BHG - Xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) tập trung đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Nậm Ban là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, đất sản xuất nông nghiệp ít, địa hình đồi núi dốc, điều kiện canh tác gặp nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, phát triển chăn nuôi được xã xác định là hướng đi phù hợp vì có thể tận dụng được lợi thế đồi núi, diện tích đất rừng và nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi các loại gia súc chủ lực như trâu, bò, dê và lợn bản địa không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, ít rủi ro, phù hợp với trình độ sản xuất của người dân.
Chăn nuôi lợn giúp gia đình ông Nùng A Chay, thôn Nà Tằm nâng cao thu nhập. |
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Anh, thôn Bản Ruộc là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong phong trào phát triển chăn nuôi của xã Nậm Ban. Trước đây, cuộc sống gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ năm 2017, được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, gia đình ông đã quyết định thực hiện mô hình nuôi lợn đen thương phẩm. Ban đầu, do thiếu vốn nên ông chỉ xây dựng 4 ô chuồng với quy mô hơn 10 con/lứa. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình luôn phát triển ổn định. Với kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, mới đây, ông đã mở rộng diện tích lên 7 ô chuồng, quy mô 30 con lợn thịt/lứa. Bình quân mỗi năm ông xuất bán được hơn 70 con lợn, mang lại nguồn thu hơn 400 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Nùng A Chay, thôn Nà Tằm cũng phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông đang duy trì nuôi 3 con lợn sinh sản, 20 lợn thương phẩm, 4 con trâu vỗ béo. Từ phát triển chăn nuôi, mỗi năm ông Chay thu về hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, cũng nhờ phát triển chăn nuôi đã giúp gia đình ông xây dựng được căn nhà xây kiên cố, đồng thời có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất.
Để phát triển chăn nuôi, những năm qua, xã Nậm Ban đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chuyển sang chăn nuôi hàng hóa theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, xã cũng chủ động lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ sinh kế để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, mua giống vật nuôi chất lượng cao. Bên cạnh đó, xã quan tâm triển khai quy hoạch lại vùng chăn nuôi phù hợp với địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng từng thôn, bản; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cho người dân; từng bước thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi địa phương, hướng đến truy xuất nguồn gốc và kết nối với thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh đó, để đàn vật nuôi phát triển ổn định, xã Nậm Ban đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, xã đã kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch động vật; tổ chức lực lượng thường trực, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra; định kỳ phun khử trùng tiêu độc tại các vùng ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ xảy ra dịch; rà soát, tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin định kỳ và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong đời sống KT - XH của Nậm Ban. Tính đến tháng 4.2025, tổng đàn gia súc toàn xã đạt gần 6.000 con, tăng hơn 400 con so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định từ 60 - 100 triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển đàn bò, dê, lợn địa phương. Đặc biệt, cũng nhờ chăn nuôi, nhiều hộ dân trong xã đã có nguồn thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Giai đoạn 2021 – 2024, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 6,2%.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/nam-ban-tap-trung-phat-trien-chan-nuoi-bca5baf/
Bình luận (0)