Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nên giao kì thi tốt nghiệp THPT cho địa phương

TP - Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các chuyên gia và nhà quản lý đề xuất phân cấp hoàn toàn kì thi tốt nghiệp THPT về địa phương.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong24/05/2025

Không trái luật

Bộ GD&ĐT vừa đăng tải hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2019 lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Điểm đáng chú ý của dự thảo này là bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS xác nhận hoàn thành chương trình thay cho việc Trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT cấp bằng tốt nghiệp thay cho Giám đốc Sở GD&ĐT.

Việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế. Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi…

Từ việc phân cấp công nhận hoàn thành chương trình THCS, cấp bằng tốt nghiệp THPT, dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT cũng nên phân cấp hoàn toàn kì thi tốt nghiệp THPT cho địa phương. Cuối tháng 11/2023, tại cuộc họp báo về phương án tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (năm đầu tiên thực hiện thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) của Bộ GD&ĐT, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng khẳng định, Bộ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình để tiến tới giao kì thi về cho các địa phương. Theo ông Chương khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kì thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kì thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Đây là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ thực hiện lộ trình phân cấp mạnh mẽ này.

TS Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên giao hoàn toàn kì thi tốt nghiệp THPT cho địa phương. Để làm được điều này, Bộ phải tách độc lập đơn vị khảo thí (thuộc Cục Quản lí chất lượng, nơi ra đề thi tốt nghiệp THPT). Đơn vị khảo thí này trực thuộc nhà nước, có nhiệm vụ ra đề thi để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, giống như tổ chức khảo thí của Hoa Kỳ (ETS). Bộ GD&ĐT đang có vai trò vừa đá bóng, vừa thổi còi trong việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

TS Đặng Tự Ân đề xuất, đơn vị khảo thí cần được tách độc lập với Bộ GD&ĐT để đánh giá khách quan chất lượng đào tạo cùng với việc giao kì thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn cho địa phương.

Một chuyên gia đề xuất, Bộ GD&ĐT chỉ nên có trách nhiệm ban hành quy định khung thời gian tổ chức thi phù hợp với kế hoạch năm học (lịch tổ chức thi chung) để bảo đảm thống nhất trong cả nước; ban hành khung quy chế thi và hướng dẫn tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp; ban hành cấu trúc, định dạng đề thi và đề thi tham khảo; ban hành kế hoạch thanh kiểm tra và phân tích dữ liệu kết quả để đánh giá chất lượng và yêu cầu giải trình khi cần thiết.

Nhiệm vụ của địa phương là thực hiện tất cả các khâu của kì thi theo quy chế thi và hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT trong đó có nhiệm vụ tự ra đề thi theo quy định Bộ GD&ĐT; có thể sử dụng đề thi của các địa phương khác trong cùng đợt thi của kì thi. Tổ chức kì thi vào các thời điểm phù hợp với địa phương trong khung thời gian do Bộ GD&ĐT quy định. Việc này hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và giao quyền chủ động cho địa phương.

Bộ GD&ĐT nắm điểm trọng yếu

Thực tế, từ năm 2023 đến nay, vai trò của Bộ GD&ĐT trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT không thay đổi. Bộ có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kì thi; quyết định phương án xử lí các trường hợp đặc biệt và các tình huống bất thường khác; cung cấp các hệ thống phần mềm, văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn để phục vụ công tác tổ chức thi bảo đảm thống nhất trên toàn quốc; thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra kì thi.

Nên giao kì thi tốt nghiệp THPT cho địa phương ảnh 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: NGỌC TÚ

Năm 2020, khi chuyển kì thi THPT quốc gia gồm 2 mục đích xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH thành kì thi tốt nghiệp THPT do những bất cập trong việc đề thi khó có thể gánh được 2 mục tiêu khác nhau. Khi đó, Bộ GD&ĐT khẳng định, kì thi tốt nghiệp THPT có mục đích xét tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng đào tạo phổ thông. Về tuyển sinh, các trường ĐH có thể sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, sau 4 kì thi, đến năm nay, dường như mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT bắt đầu quay về mục tiêu của kì thi THPT quốc gia.

Tại cuộc làm việc với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT 2025 hôm 22/5, Thứ trưởng thường trực Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, công tác ra đề thi phải bảo đảm đánh giá đúng năng lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thể hiện rõ độ phân hóa để phục vụ tốt cả mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Như vậy, khó có thể có chuyện Bộ “buông” kì thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn cho địa phương. Bởi theo lí luận của Bộ, địa phương cơ bản đã chịu trách nhiệm các khâu in sao đề, coi thi, chấm thi, kiểm tra, phúc khảo, xét tốt nghiệp THPT, công bố. Bộ chỉ ban hành văn bản pháp luật, thanh kiểm tra. Tổ chức 1 kì thi như hiện nay giảm tốn kém, đảm bảo công bằng.

Thực chất, dù địa phương chịu trách nhiệm lớn về kì thi nhưng Bộ đang nắm yếu tố trọng yếu là ra đề thi. Việc này sẽ quyết định Bộ có quyền chi phối kì thi thực hiện một mục tiêu xét tốt nghiệp THPT hay đa mục tiêu bao gồm cả việc ràng buộc các trường ĐH lấy kết quả xét tuyển sinh ĐH.

Nguồn: https://tienphong.vn/nen-giao-ki-thi-tot-nghiep-thpt-cho-dia-phuong-post1744940.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm