Hai tháng trở lại đây, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã ra mắt 02 sản phẩm mới là nhiên liệu hàng không bền vững và lưu huỳnh hạt. Việc xuất bản sản phẩm nhiên liệu hàng không bền vững là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến mới của BSR trong hành trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm năng lượng xanh và bền vững. Điều này hình thành chuỗi cung ứng năng lượng xanh và bền vững khép kín đầu tiên tại Việt Nam, từ nhập khẩu nguyên liệu, phối trộn, kiểm soát chất lượng đến cung ứng cho các công ty nhiên liệu hàng không và cấp phát cho các chuyến bay nội địa, quốc tế. Đối với sản phẩm lưu huỳnh hạt đã khẳng định quyết tâm của BSR trong việc mở ra hướng đi mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí logistics và tiếp cận thị trường rộng hơn.
Ông Đặng Đình Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cho biết: Ở Nhà máy Lọc dầu lâu nay sản xuất lưu huỳnh dạng lỏng này sản xuất dạng rắn dễ dàng bảo quản, vận chuyển có nhiều ứng dụng hơn nên khách hàng rất quan tâm nên giá trị cái này cao hơn rất nhiều.
Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất hiện đầu tư 2 Khu liên hợp sản xuất gang thép và nhiều dự án vệ tinh khác tại Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động từ năm 2021. Hiện phân kì 1 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất thiết kế 2,8 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm đã đi vào vận hành. Dự kiến trong quý 3 năm nay sẽ đi vào vận hành phân kì 2 với công suất 2,8 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm. Với định hướng là thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phụ trợ nội địa để tham gia sâu vào quá trình xây dựng, vận hành các dự án trọng điểm quốc gia, trong giai đoạn 2025-2030, Tập đoàn Hòa Phát định hướng tập trung chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó ưu tiên sản xuất sản phẩm thép đường ray cao tốc đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ.
Ông Vũ Xuân Hà, Giám đốc Đối ngoại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, nói: Trên cơ sở dự án Dung Quất 1 và 2, chúng tôi có lượng thép thô 12 triệu tấn/năm phần lớn là thép chất lượng cao. Chúng tôi đang rất kì vọng đề xuất các dự án chế biến sâu, thép chất lượng cao ngay tại Quảng Ngãi trong đó có thép phục vụ cho đường ray cao tốc Bắc- Nam và các sản phẩm thép chất lượng cao cho các dự án tương lai như thép đóng tàu, cho ngành quốc phòng.
Phát triển công nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá nhiệm kỳ 2020-2025. Để công nghiệp phát triển mạnh mẽ, thực sự giữ vai trò là động lực chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp. Quảng Ngãi ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh. Đây cũng là giải pháp để các sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Quảng Ngãi với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang, nhấn mạnh: Tích cực đồng hành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng và các chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tín dụng và đất đai thuận lợi hơn, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tận dụng lợi thế Khu Kinh tế Dung Quất, Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y và các khu công nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong hành lang kinh tế Đông - Tây, tận dụng cảng Dung Quất để phát triển logistics, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của chính quyền, sự chủ động nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp một cách bài bản, khoa học. Đó chính là cơ sở để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo nên sức sống và giá trị mới trong nền kinh tế thị trường.
Nguồn: https://quangngaitv.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cua-san-pham-cong-nghiep-6504799.html
Bình luận (0)