Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Theo đó 6 tháng đầu năm đã sửa chữa, xây mới 96/102 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, dự kiến hoàn thành nốt trước 30/10/2025. Đồng thời, triển khai Đề án hỗ trợ nhà ở cho 247 hộ người có công, trong đó 216 hộ đã được hoàn thiện. Song song với đó, chương trình đầu tư nhà ở xã hội theo chỉ tiêu Chính phủ giao, với mục tiêu xây dựng tối thiểu 1 triệu căn hộ, đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành các bước giải phóng mặt bằng, lập dự án trong quý III và IV năm 2025.
Quảng Ninh còn tập trung củng cố hệ thống y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế lên tới 95,56%. Công tác kiểm tra chất lượng dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm. Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh được tăng cường đầu tư, trong đó Dự án mở rộng, nâng cấp Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh giai đoạn II đang được triển khai tích cực.
Giáo dục và đào tạo là một trong những trụ cột chính trong chiến lược nâng cao đời sống nhân dân. Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành về số lượng và tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia THPT. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đánh giá cao: Tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 3 và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2013, trước cả nước hai năm. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 12 trường đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao và đưa vào sử dụng, dự kiến hết năm 2025 sẽ có 16 trường hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đề án phát triển Trường Đại học Hạ Long đến năm 2030 và Đề án quản trị đại học số đang được hoàn thiện, hướng tới mô hình liên kết quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Giải quyết việc làm và đào tạo nghề được xem là động lực quan trọng để nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Tỉnh phấn đấu tạo thêm ít nhất 30.000 việc làm trong năm 2025, tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động trẻ và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 6 tháng đầu năm, đã có 17.580 lao động được tạo việc làm mới, trong đó 419 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 70% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,3%, trong đó 51,6% có bằng cấp và chứng chỉ, cho thấy chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện. Toàn tỉnh có 309.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương 48,36% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Công tác an sinh xã hội được chú trọng với tổng kinh phí thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2024. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà trị giá trên 120 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người nghèo, góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ổn định, vui xuân đầm ấm.
Hạ tầng kỹ thuật, giao thông và đô thị cũng được cải thiện mạnh mẽ. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như đường ven sông Hạ Long - Đông Triều, kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả… đang được giải ngân nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng được chú trọng. Tỉnh phát triển dịch vụ công trực tuyến với tỷ lệ giải quyết trước hạn trên hệ thống Một cửa điện tử tỉnh đạt 73,9%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 70,51.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân, Quảng Ninh đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các giải pháp đều hướng đến mục tiêu chung: Xây dựng Quảng Ninh trở thành vùng đất đáng sống, nơi mỗi người dân đều được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ công, an sinh xã hội bền vững và phát triển toàn diện.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-cao-chat-luong-toan-dien-doi-song-nhan-dan-3366591.html
Bình luận (0)