Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong văn hóa là rất cần thiết

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các quy định miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong văn hóa là rất cần thiết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchBộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch13/05/2025

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội trong những năm gần đây, văn hóa ngày càng được nhìn nhận đúng với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững. Việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này, do đó, không chỉ là điều chỉnh một đạo luật kinh tế, mà còn là cơ hội để thể chế hóa các quan điểm lớn của Đảng về thúc đẩy các lĩnh vực nền tảng, trong đó có văn hóa.

Đánh giá về tác động của Dự thảo luật này đối với lĩnh vực văn hóa – từ góc độ chính sách, thực tiễn và triển vọng phát triển trong thời gian tới, đại biểu cho rằng: Trước hết, điểm đáng ghi nhận là Dự thảo đã có bước tiến tích cực trong việc thể hiện sự quan tâm đến văn hóa qua hệ thống các quy định miễn, giảm và ưu đãi thuế.

Miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong văn hóa là rất cần thiết - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Theo đó, các khoản tài trợ cho giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội… được xác định là thu nhập được miễn thuế. Những khoản chi tài trợ này, nếu đáp ứng điều kiện minh bạch về chứng từ, cũng được tính là chi phí hợp lý. Đây là một bước cải thiện quan trọng giúp khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với Nhà nước trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng, thực tiễn thời gian qua đã cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của khu vực tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Các chương trình như "Đẹp Việt", "Làng nghề Việt", chuỗi concert "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Chị đẹp đạp gió"… được tổ chức bởi các doanh nghiệp tư nhân không chỉ tạo nên làn sóng văn hóa mới, mà còn góp phần bảo tồn và làm sống lại các giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.

"Nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp, các sáng kiến này sẽ rất khó có cơ hội ra đời", đại biểu bày tỏ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, không ít nhà tổ chức còn băn khoăn khi thực hiện tài trợ hay chi cho văn hóa vì e ngại thủ tục thuế phức tạp, thậm chí bị loại khỏi chi phí hợp lệ do không rõ quy định.

Chính vì vậy, việc dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) lần này khẳng định tài trợ cho văn hóa là khoản chi hợp lý, có tính khấu trừ nếu đủ điều kiện, là một động thái đúng lúc. Nó không chỉ hợp lý về kỹ thuật thuế, mà còn thể hiện sự nhất quán trong chính sách: khơi thông dòng vốn xã hội để đầu tư cho văn hóa, nhất là trong bối cảnh nguồn lực công còn hạn chế.

  • ĐBQH: Áp dụng mức thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số

    ĐBQH: Áp dụng mức thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số

Bên cạnh đó, dự thảo cũng dành nhiều ưu đãi quan trọng cho các tổ chức thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa. Những cơ sở không vì mục tiêu lợi nhuận, hoặc hoạt động tại các địa bàn khó khăn, sẽ được miễn, giảm thuế theo các mức cụ thể. Đây là cơ sở để các nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm văn hóa tư nhân – vốn đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch – có thêm điều kiện để duy trì và phát triển.

"Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các quy định miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong văn hóa là rất cần thiết. Việc số hóa di sản, xây dựng nền tảng biểu diễn trực tuyến, phát triển sản phẩm văn hóa số… là xu hướng tất yếu. Các dự án như "Tinh hoa đạo học" ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám", hay ứng dụng AI trong việc phục dựng Hát Xẩm, Ca trù… đều bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới sáng tạo, nhưng còn thiếu động lực về tài chính.

Nếu doanh nghiệp, tổ chức được miễn thuế cho những nỗ lực đổi mới ấy – như dự thảo đề xuất – thì sẽ có thêm động lực đầu tư dài hạn", đại biểu chia sẻ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, để các chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả, cần sớm có hướng dẫn thi hành rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là về các tiêu chí xác định loại hình hoạt động văn hóa được miễn thuế, điều kiện chứng từ tài trợ được khấu trừ…

Một số lĩnh vực văn hóa mới như trò chơi điện tử nghệ thuật, âm nhạc số, sáng tạo nội dung số trên nền tảng xuyên biên giới… vẫn chưa được xác lập rõ ràng trong hệ thống ngành nghề ưu đãi.

"Do đó, tôi kiến nghị cần mở rộng khái niệm "ngành văn hóa" trong Luật và văn bản hướng dẫn theo hướng bao trùm các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nhóm ngành có tiềm năng đóng góp lớn cho kinh tế tri thức.

Cũng cần lưu ý rằng, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, có quy mô vốn đầu tư không lớn nhưng giàu ý tưởng và năng lực sáng tạo. Nếu chỉ ưu đãi thuế theo tiêu chí vốn lớn, dự án quy mô hàng ngàn tỷ, thì sẽ vô hình trung bỏ quên những "hạt giống" sáng tạo – những nhân tố có thể trở thành thương hiệu văn hóa quốc gia trong tương lai", đại biểu bày tỏ.

Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/mien-thue-cho-hoat-dong-nghien-cuu-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-trong-van-hoa-la-rat-can-thiet-20250512142520245.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm