Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho sản phẩm OCOP

STO - Cùng với xây dựng, nâng chất lượng sản phẩm các chủ thể OCOP, địa phương có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng còn tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng29/05/2025


Mãng cầu gai hiện là một trong những loại cây ăn trái chủ lực của vùng đất Ngã Năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm được chế biến từ cây mãng cầu đã mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân địa phương. Hiện diện tích mãng cầu gai toàn thị xã khoảng 290ha, trồng tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Quới và rải rác ở xã Tân Long và Phường 2. So với các loại cây ăn trái khác thì mãng cầu gai dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, thích ứng tốt với đất trũng phèn và cho năng suất cao. Từ lợi thế này, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi canh tác, tập trung trồng mãng cầu xiêm và sản xuất ra các sản phẩm từ cây mãng cầu. Trong đó, sản phẩm trà mãng cầu đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có diện tích trồng mãng cầu gai lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP là trái mãng cầu. Ảnh: XUÂN THANH

Ông Lê Văn Vui - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu gai Vĩnh Kiên cho biết, năm 2016 hợp tác xã thành lập với 29 thành viên, trồng cây mãng cầu gai với diện tích 14ha. Khi đó, do trái mãng cầu xiêm chủ yếu tiêu thụ ở dạng trái tươi nên thường xuyên gặp cảnh “được mùa, rớt giá”. Tìm đường “vượt khó”, hợp tác xã đã thử nghiệm chế biến sản phẩm trà mãng cầu. Sự ra đời thành công của sản phẩm trà mãng cầu đã mang lại niềm phấn khởi cho thành viên hợp tác xã.

“Năm 2017, được sự hỗ trợ từ các dự án của Trung ương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hợp tác xã chúng tôi bắt tay sản xuất sản phẩm trà mãng cầu từ trái mãng cầu tươi. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trang bị máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm trà mãng cầu. năm 2020, trà mãng cầu Vĩnh Kiên xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện tại, sản phẩm đã được tiêu thụ ở các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, siêu thị trên khắp cả nước. Hợp tác xã cũng đang duy trì sản xuất cung ứng trái mãng cầu tươi cho thị trường. Bình quân mỗi năm sản lượng trái đạt hơn 15 tấn/ha” - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu gai Vĩnh Kiên chia sẻ.

Đồng chí Võ Minh Nghi - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới cho biết, Hợp tác xã Mãng cầu gai Vĩnh Kiên là đơn vị đầu tiên của Ngã Năm xây dựng vùng sản xuất cây mãng cầu gai và tạo ra sản phẩm trà mãng cầu đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ việc xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mà trái tươi và sản phẩm trà mãng cầu đều đạt chất lượng, giúp hợp tác xã ngày càng “ăn nên làm ra”. Ở xã Vĩnh Quới còn có Hợp tác xã Mãng cầu gai Kiên Hòa có diện tích canh tác gần 50ha, chuyên cung cấp trái tươi cho thị trường. Trong hợp tác xã có thành viên mở cơ sở kinh doanh đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến các sản phẩm từ trái mãng cầu. Năm 2020, sản phẩm trà mãng cầu của hộ kinh doanh Ngọc Trân của Hợp tác xã Mãng cầu gai Kiên Hòa được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cơ sở này còn sản xuất thành công nhiều sản phẩm từ trái mãng cầu như: trà mãng cầu, mứt mãng cầu, rượu mãng cầu được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong 3 năm trở lại đây, diện tích vùng trồng mãng cầu gai ở Vĩnh Quới đã mở rộng, một số ấp như Vĩnh Hòa, Vĩnh Đồng, người dân chuyển đổi trồng cây mãng cầu gai hiệu quả, cung ứng dồi dào cho thị trường. Để đảm bảo sản xuất ổn định, các hợp tác xã còn hợp tác với các hộ trồng mãng cầu trên địa bàn tạo sự liên kết, hình thành vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn để sản xuất bền vững, cung ứng số lượng lớn sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Sản phẩm mứt mận Ngọc Hạnh đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: XUÂN THANH

Năm 2021, sản phẩm mứt mận của hộ kinh doanh mứt mận Ngọc Hạnh đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến năm 2022, từ trái mận tươi, cơ sở sản xuất thêm sản phẩm ô mai mận và được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo bà Nguyễn Ngọc Hạnh, chủ hộ kinh doanh, mỗi năm cơ sở bán ra thị trường hơn 300kg cho mỗi sản phẩm. Trước đây, nguyên liệu trái mận tươi chủ yếu thu mua ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân trồng cây mận trắng mỡ - nguyên liệu làm ra sản phẩm mứt mận nên việc thu mua thuận tiện hơn, giảm được chi phí, nhất là vào thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu thụ cao, do có nguồn nguyên liệu trái tươi ổn định nên sản phẩm luôn kịp thời, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tôm một gió của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú ở xã An Thạnh Nam được xem là một trong những đặc sản của huyện Cù Lao Dung. Năm 2019, sản phẩm này đạt OCOP 4 sao. Để gìn giữ và phát triển thương hiệu, hợp tác xã xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu tôm sạch, nuôi theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế ASC, đầu tư hệ thống lò sấy, đăng ký thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm.

Ông Trần Quang Cần - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú cho biết, hợp tác xã chuyên cung ứng tôm tươi cho công ty thu mua xuất khẩu, bên cạnh đó còn mở rộng sản xuất sản phẩm tôm một gió để tạo sản phẩm mới đặc trưng. Hợp tác xã hiện có 12 thành viên và 89 thành viên liên kết, với 115ha diện tích chuyên canh tôm theo tiêu chuẩn ASC. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm, hợp tác xã còn mở rộng thu mua tôm nguyên liệu với các hộ nuôi lân cận, góp phần mở rộng, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định.

Có thể nói, Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, chuyển đổi quy mô sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Sóc Trăng hiện có 263 sản phẩm OCOP với 1 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao, 26 sản phẩm 4 sao và 236 sản phẩm 3 sao của 150 chủ thể. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững còn hạn chế. Do đó, để phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các chủ thể, địa phương chủ động trong kế hoạch sản xuất và kiểm soát được nguồn nguyên liệu, chất lượng của sản phẩm.

XUÂN THANH


Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202505/xay-dung-vung-nguyen-lieu-on-dinh-cho-san-pham-ocop-87357be/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm