Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, bức tranh kinh tế nông thôn Nam Định tiếp tục được kiến tạo với nhiều gam màu tươi sáng. Những quyết sách đúng đắn, tầm nhìn chiến lược; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định22/05/2025

Vùng sản xuất rau sạch cho thu nhập cao tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Vùng sản xuất rau sạch cho thu nhập cao tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Tăng tốc đầu tư hạ tầng, tạo đòn bẩy cho sản xuất, kinh doanh

Tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế ở khu vực nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để người dân thuận lợi mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Về giao thông, tỉnh đã bổ sung quy hoạch nhiều tuyến đường quan trọng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và cảng biển phù hợp với định hướng phát triển vùng và quốc gia. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, kết nối liên hoàn từ thôn, xóm đến quốc lộ. Hiện 100% số xã, thị trấn đã có đường ô tô được láng nhựa hoặc bê tông xi măng đến trụ sở UBND xã. Hệ thống công trình thủy lợi từ cấp I đến cấp III được đầu tư cải tạo, nâng cấp, bảo đảm chủ động tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác, phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu. Hạ tầng điện nông thôn cũng được chú trọng phát triển; lưới điện trung và hạ áp cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Công ty Điện lực Nam Định tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, ứng dụng công nghệ tự động hóa để nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng.

Đến nay, 97,5% số xã, thị trấn đã hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Nắm bắt cơ hội phát triển mới, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp như Rạng Đông, Mỹ Thuận, Thịnh Lâm, Yên Bằng… tạo cú hích chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Cùng với đó, các địa phương tập trung đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, Giai đoạn 2021-2024 đã tổ chức 99 lớp với 3.397 lao động được đào tạo nghề nông nghiệp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của toàn tỉnh năm 2024 đạt 78,5% (tăng 11,5% so với năm 2021). Ngành ngân hàng cũng chủ động cung ứng vốn tín dụng phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm; giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2025, dư nợ cho vay khu vực nông thôn đạt gần 220 nghìn tỷ đồng.

Sản xuất khởi sắc, thu nhập nâng cao

Tỉnh chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Toàn tỉnh có 390 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trong đó 330 HTX hoạt động hiệu quả; nhiều mô hình đã áp dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Tỉnh cũng đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng chế biến cho 19 HTX, góp phần làm tăng thu nhập cho thành viên và cộng đồng dân cư. Toàn tỉnh đã hình thành hơn 400 mô hình “cánh đồng lớn” với diện tích 20 nghìn ha, trong đó 3.000ha được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hiệu quả sản xuất tăng từ 10-15% so với canh tác truyền thống. Các mô hình sản xuất sử dụng cơ giới hóa, mạ khay, máy cấy, máy bay không người lái, phân hữu cơ… không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn từng bước “công nghiệp hóa” sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc chuyển đổi trên 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, mô hình khác đã nâng giá trị kinh tế cao gấp 2-10 lần so với trước. Đã có 127 mã số vùng trồng cho hơn 4.000ha được cấp, đây là bước đi quan trọng để đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Không chỉ cải thiện năng suất, các địa phương còn chuyển mạnh mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, sinh học, ứng dụng công nghệ và gắn với thị trường. Tỷ trọng chăn nuôi trang trại tăng nhanh, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh. Năm 2024, sản lượng thịt hơi đạt gần 200 nghìn tấn, tăng 4,7% so với năm 2021; đặc biệt, thịt gia cầm tăng bình quân tới 6,9%/năm, trở thành điểm sáng mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Lĩnh vực thủy sản cũng ghi dấu sự chuyển mình mạnh mẽ, sản lượng tăng hơn 13% chỉ sau ba năm, trong đó nuôi trồng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Với 97,95% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình, ngành khai thác biển của tỉnh đang từng bước được hiện đại hóa, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, mở đường cho hải sản vươn ra thị trường thế giới.

Các địa phương cũng tập trung các giải pháp phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và doanh nghiệp nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, mở rộng các vùng nguyên liệu, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2021-2024, đã triển khai hỗ trợ 112 dự án phát triển ngành nghề nông thôn và 5 dự án cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; hỗ trợ 20 sản phẩm của 20 cơ sở thiết lập hệ thống điện tử, tạo dựng tem QRCode để thực hiện truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm: Lúa, gạo, lạc, rau quả tươi; thịt lợn, trứng gà, ngao; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thành công 1 kế hoạch liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao Thanh Đoàn. Sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh có sự bứt phá, trở thành khâu then chốt nâng giá trị nông sản.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo “bệ phóng” để các sản phẩm đặc trưng, tinh hoa của các vùng miền vươn xa. Nam Định hiện có 534 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đặc biệt, sản phẩm du lịch nông thôn Ecohost - Hải Hậu được Trung ương công nhận đạt hạng 5 sao. Nhiều sản phẩm như gạo Toản Xuân, nghêu thịt Lenger, lụa Cổ Chất… đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Giá trị sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng từ 10-30%, doanh số bán hàng tăng trưởng 5-20%/năm, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển bền vững.

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã mang lại những kết quả tích cực: Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây không chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định (bình quân 2,55%/năm) mà còn cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 202,5 triệu đồng/ha vào năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng nhanh, từ 52 triệu đồng/năm (2021) lên trên 75 triệu đồng/người/năm (2024). Kết quả tăng trưởng kể trên không chỉ phản ánh chiều sâu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững mà còn cho thấy Nam Định đang vững vàng trên con đường xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao, với “thước đo” rõ nét nhất là thu nhập và đời sống người dân nông thôn được nâng cao.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/nang-cao-thu-nhap-nguoi-dan-trong-xay-dungnong-thon-moi-kieu-mau-nang-cao-0ab55ed/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm