bình đã gặp đúng lúc.

"Năm nay trùng với nhiều sự kiện lớn của đất nước - những ngày lễ trọng đại, những cột mốc kỷ niệm quan trọng. Những dịp lễ này có sức mạnh khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thôi thúc mỗi người nhớ về cội nguồn và hướng về tương lai.

Ca khúc này đã ra đời từ năm 2023, nhưng đến hiện tại mới thực sự được chú ý trở lại vì rơi đúng vào giai đoạn khán giả, đặc biệt là người trẻ, có nhu cầu tìm nghe những bài hát không chỉ hay về giai điệu mà còn phải phù hợp với cảm xúc và nhận thức của họ trong thời điểm này", nhạc sĩ nói.

Lý giải cơn sốt Viết tiếp câu chuyện hòa bình, hút hàng tỷ lượt xem - 2

Tên tuổi Duyên Quỳnh - nữ ca sĩ hát bản gốc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" - được quan tâm khi ca khúc trở thành hiện tượng mạng xã hội (Ảnh: Facebook nhân vật).

Từ góc nhìn truyền thông, mạng xã hội, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích: "Bài hát không chỉ là âm nhạc, mà là biểu tượng cảm xúc đúng lúc, đúng chỗ".

Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, ca khúc với bản được phối lại ra đời đúng thời điểm cả nước đang hướng về các giá trị hòa bình, đoàn kết và chuẩn bị cho một sự kiện văn hóa lớn cấp quốc gia.

Cũng theo ông Long, việc Viết tiếp câu chuyện hòa bình được chọn biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) ở TPHCM - mà giới trẻ gọi là "concert quốc gia" - đã giúp bài hát vượt khỏi khuôn khổ âm nhạc thông thường, trở thành biểu tượng văn hóa.

"Điều này tạo nên sự "chính danh", khiến các tổ chức, cơ quan, các cơ thủ truyền thông và công chúng dễ dàng chia sẻ mà không cần lo ngại tính thương mại.

Trong truyền thông đại chúng, một sản phẩm mang tính biểu tượng quốc gia sẽ luôn được cộng hưởng từ truyền thông chính thống, từ báo chí cho đến nền tảng mạng xã hội - hình thành thế cộng lực cực kỳ mạnh", ông nhận định.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh - người có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu thị trường giải trí đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc - cũng cho hay, một trong những yếu tố tạo nên thành công và cơn sốt của Viết tiếp câu chuyện hòa bình là ở tính thời điểm và tâm thế xã hội.

"Thời điểm phát hành và bùng nổ đúng lúc đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam là một chất xúc tác tuyệt vời. Đặc biệt trong thời điểm xã hội đang có nhiều quan tâm, tò mò về nhận thức lịch sử, sự xuất hiện của một bài hát dễ nhớ, dễ yêu, mang tinh thần tích cực, tạo nên điểm hội tụ truyền thông mà rất ít sản phẩm chính luận hiện nay làm được.

Người trẻ được tiếp cận lịch sử không bằng sách vở, mà bằng âm nhạc chạm vào trái tim. Đó là một cách "giải mã ký ức" thông minh và giàu cảm xúc", ông Minh nói.

Lý giải cơn sốt Viết tiếp câu chuyện hòa bình, hút hàng tỷ lượt xem - 3

Màn trình diễn "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của Đông Hùng và Võ Hạ Trâm trong dịp đại lễ vừa qua thu hút được lượt xem khủng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sức mạnh của giai điệu, ca từ chạm đến trái tim

Nếu thời điểm là điểm tựa thì âm nhạc là phần cốt lõi khiến ca khúc này vượt khỏi khuôn khổ một sản phẩm "tuyên truyền".

Nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận xét, dù viết về đề tài đất nước, cách mạng, nhưng Viết tiếp câu chuyện hòa bình không chọn phong cách nhạc cách mạng truyền thống với tiết tấu hùng tráng, khí thế.

Ca khúc đi theo một lối riêng: Tinh thần dân tộc được truyền tải qua giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi với nhịp sống hiện đại.

Anh nói "đây là điều rất đáng quý, nhất là trong bối cảnh các ca khúc về lòng yêu nước ở thời bình không nhiều".

"Tôi tin rằng, khán giả có đủ thẩm mỹ và sự nhạy bén để nhận ra những giá trị thực sự. Một ca khúc yêu nước được đón nhận rộng rãi, thay vì một bài hát giải trí đơn thuần, cho thấy nội dung và cảm xúc mà nó mang lại đã chạm được đến sự đồng cảm của công chúng", nhạc sĩ bày tỏ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá cao tính đại chúng trong giai điệu và ca từ ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

"Ca từ của anh không cầu kỳ, không xa vời, nhưng mỗi câu hát như một lát cắt của ký ức dân tộc, một dòng chảy cảm xúc từ quá khứ sang hiện tại", ông nói.

Chuyên gia Hồng Quang Minh cũng đồng tình cho rằng, yếu tố giúp Viết tiếp câu chuyện hòa bình lan tỏa mạnh còn nằm ở giai điệu hiện đại, hòa trộn nhạc chính luận với chất pop ballad dễ tiếp cận.

"Nguyễn Văn Chung vốn là nhạc sĩ thị trường, hiểu rõ công thức viết nhạc bắt tai, dễ thuộc. Việc anh dùng cấu trúc giai điệu quen thuộc của pop ballad, phối khí hiện đại, khiến ca khúc này thoát khỏi không khí đôi khi hơi trang nghiêm của dòng nhạc truyền thống cách mạng.

