Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân hàng loay hoay trước bài toán tài sản số...

Nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn các ngân hàng chấp nhận tài sản số như tiền mã hóa hay phần mềm làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tuy nhiên, do khung pháp lý hiện nay chưa đầy đủ và mức độ rủi ro còn quá cao, các ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt và chưa sẵn sàng triển khai.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông08/05/2025

Doanh nghiệp khát vốn, ngân hàng dè dặt

Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam – chia sẻ rằng, hiện có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ đang sở hữu những sản phẩm phần mềm có giá trị thương mại cao.

Tuy nhiên, các tài sản số này lại không được ngân hàng công nhận là tài sản đảm bảo, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Không ít doanh nghiệp cũng mong muốn phát hành token để huy động vốn toàn cầu, nhưng kế hoạch này vẫn chưa thể triển khai do hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Trong khi đó, cuộc đua công nghệ số toàn cầu đang ngày càng tăng tốc.

“Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan chức năng sớm ban hành quy định về định danh và định giá tài sản số. Khi đó, doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất – kinh doanh cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này, dòng vốn từ ngân hàng sẽ chảy mạnh hơn vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Hùng đề xuất.

Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã bước đầu xây dựng khái niệm về tài sản số và quyền sở hữu tài sản này – một bước tiến quan trọng mở đường cho các giao dịch bảo đảm trong tương lai. TS. Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định: “Đây là tiền đề để từng bước hoàn thiện khung pháp lý, giúp tài sản số trở thành công cụ huy động vốn hiệu quả”.

Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam nên nghiên cứu xây dựng một đạo luật hoặc nghị định riêng về tài sản số, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên như nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư, đồng thời siết chặt yêu cầu cấp phép hoạt động và cơ chế giám sát nhằm phòng ngừa rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các sàn giao dịch tài sản số cũng cần phải đăng ký và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Về giải pháp ngắn hạn, có thể xem xét ban hành cơ chế sandbox – cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong thời gian 3 – 5 năm.

Qua đó, có thể đánh giá, điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới công nghệ và kiểm soát rủi ro. Giai đoạn thử nghiệm nên ưu tiên các loại tài sản số có tính thanh khoản cao, đồng thời cân nhắc việc thành lập một cơ quan chuyên trách giám sát thị trường tài sản số, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về vốn, quản trị rủi ro và phòng chống rửa tiền.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho biết, về lý thuyết, tài sản có thể được thế chấp nếu đáp ứng hai điều kiện: có quyền sở hữu và không bị cấm giao dịch. Tiền mã hóa đáp ứng hai điều kiện này, nên hoàn toàn có thể trở thành tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế không ngân hàng nào chấp nhận loại tài sản này, bởi rủi ro quá lớn và hiện vẫn nằm ngoài khuôn khổ pháp lý do Ngân hàng Nhà nước định hướng.

“Nhận tài sản đảm bảo là để giảm thiểu rủi ro. Nhưng nếu chính tài sản đó lại chứa đựng nhiều rủi ro, thì sự thận trọng của ngân hàng là điều dễ hiểu”, ông Đức nêu quan điểm.

Ngân hàng loay hoay trước bài toán tài sản số và tiền mã hóa
 Do khung pháp lý hiện nay chưa đầy đủ và mức độ rủi ro còn quá cao, các ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt và chưa sẵn sàng triển khai.

Thí điểm có thể thực hiện, nhưng chỉ phù hợp với các quỹ đầu tư

Ông Giacomo Merello – Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy Kinh doanh Tài sản Kỹ thuật số Antigua và Barbuda, đồng thời là Đặc phái viên kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Singapore – cho biết, hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã cho phép sử dụng tài sản số, trong đó có tiền mã hóa, làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng.

Đơn cử, Singapore đã công nhận stablecoin như một loại tài sản hợp pháp. Tại Thụy Sĩ, các ngân hàng cũng được phép cung cấp các khoản vay có bảo lãnh bằng tiền mã hóa, tuy nhiên hình thức này chủ yếu áp dụng cho các quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn, chưa phổ biến đối với cá nhân nhỏ lẻ.

Cũng theo ông Merello, việc chấp nhận tiền mã hóa làm tài sản đảm bảo hiện chỉ được triển khai tại một số ngân hàng số – phần lớn là ngân hàng quy mô nhỏ hoặc trung bình – và chỉ dành cho nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại truyền thống với quy mô lớn vẫn giữ thái độ thận trọng, chưa mặn mà với việc đưa tài sản số vào danh mục tài sản thế chấp. Riêng tại Việt Nam, khả năng các ngân hàng tham gia lĩnh vực này hiện vẫn còn rất hạn chế.

Mới đây, khi trả lời cổ đông về khả năng tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số – dự thảo đang được Bộ Tài chính nghiên cứu – lãnh đạo Ngân hàng BIDV khẳng định, với vai trò là ngân hàng thương mại trong nước, BIDV sẵn sàng phối hợp với các cơ quan quản lý để triển khai.

Tuy nhiên, BIDV sẽ không thành lập công ty riêng để vận hành sàn giao dịch này do yêu cầu vốn lớn, kỹ thuật phức tạp và nhiều yếu tố liên quan. Thay vào đó, ngân hàng sẽ tham gia thị trường ở vai trò cung cấp dịch vụ thanh toán và các nghiệp vụ hỗ trợ khác. Việc xây dựng và vận hành sàn giao dịch, theo lãnh đạo BIDV, sẽ phù hợp hơn với khu vực tư nhân.

Sự thận trọng của hệ thống ngân hàng đối với tài sản số – đặc biệt là tiền mã hóa – là điều dễ hiểu trong bối cảnh thị trường này còn nhiều biến động và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.

Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của tài sản số, Việt Nam vẫn cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả lĩnh vực này. Tùy vào khẩu vị rủi ro, mỗi ngân hàng có thể lựa chọn mức độ tham gia phù hợp.

Luật sư Vũ Văn Tính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Salus – đề xuất cần bổ sung định nghĩa "tài sản số" vào Bộ luật Dân sự, đồng thời ban hành luật hoặc nghị định riêng về loại tài sản này.

Ngoài ra, ông kiến nghị xây dựng cơ chế sandbox, cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính được thí điểm triển khai cho vay thế chấp bằng tài sản số trong giai đoạn 3–5 năm nhằm đánh giá hiệu quả và rủi ro trước khi mở rộng triển khai trên diện rộng.

Nguồn: https://baodaknong.vn/ngan-hang-loay-hoay-truoc-bai-toan-tai-san-so-va-tien-ma-hoa-251963.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm