Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Năng lượng xanh từ những mô hình chăn nuôi bền vững

BHG - Tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm khoảng 40% trong cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Quang Bình. Lĩnh vực này giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, các hộ dân đang ứng dụng công nghệ xử lý chất thải bằng bể biogas, tạo ra nguồn năng lượng xanh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Báo Hà GiangBáo Hà Giang28/05/2025

BHG - Tỷ trọng giá trị chăn nuôi chiếm khoảng 40% trong cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện Quang Bình. Lĩnh vực này giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con. Để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, các hộ dân đang ứng dụng công nghệ xử lý chất thải bằng bể biogas, tạo ra nguồn năng lượng xanh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Đa số người dân xã Bằng Lang duy trì hình thức chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, phần lớn chưa xử lý chất thải đúng cách, thường xả trực tiếp ra ao, vườn, gây ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dân và cộng đồng xung quanh. Trăn trở trước điều đó, anh Kim Xuân Hảo, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã đã lên ý tưởng xây dựng dự án “Năng lượng xanh từ chăn nuôi” bằng cách lắp đặt bể biogas cho các hộ nuôi lợn. Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi, nhằm giảm thiểu mùi hôi, tiêu diệt mầm bệnh và cải thiện cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt, hệ thống này còn tái tạo nguồn năng lượng sạch, phục vụ đun nấu, thắp sáng, giảm chi phí sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Người dân xã Bằng Lang (Quang Bình) lắp đặt bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.
Người dân xã Bằng Lang (Quang Bình) lắp đặt bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi.

Với tính thiết thực, khả thi cao, dự án đã đạt giải trong cuộc thi “Những người tạo thay đổi” do Tổ chức Good Neighbors International và Ngân hàng NongHyup (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức. Thông qua nguồn hỗ trợ 70 triệu đồng, dự án đã triển khai, lắp đặt bể biogas cho 7 hộ chăn nuôi lợn tại địa phương, mỗi chuồng nuôi có số lượng từ 10 - 20 con. Sau 2 tháng sử dụng, các hộ dân đã thấy rõ lợi ích về kinh tế, môi trường. Anh Hoàng Văn Hoan, thôn Khun, xã Bằng Lang chia sẻ: “Ngoài số tiền hỗ trợ hơn 9 triệu đồng, tôi cũng đã bỏ thêm chi phí để làm bể biogas dung tích 12m3. Với việc duy trì đàn lợn liên tục, gia đình có đủ gas dùng hàng ngày, nếu so với giá hiện tại là 400 nghìn đồng/bình gas thì cũng đỡ một khoản chi tiêu không nhỏ. Mỗi năm, tôi xuất chuồng khoảng 3 lứa lợn thương phẩm, tương đương 30 con, với giá bán lợn hơi trung bình đạt 65 nghìn đồng/kg, thu lãi 50 triệu đồng”.

Trên địa bàn xã Bằng Lang có 824 hộ chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn với 1.530 con trâu, bò; 667 con dê; 5.500 con lợn và 111.000 con gà, ngan, vịt. Chuồng trại chăn nuôi đã xây dựng kiên cố chiếm 54%. Vì chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của các gia đình, nên bà con tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới. Nhiều chương trình được thực hiện hiệu quả như thụ tinh nhân tạo, nâng tầm vóc, thể trạng đàn trâu; các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà đen H’Mông thuần chủng, lợn lai thương phẩm, nuôi trâu sinh sản. Ngoài ra, người dân đã chủ động trồng cỏ, dự trữ thức thô xanh, tinh bột sắn, ngô, cám gạo để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Xác định chăn nuôi chỉ thực sự bền vững khi đi đôi với việc bảo vệ môi trường, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình xử lý chất thải bằng bể biogas, giúp người dân thay đổi thói quen từ chăn nuôi truyền thống sang hàng hóa, vì một nền nông nghiệp xanh.

Chị Nông Thị Hằng, thôn Yên Chung, xã Tiên Yên (Quang Bình) duy trì mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản.
Chị Nông Thị Hằng, thôn Yên Chung, xã Tiên Yên (Quang Bình) duy trì mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản.

Không chỉ riêng xã Bằng Lang, tại các địa phương khác trong huyện như xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên, thị trấn Yên Bình... người dân đang từng bước áp dụng các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Đơn cử như gia đình chị Nông Thị Hằng, thôn Yên Chung, xã Tiên Yên. Từ năm 2018, khi mới bắt đầu khởi nghiệp làm kinh tế, chị Hằng đã nghĩ ngay đến việc phát triển mô hình nuôi lợn nái đen sinh sản bản địa. Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, đàn lợn của gia đình chị phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh. Với 6 con lợn nái, mỗi năm đẻ ít nhất 2 lứa, giá bán lợn giống đạt 1,5 triệu đồng/con, mang lại cho gia đình thu nhập 70 triệu đồng/năm. Để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, sau thu hoạch mùa màng vụ Xuân, chị sẽ bắt tay ngay vào đầu tư nâng cấp chuồng trại, xây dựng bể biogas rộng hơn so với trước, đáp ứng quy mô tăng số lượng đàn trong năm nay.

Huyện Quang Bình có 19.000 con trâu, bò; 11.000 con dê; 54.000 con lợn và 815.000 con gia cầm. Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó và tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, người dân đang ngày càng ưu tiên, chú trọng lựa chọn những giải pháp thông minh nhất, phù hợp với điều kiện, chi phí, nhu cầu thực tiễn để biến chất thải chăn nuôi thành năng lượng xanh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/nang-luong-xanh-tu-nhung-mo-hinh-chan-nuoi-ben-vung-47f4685/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm