Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng tầm chất lượng tham mưu chiến lược về công tác dân tộc, tôn giáo

(Chinhphu.vn) - Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh toàn diện; tạo đột phá về thể chế, nhân lực và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo – là định hướng lớn được xác định tại Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030, diễn ra sáng 14/7.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ14/07/2025

Đại hội vinh dự đón tiếp sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và 150 đại biểu chính thức – đại diện cho gần 500 đảng viên thuộc 16 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Tại Đại hội, các đại biểu đã tiến hành tổng kết toàn diện kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2020–2025, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở đó, Đại hội xác định rõ phương hướng, mục tiêu và đề ra những giải pháp mang tính đột phá cho nhiệm kỳ 2025–2030, với phương châm hành động: "Đoàn kết – Kỷ cương – Đột phá – Phát triển."

Nâng tầm chất lượng tham mưu chiến lược về công tác dân tộc, tôn giáo- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu lần thứ I Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nhiệm kỳ 2025 – 2030, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với công tác dân tộc và tôn giáo trong giai đoạn mới - Ảnh: Anh Dũng

Tinh gọn bộ máy, tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo chính trị tại Đại hội do Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr trình bày cho biết, Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập ngày 1/3/2025 trên cơ sở sáp nhập chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ vào Ủy ban Dân tộc.

Ngay sau thành lập, Bộ đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, giảm 3 tổ chức cấp vụ và 4 tổ chức cấp phòng. Hiện nay, Bộ có 13 vụ, đơn vị, gồm 9 đơn vị tham mưu và 4 đơn vị sự nghiệp công lập. Có 2 đơn vị được Bộ trưởng thành lập theo thẩm quyền và 5 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường chuyên biệt).

Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ đã tập trung thực hiện phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; phân quyền 33 nhiệm vụ; đơn giản hóa hơn 70% thủ tục hành chính và trình ban hành nhiều văn bản quan trọng, nổi bật là Nghị định 124/2025/NĐ-CP.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ủy Bộ quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, ban hành đầy đủ quy chế, quy định và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các chương trình trọng điểm, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai các kết luận mới của Ban Bí thư về công tác dân tộc, tôn giáo; tổng kết, đánh giá các chỉ thị liên quan đến tôn giáo. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tăng cường; đã hỗ trợ tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách.

Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai chương trình trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 6/2025, đã hỗ trợ 264.522/277.420 căn nhà, đạt 95,3% kế hoạch. Dự kiến cơ bản hoàn thành trước 31/8/2025, về đích sớm hơn 5 năm 4 tháng so với mục tiêu tại Nghị quyết 42-NQ/TW.

Nâng tầm chất lượng tham mưu chiến lược về công tác dân tộc, tôn giáo- Ảnh 2.

Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đại hội - Ảnh: Phạm Hải

Báo cáo chính trị cũng nêu rõ, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo vừa được thành lập trong bối cảnh có nhiều nhiệm vụ lớn, cấp bách, đòi hỏi cao, đảng viên đông, khối lượng công việc tăng. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ. Trước yêu cầu mới của nhiệm kỳ 2025–2030, Đảng bộ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 5 đột phá.

6 nhiệm vụ, gồm: Thứ nhất, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đặt mục tiêu đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ hai, chủ động nghiên cứu, tham mưu, thể chế hóa các chủ trương của Đảng; tổng kết Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 và xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2031 – 2040; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan, nhằm nâng cao đời sống, phúc lợi Nhân dân.

Thứ ba, rà soát, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo nhanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ tư, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phù hợp điều kiện vùng miền.

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

5 đột phá, gồm: Thứ nhất, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo tập trung tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương những chủ trương, chính sách lớn và đột phá chiến lược về công tác dân tộc đến năm 2045. Trọng tâm là tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW khóa IX, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV ban hành nghị quyết mới; xác định thành phần, tên gọi và danh mục các dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, đề xuất giải pháp tăng cường lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt với 5 tôn giáo lớn; trọng tâm là sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào năm 2026.

Thứ ba, đặt mục tiêu đổi mới toàn diện tư duy và khung pháp lý về công tác dân tộc, tôn giáo, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và nâng cao chất lượng sống của đồng bào vùng khó khăn.

Thứ tư, phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành.

Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Nâng tầm chất lượng tham mưu chiến lược về công tác dân tộc, tôn giáo- Ảnh 3.

Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh; đột phá về thể chế, nhân lực và hiệu lực quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - Ảnh: Phạm Hải

Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2025 – 2030

Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình phát triển công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc và tôn giáo.

Đại hội diễn ra trong bối cảnh lịch sử, khi lần đầu tiên Trung ương quyết định thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo – một tổ chức có vai trò then chốt trong việc bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số, cũng như người có tín ngưỡng, tôn giáo. Bộ trưởng khẳng định: "Mục tiêu trọng tâm là xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh toàn diện; đồng thời tạo ra những đột phá mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên hai lĩnh vực then chốt: dân tộc và tôn giáo".

Xuyên suốt nhiệm kỳ, Đảng bộ xác định nhiệm vụ cốt lõi là bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc, tạo nền tảng để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế – xã hội trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền không tín ngưỡng của mọi người dân theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội.

Nâng tầm chất lượng tham mưu chiến lược về công tác dân tộc, tôn giáo- Ảnh 4.

Ban chấp hành Đảng bộ khoá II, nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt Đại hội - Ảnh: Phạm Hải

Tại Đại hội, các Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã được công bố, qua đó xác lập cơ cấu tổ chức lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhiệm kỳ 2025–2030 gồm 23 đồng chí. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2025–2030.

Sơn Hào


Nguồn: https://baochinhphu.vn/nang-tam-chat-luong-tham-muu-chien-luoc-ve-cong-tac-dan-toc-ton-giao-102250714124229888.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm