Để tiến nhanh, tiến chắc, vững bước trong kỷ nguyên mới, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS), Vĩnh Phúc đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đưa phong trào “Bình dân học vụ số” đi vào chiều sâu.
Hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số", Thành Đoàn Vĩnh Yên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Ảnh Trà Hương
Mặc dù tuổi đã cao nhưng với sự giúp đỡ, hướng dẫn của các con và tinh thần không ngừng học hỏi, ông Nguyễn Văn Dự, xã Đồng Cương (Yên Lạc) đã sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh để phục vụ nhu cầu giải trí, tìm hiểu thông tin, kết nối, liên lạc với người thân, bạn bè.
Ông Dự cho biết: “Tôi có con đang làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua chiếc điện thoại thông minh tôi có thể thường xuyên gọi điện, trò chuyện, nhìn thấy con nên cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ. Ngoài ra, tôi còn thường xuyên sử dụng điện thoại để đọc sách, báo, xem các chương trình giải trí, tìm kiếm thông tin về chăm sóc sức khỏe; sử dụng ứng dụng số của ngân hàng để kiểm tra tài khoản nhận lương hưu và thực hiện thanh toán hóa đơn tiền điện, nước hằng tháng...”.
Tới thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" UBND phường Khai Quang (Vĩnh Yên), chị Vũ Thị Hiền được công chức phường tận tình hướng dẫn cách nộp hồ sơ trực tuyến. Nhờ đó, chị đã nhanh chóng hoàn thành việc nộp hồ sơ mà không cần thực hiện nhiều bước kê khai và in sao các loại giấy tờ để nộp kèm theo như trước đây.
Chị Hiền cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ làm thủ tục trực tuyến sẽ rất phức tạp nhưng khi thực hiện dưới sự hướng dẫn của cán bộ thì thấy khá đơn giản và tiện lợi. Sau này, nếu cần phải thực hiện các thủ tục tương tự, tôi hoàn toàn có thể tự nộp trực tuyến được”.
Trong bối cảnh CĐS sâu rộng, phổ cập tri thức số không chỉ giúp người dân khai thác tốt lợi ích của công nghệ mà còn góp phần nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, tạo nền tảng thúc đẩy CĐS sâu rộng.
Xác định được điều đó, những năm qua, Vĩnh Phúc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của CĐS; khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình CĐS, đầu tư, trang bị, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ số.
100% xã, phường, thị trấn của tỉnh đã xây dựng mô hình tuyên truyền về CĐS; 1.240 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập và hợp nhất với các Tổ công tác Đề án 06 với sự tham gia của gần 9.900 thành viên đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về CĐS và hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng công nghệ số để phục vụ các nhu cầu thiết yếu.
Từ nhận thức rõ về ý nghĩa của CĐS và được hỗ trợ, phổ cập kỹ năng số, ngày càng nhiều người dân sẵn sàng đón nhận những công nghệ mới, giá trị mới do CĐS mang lại, trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu thuê bao điện thoại di động; khoảng 290.000 thuê bao internet băng rộng cố định và 1,1 triệu thuê bao internet băng rộng di động. Bên cạnh đó, hơn 762.000 tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt; hơn 176.000 người dân đã lập tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh
Tỷ lệ công dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 68%; hơn 96% dân số trên địa bàn tỉnh được tạo lập và cập nhật dữ liệu trên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt đạt gần 90%; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt hơn 73%; tỷ lệ nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến đạt khoảng 63%.
Ngày 18/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phát động, thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số” với trọng tâm phổ cập tri thức cơ bản về CĐS đến mọi tầng lớp nhân dân cùng kỳ vọng trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số, nhất là cho các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ.
Lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" mang trong mình sứ mệnh "xóa mù CĐS”, phổ cập kỹ năng số, thu hẹp khoảng cách số, hình thành cộng đồng thích ứng với CĐS, giúp mọi người dân có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số một cách hiệu quả, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Phong trào “Bình dân học vụ số” có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Để phong trào được triển khai sâu rộng, hiệu quả, Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong triển khai phong trào; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng số, chủ động tham gia vào không gian số, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người dân; phát huy vai trò các Tổ công nghệ số cộng đồng trong thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”, triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực giúp người dân tiếp cận công nghệ, thiết bị số một cách đơn giản, dễ hiểu, xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống…
Lê Mơ
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126295/Nen-tang-phat-trien-ben-vung-trong-ky-nguyen-so
Bình luận (0)