Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mở lối cho xuất khẩu

Trước những biến động bất thường của thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu đều nỗ lực với những cách tiếp cận và ứng phó khác nhau nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

Báo Bình DươngBáo Bình Dương25/04/2025

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Gỗ Lâm Việt (TP.Tân Uyên)

Duy trì lợi thế, khai thác thị trường mới

Dệt may hiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trong đó Hoa Kỳ là thị trường chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh. Với chính sách thuế đối ứng mới đối với tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp (DN) cho rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Bình Dương thông tin các đối tác cho biết họ vẫn ưu tiên lựa chọn hàng dệt may Việt Nam, do đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, quy mô sản xuất cũng như kỹ năng sản xuất ra hàng hóa giá trị cao. Vấn đề quan trọng là DN cần biết cách tận dụng cơ hội và lợi thế của mình như thế nào để duy trì đơn hàng và định hướng lại thị trường xuất khẩu.

Theo ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, để giữ vững thị trường xuất khẩu các DN cần nhìn nhận tổng thể các vấn đề nội bộ của ngành, từ đó khẩn trương giải quyết những hạn chế, có hướng đi phù hợp trong tình hình mới. “DN ngành dệt may hiện đang chịu tác động bởi 3 yếu tố chính: Sức mua toàn cầu chưa phục hồi khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, hàng tồn kho cao ảnh hưởng đến đơn đặt hàng mới từ các đối tác, thời gian giao hàng kéo dài gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng. Trước mắt, DN dệt may cần đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam; đồng thời cùng đối tác khách hàng chia sẻ khó khăn giải quyết các đơn hàng đang trên đường xuất khẩu, đơn hàng đã ký hợp đồng. “Với những đơn hàng tiếp theo, DN cần đàm phán theo cách thức chia sẻ lợi ích, rủi ro trong toàn chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp nguyên phụ liệu, nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Đặc biệt, phải làm tốt công tác truy soát nguồn gốc, minh bạch thông tin nguồn cung nguyên phụ liệu”, ông Phan Thành Đức nói.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết ngành da giày cũng chịu ảnh hưởng khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách thuế quan. Để ứng phó với tình huống này, DN cần có chiến lược linh hoạt, trong đó bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng hợp tác đầu tư và tận dụng cơ hội từ các thị trường mới như Trung Đông. “Không thể đặt tất cả trứng vào một giỏ” là giải pháp quan trọng để tránh rủi ro thương mại, đồng nghĩa với việc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngoài các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu, DN cần khai thác tối đa lợi thế từ các FTA Việt Nam tham gia, đã có hiệu lực, để mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số đối tác lớn.

Tăng cường năng lực cảnh báo sớm

Đại diện Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cho biết đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước để tạo thêm “điểm tựa” vượt khó. Trong đó, việc mở rộng cơ hội tham gia vào các dự án đầu tư công trong nước được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN có thêm thị trường tiêu thụ và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu. Trong khi đó, theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành, với 34 năm kinh nghiệm trong ngành chế biến gỗ, công ty đã xây dựng nền tảng vững chắc là không đặt cược tất cả vào một vài thị trường hoặc một vài khách hàng.

“Cơ cấu xuất khẩu cân đối sang các khu vực trọng điểm như châu Á, châu Âu, Australia, Hoa Kỳ đã tạo nên sự đa dạng và ổn định về thị trường, giúp DN không bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự biến động ở một thị trường xuất khẩu. Khi thị trường Hoa Kỳ gặp khó khăn, chúng tôi có thị trường khác. Khi châu Á bất ổn, châu Âu là điểm tựa. Chúng tôi tin rằng sự đa dạng và linh hoạt này sẽ giúp công ty vượt qua thách thức và có những bước tiến mới trong tương lai”, bà Lê Hải Liễu chia sẻ.

Bà Trần Đỗ Quyên, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, việc tăng cường năng lực cảnh báo sớm, chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại là hết sức cấp thiết cho doanh nghiệp. Cục Phòng vệ thương mại đã và đang nỗ lực chia sẻ với DN về những biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay thế giới đang áp dụng, thực tiễn điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ, thép và sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó hướng dẫn DN khai thác thông tin, dữ liệu của Hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại. Đây là những thông tin, dữ liệu cần thiết giúp các DN tại Bình Dương cũng như cả nước chủ động nhận diện rủi ro, sớm có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

 Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia: Các doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí, đồng thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép: Xanh hóa và số hóa nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các yêu cầu ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ công nghệ, nhân lực đến quản trị rủi ro và minh bạch xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội từ các FTA thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore...

TIỂU MY

Nguồn: https://baobinhduong.vn/mo-loi-cho-xuat-khau-a345985.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm