Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp tư nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14,7% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% tổng dư nợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, chủ yếu do thiếu minh bạch thông tin, rào cản thủ tục và năng lực tài chính hạn chế. Nhất là sau đại dịch COVID-19, họt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức khoẻ tài chính suy giảm.
Ông Phạm Anh Nhân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Vietnam Tourist, cho biết sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn. Dù đang có sự phục hồi từ năm 2024 nhưng nhiều doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, hồ sơ tài chính không đạt chuẩn hoặc vướng phải nợ xấu. Đặc biệt, yêu cầu báo cáo tài chính có lãi trong ba năm gần nhất trở thành rào cản lớn khi nhiều doanh nghiệp vẫn chưa vượt qua được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong giai đoạn 2022-2023.
“Phần lớn doanh nghiệp du lịch đều báo lỗ trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, điều này khiến họ khó đáp ứng điều kiện vay vốn dù ngân hàng đã triển khai nhiều gói hỗ trợ”, ông Nhân chia sẻ.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể, một số doanh nghiệp chưa có lịch sử tín dụng rõ ràng, khiến ngân hàng khó đánh giá được mức độ rủi ro và từ đó yêu cầu thế chấp tài sản như một biện pháp bảo đảm an toàn. Một số khác lại phân bổ nguồn lực tài chính tại nhiều ngân hàng, làm cho các tổ chức tín dụng không thể tổng hợp được dòng tiền thực tế của doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả nhưng người chủ lại có nợ tín dụng cá nhân, khiến ngân hàng từ chối cấp vay cho doanh nghiệp.
Để mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, NHNN đã triển khai quyết liệt các chương trình và chính sách tín dụng, ưu tiên giữ ổn định lãi suất và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, nhằm tạo niềm tin cho doanh nghiệp. NHNN cũng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống và tăng trưởng mới, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn và hiệu quả.
Hiện tại các ngân hàng cũng đang rất chia sẻ, nỗ lực triển khai giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Cảnh Hùng, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp SeABank cho biết, ngân hàng đánh giá doanh nghiệp qua nhiều kênh thông tin, từ các giao dịch thực tế, kết quả kinh doanh đến báo cáo tài chính. Dựa trên đó, ngân hàng sẽ thiết kế các gói vay tín chấp phù hợp với từng cấp độ tín nhiệm của doanh nghiệp.
Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng rất mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng cũng mong các doanh nghiệp nâng cao mức độ minh bạch để xây dựng niềm tin với ngân hàng.
“Doanh nghiệp càng minh bạch, ngân hàng càng có điều kiện đẩy mạnh tín dụng," ông Lâm chia sẻ. Đồng thời, ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, tránh hoạt động ngoài ngành để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, Chủ tịch Hãng kiểm toán ASCO Nguyễn Thanh Khiết khuyến nghị các doanh nghiệp cần cải thiện hệ thống quản trị, áp dụng công nghệ và AI trong kế toán và quản lý tài chính, cũng như các lĩnh vực tác nghiệp khác. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xây dựng báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập để tạo niềm tin với ngân hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đồng bộ với các kế hoạch tác nghiệp và phương án sử dụng vốn hiệu quả để thuyết phục ngân hàng.
Từ thực tế trên có thể thấy dòng tiền của doanh nghiệp càng minh bạch hơn khả năng tiếp cận vốn của họ sẽ càng cao. Bởi đây là một yếu tố quan trọng để ngân hàng đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/minh-bach-tai-chinh-yeu-to-then-chot-giup-doanh-nghiep-tiep-can-von-hieu-qua-162202.html
Bình luận (0)