Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Minh bạch thương mại điện tử

- Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) đã mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích là hàng loạt thách thức liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian qua, các sở, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên TMĐT, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh.

Báo Lạng SơnBáo Lạng Sơn16/07/2025

Cán bộ Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở có hoạt động kinh doanh trên TMĐT tại phường Tam Thanh

Cán bộ Đội QLTT số 6 kiểm tra cơ sở có hoạt động kinh doanh trên TMĐT tại phường Tam Thanh

Theo số liệu của ngành công thương, Lạng Sơn hiện có gần 21.000 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT, đứng thứ 2 toàn quốc; gần 50.000 giao dịch thành công, đứng thứ 4 toàn quốc; trên 228.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, đứng thứ 3 toàn quốc. Đây là những con số ấn tượng minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những tín hiệu tích cực về mặt kinh tế, việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiếp cận, ứng dụng TMĐT cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Siết chặt kiểm tra 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo sự minh bạch trong môi trường TMĐT, thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh TMĐT có hành vi buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường (QLTT) số 6 (đội cơ động) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chi cục QLTT tỉnh về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường thuộc lĩnh vực TMĐT, đội đã chủ động rà soát, giám sát địa bàn; kiểm tra, phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, đội đã kiểm tra, xử lý 80 vụ việc liên quan đến TMĐT (chủ yếu là hình thức kinh doanh qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, website); tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm trên 784 triệu đồng.

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh các mặt hàng túi xách, balo... tại phường Kỳ Lừa

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra cơ sở kinh doanh các mặt hàng túi xách, balo... tại phường Kỳ Lừa


Không chỉ Đội QLTT số 6, các đội QLTT phụ trách các địa bàn của tỉnh đều tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh TMĐT. Theo số liệu thống kê của Chi cục QLTT tỉnh, từ 2023 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 415 vụ việc liên quan đến TMĐT; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 2,7 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm trên 2,2 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như không đăng ký website bán hàng với cơ quan chức năng; kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Ông Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, Sở Công Thương cho biết:  Thời gian qua, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề, kiểm tra cao điểm đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; thành lập tổ công tác chuyên trách về TMĐT… để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kinh doanh TMĐT vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường bởi hầu hết các tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội không để lại địa chỉ kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh tự phát, làm thêm, không có địa điểm cố định gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xác định đối tượng; các hành vi vi phạm sử dụng công nghệ cao, ngày càng tinh vi, khó lường… Do vậy, thời gian tới, chi cục tiếp tục xác định công tác đấu tranh, kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên môi trường TMĐT là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, từ đó chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc chủ động nắm chắc địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động TMĐT (quảng cáo, giới thiệu, giao nhận hàng hóa…). Đồng thời, chi cục tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan công an, cơ quan thuế, chính quyền địa phương để giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên TMĐT, lực lượng QLTT cũng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên TMĐT cũng như người tiêu dùng. Theo đó, Chi cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT phụ trách địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, thực hiện văn minh thương mại tới các tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức như: tuyên truyền ký cam kết; lồng ghép vào các đợt kiểm tra; tuyên truyên trên loa truyền thanh lưu động, trên trang thông tin điện tử của chi cục…

Từ năm 2023 đến nay, lực lượng QLTT tỉnh đã tuyên truyền thông qua phát tờ rơi, khuyến cáo được 785 lượt; thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường được 5.025 lượt; thực hiện ký cam kết 3.939 lượt đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng 174 lượt…

Không dừng lại ở công tác tuyên truyền lồng ghép thông qua kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT, Sở Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại còn tích cực triển khai các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về TMĐT. Theo đó, bình quân mỗi năm, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh… tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về TMĐT với trên 200 lượt người tham gia là các cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật về TMĐT, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người tiêu dùng...; tổ chức các hội thảo liên quan đến phát triển TMĐT; tuyên truyền thông qua các hoạt động hướng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) hằng năm…

Nội dung Sở Công Thương tập trung tuyên truyền, phổ biến như: phân tích thị trường TMĐT qua các sàn giao dịch trực tuyến; tổng quan pháp luật TMĐT Việt Nam; hành lang pháp lý trong TMĐT; quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh trực tuyến…

Thông qua hoạt động tuyên truyền với đa dạng các hình thức đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, cở sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chị Phạm Thùy Diệu Linh, chủ cửa hàng mỹ phẩm Linh Store, đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh cho biết: Hiện cửa hàng của tôi đang kết hợp song song giữa hoạt động kinh doanh truyền thống và trên TMĐT. Thời gian qua, cửa hàng đã được các ngành, lực lượng chức năng đến tuyên truyền, kiểm tra, đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên TMĐT. Qua đó, tôi luôn chủ động tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước và cam kết cửa hàng chỉ phân phối các loại hàng hóa có chất lượng tốt và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đến tay người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền là yếu tổ then chốt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới xây dựng môi trường TMĐT an toàn, lành mạnh. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về TMĐT, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Gần đây nhất, phòng đã tham mưu sở phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương tổ chức chuỗi chương trình chuyển đổi số chợ truyền thống và thúc đẩy TMĐT tỉnh (dự kiến tổ chức trong tháng 8/2025). Chương trình được kỳ vọng thông qua các hoạt động không chỉ góp phần nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện văn minh thương mại trên môi trường TMĐT.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TMĐT đã và đang được các ngành, lực lượng chức năng quan tâm, quyết liệt triển khai. Tuy vậy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn đòi hỏi sự chủ động từ phía doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Do đó, trong thời gian tới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần tích cực hơn trong việc phát huy tinh thần trách nhiệm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, cùng với các cấp, các ngành xây dựng môi trường TMĐT phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.

Nguồn: https://baolangson.vn/minh-bach-hoa-thuong-mai-dien-tu-5053186.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm