Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

TCCS - Trong bối cảnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng phức tạp, đòi hỏi Quân đội nhân dân Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Trong đó, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân là tiêu chí hàng đầu làm nên phẩm chất người cán bộ quân đội.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản03/07/2025

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Quân chính toàn quân 6 tháng đầu năm 2025_Ảnh: TTXVN

Bản lĩnh chính trị - yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ chủ trì trong quân đội

Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vai trò then chốt, là trung tâm đoàn kết, đề xuất đường lối, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp không chỉ phụ thuộc vào trí tuệ, kinh nghiệm hay trình độ chuyên môn, mà trước hết là bản lĩnh chính trị của mỗi cá nhân, được biểu hiện ra ở việc giữ vững lập trường, quan điểm, niềm tin cộng sản; kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, có khả năng xử lý linh hoạt, quyết đoán trong mọi tình huống. Cụ thể là:

Bản lĩnh chính trị là yếu tố nền tảng, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Trong hệ giá trị chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam, bản lĩnh chính trị giữ vai trò trụ cột, bảo đảm sự trung thành tuyệt đối và kiên định lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Bản lĩnh chính trị không chỉ là kết tinh của niềm tin, ý chí và tinh thần trách nhiệm, mà còn là thước đo về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi đơn vị đối mặt với khó khăn, thách thức, hay sự tác động của những yếu tố phức tạp về tư tưởng và tâm lý xã hội. Đối với đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, bản lĩnh chính trị được hình thành qua quá trình rèn luyện trong thực tiễn cách mạng, trên cơ sở giác ngộ sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng quân đội trong từng thời kỳ lịch sử, góp phần làm lên truyền thống vẻ vang: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1).

Bản lĩnh chính trị quyết định đến năng lực hành động đúng đắn của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội trước các tình huống phức tạp. Với đặc thù của hoạt động quân sự, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ huy của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp không chỉ cần tri thức chuyên môn, năng lực tổ chức, mà còn cần bản lĩnh chính trị vững vàng để đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, không do dự, né tránh. Chính trong những thời điểm then chốt, bản lĩnh chính trị đã phát huy vai trò như là yếu tố cốt lõi, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội luôn “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”(2). Theo đó, bản lĩnh chính trị không chỉ giúp đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có đủ năng lực đối mặt thách thức, mà còn khéo léo xử lý các tình huống phức tạp, giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu lý tưởng trong mọi hoàn cảnh.

Bản lĩnh chính trị bảo đảm cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp tránh xa cám dỗ vật chất, giữ vững phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những tác động của mặt trái toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu thiếu bản lĩnh chính trị, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp dễ bị suy thoái tư tưởng, sa vào lối sống thực dụng dẫn đến tha hóa, vi phạm kỷ luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cá nhân và tập thể.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3). Đây là lời cảnh báo sâu sắc, bởi điều nguy hiểm bậc nhất với cán bộ là không giữ được mình. Bản lĩnh chính trị chính là điều kiện cần và đủ để đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp “tự soi, tự sửa”, luôn tỉnh táo trước mọi cám dỗ, thể hiện tính mẫu mực trong sinh hoạt và tinh thần trách nhiệm trong công tác, sự cầu thị trong tiếp thu ý kiến phê bình của tập thể và đồng chí, đồng đội.

Bản lĩnh chính trị giúp đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội hoàn thành tốt vai trò là trung tâm đoàn kết và nguồn cảm hứng hành động cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng”(4). Theo đó, bản lĩnh chính trị vững vàng là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ làm tròn vai trò lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, mà thông qua quá trình tu dưỡng đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp còn lan tỏa tinh thần tích cực, tạo khí thế thi đua, đoàn kết trong toàn cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(5). Chính bản lĩnh chính trị là cơ sở nền tảng tạo nên phong thái kiên định, bình tĩnh nhưng gần gũi, khơi dậy niềm tin và sự thuyết phục của cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị; là điều kiện cần thiết để xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh và vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Thực trạng và giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong quân đội, đặc biệt là nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là kết quả của quá trình tổ chức bài bản, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng qua thực tiễn huấn luyện, công tác và sẵn sàng chiến đấu; đồng thời phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam - lực lượng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là minh chứng sinh động cho hiệu quả của việc lấy xây dựng bản lĩnh chính trị làm nền tảng trong phát triển toàn diện phẩm chất người cán bộ quân đội trong thời kỳ mới.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, phần lớn đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã thể hiện rõ lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Bản lĩnh chính trị được thể hiện qua sự kiên định về quan điểm, thái độ trách nhiệm cao trong công việc, sự quyết đoán, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ huy và điều hành nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt, gương mẫu trong các tình huống khó khăn, phức tạp, như: diễn tập sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho cơ quan, đơn vị. Cán bộ chủ trì nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao trình độ lý luận, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, có ý thức giữ gìn phẩm chất người quân nhân cách mạng; thể hiện rõ bản lĩnh qua sự kiên định trong đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch và những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, lối sống trong cơ quan, đơn vị. Qua đó, trở thành điểm tựa tinh thần, trung tâm quy tụ đoàn kết, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ chủ trì trong quân đội chưa thật sự gương mẫu. Một số đồng chí còn biểu hiện thiếu kiên định, ngại va chạm, thụ động, thiếu quyết đoán khi xử lý tình huống; tư tưởng cầu an, sợ sai, ngại đổi mới. Cá biệt, có cán bộ bộc lộ dấu hiệu “tự diễn biến” về nhận thức chính trị, đạo đức công vụ, thậm chí vi phạm kỷ luật, bị xử lý nghiêm theo quy định, làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức và giảm sút niềm tin của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ở một số đơn vị, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng vẫn còn biểu hiện hình thức, nặng về truyền đạt lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, chưa gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác thường nhật; nội dung và phương pháp rèn luyện bản lĩnh chính trị còn thiếu linh hoạt, chưa cụ thể hóa theo đặc điểm, điều kiện, chức trách của từng nhóm cán bộ. Trong khi đó, môi trường rèn luyện thực tế chưa đủ thử thách, chưa đặt cán bộ vào tình huống để phát huy bản lĩnh trong hành động. Đối với công tác đánh giá cán bộ ở một số nơi còn mang nặng tính hành chính, hình thức; chưa thực sự phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng đúng cán bộ có năng lực, bản lĩnh; đồng thời còn tình trạng nể nang, né tránh trong xử lý cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong bối cảnh hiện nay, những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, sự bùng nổ thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội, hoạt động chống phá ngày càng tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, lối sống, nhân sinh quan của một bộ phận cán bộ quân đội, trong đó có đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nếu không được nhận diện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm bản lĩnh, niềm tin chính trị, thậm chí dẫn tới tha hóa, vi phạm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật và làm giảm sức mạnh chiến đấu của quân đội. Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các hình thức chiến tranh phi truyền thống, chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin, âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” ngày càng tinh vi, thâm độc, thì việc xây dựng, củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên, mà còn là yêu cầu cấp bách mang tính chiến lược. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp:

Một là, tăng cường giáo dục lý luận chính trị nhằm bồi dưỡng phẩm chất cách mạng và năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội. Trong các yếu tố cấu thành bản lĩnh chính trị, nền tảng lý luận giữ vai trò định hướng, là cơ sở để hình thành niềm tin, củng cố lập trường và điều chỉnh hành vi của cán bộ trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy. Không có nhận thức lý luận đúng đắn thì không thể có bản lĩnh chính trị vững vàng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”(6). Thực tế cho thấy, sự lệch lạc về tư tưởng, biểu hiện dao động chính trị trong một bộ phận cán bộ thường bắt nguồn từ sự tiếp thu lý luận một cách hời hợt, giáo điều, xa rời thực tiễn. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị cần tập trung đi sâu vào việc truyền đạt kiến thức, giúp đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp nắm vững đường lối cách mạng của Đảng. “Có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”(7).

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, dự buổi lễ giao, nhận quân tại thành phố Việt Trì_Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, thì năng lực tư duy lý luận chính là “lá chắn tinh thần” giúp cán bộ nhận diện, đấu tranh, phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Do vậy, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Nội dung cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, làm rõ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, đồng thời kịp thời cập nhật các vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh. Phương pháp giáo dục cần tăng cường tổ chức thảo luận chuyên đề, mô phỏng tình huống chính trị, quân sự, kết hợp chặt chẽ với công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần cống hiến, từ đó tạo nên năng lực tư duy mềm dẻo nhưng kiên định, phản biện nhưng chuẩn xác, giúp cán bộ chủ trì luôn vững vàng về chính trị, sắc bén về tư tưởng, vững tay chèo lái đơn vị vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Hai là, gắn rèn luyện bản lĩnh chính trị với thử thách thực tiễn và xây dựng môi trường chính trị lành mạnh trong đơn vị. Bản lĩnh chính trị không phải là phẩm chất bẩm sinh, mà được hình thành và phát triển thông qua quá trình rèn luyện lâu dài, nghiêm túc trong môi trường thực tiễn - nơi phản ánh chân thực nhất phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, chỉ huy và ý chí chiến đấu của cán bộ. Thực tiễn công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt ở những vị trí khó khăn, điều kiện khắc nghiệt, là nơi thử thách và tôi luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; giúp cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp không ngừng củng cố lập trường giai cấp, tăng khả năng tự chủ, vượt qua giới hạn bản thân để thật sự trở thành tấm gương điển hình, mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị học tập, làm theo.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phân công, luân chuyển, bố trí cán bộ dựa trên tiêu chí rèn luyện qua thực tiễn. Việc điều động đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp đến những đơn vị đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tình hình phức tạp hay luân chuyển qua nhiều cấp độ tổ chức khác nhau sẽ giúp họ tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực tổng hợp và từng bước hoàn thiện bản lĩnh. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng môi trường chính trị lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, có kỷ cương, có sự nêu gương của cấp ủy, chỉ huy các cấp để đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp yên tâm công tác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và không ngừng nỗ lực vươn lên. Theo đó, các hình thức sinh hoạt đảng, sinh hoạt chính trị, tinh thần cần được tổ chức thực chất, đổi mới cả nội dung và phương pháp, phát huy hiệu quả tự phê bình và phê bình, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp.

Ba là, phát huy vai trò nêu gương, tự tu dưỡng và “tự soi, tự sửa” của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội. Nêu gương không chỉ là một tiêu chuẩn đạo đức, mà còn là phương thức lãnh đạo quan trọng, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng, thái độ và hành vi của tập thể. Đội ngũ cán bộ chủ trì là người trực tiếp tổ chức, điều hành mọi hoạt động, là tấm gương về bản lĩnh chính trị và là hiện thân rõ nhất cho tính cách mạng, phẩm chất chính trị và ý chí chiến đấu của tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, “phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt”(8). Theo đó, người cán bộ chủ trì các cấp nếu có bản lĩnh vững vàng, chính trực, gương mẫu trong công việc và sinh hoạt, sẽ củng cố được uy tín chính trị, tạo động lực tinh thần, định hướng hành động cho đơn vị. Ngược lại, nếu cán bộ chủ trì thiếu nhất quán, né tránh trách nhiệm, sa vào chủ nghĩa hình thức, hoặc buông lỏng nguyên tắc lãnh đạo, quản lý, sẽ gây tâm lý hoài nghi, suy giảm niềm tin trong tổ chức.

Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trước hết phải bắt đầu từ quá trình tự tu dưỡng, tự rèn luyện, thực sự coi trọng việc học tập lý luận chính trị, rèn luyện bản thân trong thực tiễn và luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Nêu gương phải được thể hiện bằng hành động nhất quán, kiên định lập trường chính trị, dũng cảm dấn thân, xử lý công việc trên tinh thần trách nhiệm cao và minh bạch. Trong đó, “tự soi, tự sửa” không chỉ là biểu hiện của bản lĩnh cá nhân, mà còn là biểu hiện của tinh thần cách mạng, khả năng tự điều chỉnh và hoàn thiện liên tục.

Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cần đặt việc nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong cơ chế kiểm tra, giám sát dân chủ và công khai, minh bạch. Tổ chức cần tạo điều kiện để mọi cán bộ có cơ hội phát huy vai trò tiên phong, đồng thời có cơ chế đánh giá, ghi nhận những hành vi gương mẫu, sáng tạo. Sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình cần thực chất, khách quan, thẳng thắn, trong đó cán bộ chủ trì phải là người gương mẫu đi đầu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể; dám thẳng thắn tự phê bình và tích cực tiếp thu ý kiến phê bình của tập thể để sửa chữa khuyết điểm, nhằm không ngừng tiến bộ. Khi cán bộ chủ trì thể hiện được bản lĩnh qua hành động nêu gương thực chất, sẽ góp phần tạo dựng bầu không khí chính trị lành mạnh, tăng cường niềm tin nội bộ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Bốn là, đổi mới công tác cán bộ, xác lập bản lĩnh chính trị là tiêu chí trọng yếu trong quy hoạch, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Trong toàn bộ tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội, từ tuyển chọn, đào tạo đến bổ nhiệm và sử dụng, bản lĩnh chính trị cần được xác định là tiêu chuẩn nền tảng, có tính dẫn dắt, xuyên suốt. Đây không chỉ là yêu cầu trong công tác tổ chức, mà còn là vấn đề chiến lược nhằm kiến tạo đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn dù quan trọng, nhưng nếu không đi kèm bản lĩnh chính trị thì cán bộ rất dễ dao động trước những áp lực lợi ích, dễ rơi vào thỏa hiệp nguyên tắc, thậm chí suy thoái khi đối mặt tình huống phức tạp, đa chiều. Do đó, bản lĩnh chính trị phải là tiêu chí khởi điểm và có tính quyết định trong mọi quy trình cán bộ.

Cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng cụ thể hóa biểu hiện của bản lĩnh chính trị: giữ vững lập trường; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; trung thành với lợi ích tập thể, có bản lĩnh đấu tranh bảo vệ cái đúng, bác bỏ cái sai… Các tiêu chí này phải được lượng hóa thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ và qua quá trình kiểm nghiệm trong thực tiễn. Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ cần đổi mới theo hướng thực chất, tránh bệnh hình thức, hành chính hóa.

Trong công tác quy hoạch cán bộ, cần gắn với đào tạo và rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Cán bộ trong diện quy hoạch phải trải qua các vị trí, môi trường có tính cạnh tranh, sức ép, để bộc lộ khả năng xử lý tình huống, năng lực quy tụ và sự kiên định về tư tưởng. Tránh đưa vào quy hoạch những cán bộ thụ động, thiếu chính kiến hoặc chưa qua rèn luyện thực tiễn. Việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ cần phân cấp mạnh cho đơn vị cơ sở, nơi nắm rõ nhất về quá trình công tác, phẩm chất chính trị và uy tín của cán bộ; đồng thời, có cơ chế giám sát, đánh giá đa chiều, minh bạch, dựa trên bằng chứng cụ thể. Những cán bộ có biểu hiện bản lĩnh nổi bật, tư duy mới, năng lực hành động mạnh mẽ cần được kịp thời trọng dụng. Ngược lại, với những cán bộ có dấu hiệu suy thoái tư tưởng, cơ hội chính trị, cần kiên quyết sàng lọc, xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ nguyên tắc tổ chức, giữ vững kỷ cương và niềm tin trong đội ngũ.

Năm là, đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm giữ vững trận địa tư tưởng trong quân đội. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch ngày càng gia tăng hoạt động chống phá bằng các hình thức tinh vi, nham hiểm như “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”, lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc tư tưởng của Đảng, bôi nhọ hình ảnh quân đội, gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ và làm suy giảm niềm tin chính trị. Trước những thách thức đó, việc giữ vững trận địa tư tưởng không chỉ dừng ở nhiệm vụ phòng thủ, mà phải được xác định là một cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng mang tính chủ động, tiến công. Trong cuộc đấu tranh ấy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò “người giữ lửa” niềm tin, trực tiếp định hướng nhận thức và củng cố bản lĩnh chính trị cho toàn đơn vị.

Cán bộ chủ trì phải chủ động nhận diện, phân tích, lý giải và phản bác có sức thuyết phục các quan điểm lệch lạc, qua đó không chỉ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa giá trị đúng đắn, tích cực trong toàn đơn vị. Muốn vậy, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho cán bộ chủ trì theo hướng chuyên sâu, thiết thực, tăng cường bồi dưỡng lý luận, năng lực phản biện và kỹ năng truyền thông chính trị. Các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề phải gắn với thực tiễn tư tưởng đơn vị, chú trọng trang bị kỹ năng viết bài đấu tranh trên không gian mạng.

Bản lĩnh chính trị là nền tảng cốt lõi giúp đội ngũ cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam giữ vững lập trường cách mạng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong bối cảnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng toàn diện, phức tạp, yêu cầu nâng cao bản lĩnh chính trị là chiến lược lâu dài. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để mỗi cán bộ chủ trì thực sự là trung tâm đoàn kết, điểm tựa tư tưởng, “pháo đài chính trị” trong đơn vị. Qua đó, góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ trong tình hình mới./.

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 14, tr. 435
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 354
(3), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 672, 115
(4) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1993, tập 16, tr. 705
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 16
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 276
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 440

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1101202/nang-cao-ban-linh-chinh-tri-cho-doi-ngu-can-bo-chu-tri-cac-cap-trong-quan-doi-nhan-dan-viet-nam%2C-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm