- Nuôi lươn không bùn - Dễ chăm, hiệu quả
Nuôi ốc hương biển thay thế con tôm
Anh Đinh Vũ Hải, phường Hiệp Thành, từng tiên phong trong nuôi tôm công nghệ cao và có “thâm niên” trong nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, giá tôm bấp bênh, dịch bệnh liên miên, anh Hải đã tìm tòi mô hình thay thế. Sau nhiều lần nuôi thử không thành công với các loại thuỷ sản khác..., anh tình cờ biết đến mô hình nuôi ốc hương biển ở các tỉnh miền Trung.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, tham quan mô hình nuôi ốc hương biển của anh Đinh Vũ Hải.
Thấy được tiềm năng giá trị kinh tế cao và chưa có người nuôi ốc hương tại địa phương, anh Hải tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù các chuyên gia cho rằng điều kiện khí hậu và độ mặn ở Cà Mau không phù hợp để nuôi ốc hương, nhưng với quyết tâm, anh Hải mày mò, nghiên cứu, điều chỉnh kỹ thuật nuôi ốc để phù hợp đặc thù địa phương.
Anh mạnh dạn chi 200 triệu đồng mua hơn 3 triệu con ốc giống từ các trại giống uy tín, mang về địa phương nuôi thử và điều chỉnh giảm độ mặn phù hợp. Sau khi cải tạo ao nuôi tôm cũ, lót bạt, đổ cát đáy ao và xử lý độ mặn, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm trên diện tích 6.000 m2.
Đầu năm 2023, thấy mô hình đạt hiệu quả cao, anh Hải quyết định mở rộng quy mô nuôi lên hơn 20 ao, mỗi ao rộng 1.000 m2 và thả 500 ngàn con ốc giống. Ốc hương thương phẩm bán cho các nhà hàng, chợ đầu mối trong nước và xuất khẩu, giá từ 250-400 ngàn đồng/kg tuỳ kích cỡ. Từ tháng 2-6 hàng năm, giá ốc cao hơn, khoảng 300-500 ngàn đồng/kg. Từ mô hình này, anh Hải thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Thu hoạch ốc hương tại hộ anh Đinh Vũ Hải.
Anh Hải chia sẻ: "Nuôi ốc hương không quá vất vả. Mỗi ngày chỉ cho ăn một lần bằng thức ăn tươi như các loại cá biển, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng thịt ốc. Nhờ vậy, ốc phát triển tốt, ít bệnh, thịt ngon, dai và ngọt, rất được thị trường ưa chuộng... Sau nhiều năm nuôi, anh Hải đã cải thiện màu sắc ốc nuôi đẹp gần giống ốc nuôi ở miền Trung. Đây là bước cải tiến mới về kỹ thuật trong nuôi ốc hương, đặc biệt về màu sắc và kích cỡ, lớn nhất 20-30 con/kg".
Thành công từ mô hình nuôi ốc hương của anh Hải đã mở ra hướng đi mới, từ đó, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, tăng thu nhập bền vững cho nông dân trong tỉnh.
Nuôi lươn không bùn trong bể composite
Khác với nuôi lươn truyền thống trong ao đất, ông Lê Văn Hột, ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, lại chọn hướng đi mới với mô hình nuôi lươn không bùn trong bể Composite. Với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, ông lắp đặt 50 bể nuôi, mỗi bể 4 m2, thả nuôi khoảng 2.000 con giống.
Theo ông Hột: "Nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm vượt trội, dễ kiểm soát môi trường nước, giảm nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm diện tích và công chăm sóc. Mỗi ngày thay nước 2-3 lần bằng nước giếng khoan để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, ông Hột còn thường xuyên phân loại lươn theo kích cỡ để tránh hao hụt".
Ông Lê Văn Hột thu hoạch lươn thương phẩm.
Về thức ăn, ông sử dụng trùn quế trộn thức ăn viên trong giai đoạn đầu, khi lươn lớn, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên và bổ sung men tiêu hoá, Vitamin. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, tỷ lệ sống của lươn đạt trên 90%. Sau 10-11 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng 4-5 con/kg. Mỗi vụ, ông Hột thu được khoảng 10 tấn lươn thịt. Trước đây, giá lươn khoảng 180-200 ngàn đồng/kg, nay giá lươn thương phẩm xuống còn 85-120 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Hột lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Ông Hột sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm cho nông dân trong và ngoài tỉnh khi đến tìm hiểu mô hình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn lươn giống khan hiếm, giá cao và chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Nuôi ốc hương biển và nuôi lươn không bùn trong bể Composite là hai trong những mô hình mang lại thu nhập khá cao, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững, hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu.
Minh Đạt
Nguồn: https://baocamau.vn/mo-hinh-bac-ty-giua-thoi-bien-doi-khi-hau-a120944.html
Bình luận (0)