Câu chữ đơn giản, có yếu tố kể chuyện, đây là điểm đặc biệt trong "truyền thông cảm thụ hiện đại". Khi khán giả có thể hiểu - hát - kể lại chỉ sau 1-2 lần nghe, thì khả năng chia sẻ sẽ tăng cấp số nhân", chuyên gia phân tích.

Lý giải cơn sốt Viết tiếp câu chuyện hòa bình, hút hàng tỷ lượt xem - 4

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hạnh phúc khi ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" lan tỏa đến nhiều đơn vị, hội thi, trường học, các hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của đất nước (Ảnh: Facebook nhân vật).

Cộng hưởng các yếu tố truyền thông

Chuyên gia Hồng Quang Minh chỉ ra, chiến lược phát hành cộng đồng hóa lan tỏa theo chiều ngang là yếu tố giúp ca khúc thu được lượt xem/nghe khủng.

Theo ông Minh, khác với nhiều sản phẩm âm nhạc hiện nay phát hành tập trung, Viết tiếp câu chuyện hòa bình được cộng đồng hóa hoàn toàn. Bất kỳ ai, từ học sinh, giáo viên, quân nhân, nghệ sĩ… đều có thể hát, sử dụng, hát lại và lan tỏa.

"Ở đây có một "thủ thuật" rất đặc biệt trong truyền thông gọi là chiến lược truyền thông ngang - horizontal virality - không dựa vào một điểm phát sáng duy nhất, mà để ngọn lửa lan dần từ nhiều "tâm điểm nhỏ", tạo hiệu ứng bùng nổ tự nhiên.

Hàng chục nghìn clip TikTok, video hợp xướng học sinh, nghi thức chào cờ hay sân khấu cộng đồng đã sử dụng bài hát này, khiến nó trở thành "âm nhạc của số đông".

Khi một ca khúc vượt ra khỏi thị phần của nghệ sĩ mà đi vào đời sống cộng đồng, nó trở thành "bản sắc tạm thời", một dạng ký ức tập thể qua âm thanh", chuyên gia này phân tích.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long chia sẻ thêm rằng, sự lan tỏa của bài hát còn được khuếch đại nhờ hiệu ứng tranh luận mạng xã hội - mà chuyên gia gọi là "drama vừa đủ".

Lý giải cơn sốt Viết tiếp câu chuyện hòa bình, hút hàng tỷ lượt xem - 5

Ca sĩ Võ Hạ Trâm (phải) và Duyên Quỳnh (Ảnh: Facebook nhân vật).

Ông Long chỉ ra, câu chuyện giữa hai ca sĩ Võ Hạ Trâm và Duyên Quỳnh xung quanh việc thể hiện ca khúc đã trở thành tâm điểm dư luận.

Tuy không có phát ngôn gây sốc hay tranh chấp gay gắt, nhưng cuộc tranh luận xoay quanh "ai xứng đáng hát" lại vô tình khiến người nghe quay lại xem MV, tìm hiểu lời ca khúc, chia sẻ cảm xúc - từ đó gia tăng mức độ lan truyền một cách tự nhiên mà mạnh mẽ.

"Tranh luận tuy gây tranh cãi, nhưng lại giữ được ở mức "an toàn", không làm tổn hại đến thông điệp hòa bình của ca khúc, mà còn khiến nó được quan tâm nhiều hơn", ông Long nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc khán giả lầm tưởng "cha đẻ" Viết tiếp câu chuyện hòa bình là nhạc sĩ 70 tuổi, thậm chí bị cho là đã... qua đời đã tạo nên một "hiệu ứng lan truyền ngược".

Theo ông Long, khi thông tin sai lệch này bùng phát, hàng loạt khán giả đã quay lại nghe các ca khúc cũ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, từ đó phát hiện ra Viết tiếp câu chuyện hòa bình và tiếp tục lan truyền.

Sau khi tin đồn được đính chính, độ chú ý dành cho bài hát lại càng tăng cao, cho thấy sức ảnh hưởng quá lớn của sản phẩm mới này, đến mức một tin đồn cũng có thể tạo ra làn sóng xã hội.

Hiệu ứng của KOLs và celeb chính là "liều tăng lực" cuối cùng biến hiện tượng thành phong trào. Sau khi bài hát được công nhận là ca khúc chính thức trong concert quốc gia, hàng loạt nghệ sĩ lớn nhỏ bắt đầu chia sẻ, đăng story, đăng video hát lại hoặc cảm nhận riêng về ca khúc.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói: "Đáng chú ý là hầu hết các chia sẻ này đều mang sắc thái cá nhân hóa, không mang tính chất "quảng cáo thuê", điều đó tạo ra niềm tin và cảm giác chân thành. Khi khán giả thấy nghệ sĩ mình yêu thích, và hàng loạt TikToker cùng nói về một bài hát, họ không cảm thấy đang bị quảng cáo, mà cảm thấy "đây là điều nên chia sẻ cùng".

Cảm xúc cộng hưởng ấy là thứ không thể mua được bằng ngân sách quảng cáo. Đó là hiệu ứng "lan truyền có cảm hứng", khi bài hát trở thành một biểu tượng xã hội chứ không đơn thuần là sản phẩm âm nhạc".

Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/ly-giai-con-sot-viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-hut-hang-ty-luot-xem-20250512135035427.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm