Tuy nhiên, đến nay, nghề này chỉ còn trong hồi ức của những người già, cùng với đó là những chiếc khung cửi minh chứng cho một thời hoàng kim của nó trên vùng đất mới.
Theo chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm 80 của thế kỷ XX, đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc đã đi vào Gia Lai xây dựng vùng kinh tế mới. Họ sống tập trung thành làng ở các huyện: Chư Prông, Phú Thiện, Đak Pơ, Ia Pa... Trong một lần đi sưu tầm hiện vật tại làng Kơ Nia (xã Ia Trốk), chúng tôi (viên chức nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh) đã được “mục sở thị” những sản phẩm dệt của người Tày ở đây.

Bà Hoàng Thị Nghiêu (75 tuổi) giới thiệu với chúng tôi chiếc khung cửi đã gắn bó với gia đình bà từ những năm 90 của thế kỷ trước. Bà Nghiêu cho biết: Đây là chiếc khung cửi mà người chồng đã khuất của bà đã tự tay làm ra. Chiếc khung cửi truyền thống của người Tày rất cồng kềnh, khó vận chuyển từ ngoài Bắc vào. Vậy nên, sẵn có nghề mộc và nguồn gỗ tự nhiên, chồng bà đã làm chiếc khung cửi đơn giản để bà dệt vải cho đỡ nhớ nghề, nhớ quê.
“Tôi biết dệt vải từ khi 15 tuổi. Những năm mới vào Gia Lai lập nghiệp, đời sống khó khăn, hàng hóa khan hiếm nên những hộ dân nơi đây vẫn tự tay dệt vải để may quần áo, làm vỏ chăn, địu trẻ, khăn trải giường, túi nải, giày vải...
Trước kia, bà con dệt thổ cẩm bằng sợi bông nhuộm chàm hoặc sợi tơ tằm đã được nhuộm màu. Sau này, giá tơ tằm đắt nên dần chuyển sang dùng len để dệt. Riêng trang phục truyền thống của người Tày, chúng tôi vẫn phải dùng sợi bông để dệt rồi sau đó nhuộm chàm và hầu như không có hoa văn trang trí”-bà Nghiêu chia sẻ.
Những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu trong sự kiện quan trọng của người Tày ở làng Kơ Nia như: đám cưới, lễ đầy tháng, đầy năm, đám tang... Theo bà Nghiêu, thông thường dệt 1 tấm vải mất hơn 1 tháng, trải qua nhiều công đoạn từ việc trồng bông, se bông đến quay sợi rồi dệt vải. Tấm vải dệt xong nếu dùng để may áo, may chăn, sẽ được nhuộm màu xanh và thêu những hoa văn nhiều màu sắc.
Ngoài ra, người Tày còn biết dùng những dụng cụ thô sơ, tự tạo bằng tre, nứa... để dệt ra những hoa văn trang trí phong phú, đa dạng và độc đáo, chứa đựng giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Để minh chứng cho điều mình vừa nói, bà Nghiêu khoe với chúng tôi sản phẩm trước đây bà đã dệt. Những tấm vải mới tinh với đủ màu sắc, được dệt thủ công tỉ mẩn, gấp cẩn thận và cất giữ kỹ càng để dành cho gia đình sử dụng. Bà còn cho chúng tôi xem những cuộn len, chỉ đủ màu sắc đã mua từ lâu mà chưa sử dụng đến, giờ chỉ cất làm kỷ niệm bởi không còn làm nghề.
Tương tự, bà Má Thị Hiếu cũng cho hay: Trước đây, các gia đình người Tày ở làng Kơ Nia đều có 1 khung cửi dệt vải. Sau này, vì không có nhu cầu sử dụng nên nhiều nhà đã bỏ đi. Còn ông Ksor Minh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Trốk thì thông tin: Hiện nay, làng Kơ Nia có khoảng trên 10 hộ dân người Tày còn giữ được khung cửi. Người biết dệt đều là những phụ nữ lớn tuổi, người trẻ hầu hết đều không biết nghề.
Những năm gần đây, sản phẩm may mặc rất đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu và màu sắc nên người dân thường mua hàng may sẵn. Làng Kơ Nia không còn vang lên tiếng thoi dệt vải như xưa. Những người già nơi đây mỗi lúc nhớ nghề lại đến lau chùi khung cửi, ngồi dệt những tấm vải xô trắng để làm khăn tang, phòng khi trong làng có tang ma. Bởi theo phong tục của người Tày, các gia đình bắt buộc phải sử dụng khăn tang dệt bằng sợi bông truyền thống của người Tày.
Trong cuộc sống hiện đại, các nghề truyền thống đang ngày càng bị mai một, trong đó có nghề dệt vải của người Tày ở Ia Trốk. Là những người làm công tác bảo tàng, chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm sưu tầm, lưu giữ những công cụ dệt vải ở đây, góp phần giới thiệu với mọi người về nghề dệt vải của người Tày trên mảnh đất ở Đông Nam tỉnh.
Nỗ lực phục hồi nghề truyền thống
Làng Hle giữ nghề đan lát truyền thống
Ia Pết giữ gìn, phát huy nghề đan lát truyền thống
Nguồn: https://baogialai.com.vn/nghe-det-vai-cua-nguoi-tay-o-ia-trok-post318936.html
Bình luận (0)