Nghề dệt zèng của đồng bào Tà Ôi ở A Lưới

Việt NamViệt Nam05/09/2024

Trong văn hóa của người Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tấm zèng (thổ cẩm) được coi là thước đo nhiều giá trị trong đời sống. Để làm ra loại zèng bền đẹp, có họa tiết, hoa văn tinh tế những người phụ nữ Tà Ôi phải trải qua nhiều công đoạn công phu, cầu kỳ.
 
Dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Chúng ta hãy cùng Vietnam.vn về với A Lưới để thực hiện dệt zèng cùng đồng bào Tà Ôi qua bộ ảnh " Nghề dệt zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" của tác giả Lê Tấn Thanh chụp tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế. Những sản phẩm từ tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền; họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.  Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Vào tháng 9 hàng năm, người Tà Ôi thu hoạch bông trên rẫy và se sợi, sau đó đem nhuộm và hồ. Những tấm zèng có các màu chủ yếu: Đen, trắng, vàng, đỏ, xanh lá và tím. Mỗi màu được chế từ các loại cây, lá trong thiên nhiên như vỏ và lá cây ta-râm cho màu đen, củ cây a-rác cho màu vàng, màu đỏ lấy từ củ cây a-chất… Để sợi vải nhuộm giữ được độ bền màu sắc, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm chế tác lâu năm, sử dụng nhiều loại phụ gia như vỏ ốc đá, bột sắn hoặc bột nếp khô…
Từ những sợi vải đã nhuộm màu, người phụ nữ Tà Ôi mới lên khung dệt vải. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng, ví như tấm zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà ÔI phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.

Dệt zèng không chỉ là một nghề thủ công đơn thuần, mà còn là thước đo để đánh giá nhiều giá trị trong đời sống của người Tà Ôi.

Nét đặc trưng lớn nhất của thổ cẩm Tà Ôi so với các tộc người khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là những tấm zèng dệt có kích thước lớn, và hệ thống hoa văn trang trí đa dạng, phong phú. Những hoa văn trên zèng được người làm giải thích là hình tượng mặt trời, ngọn núi, con sông, con dốc, loại cây, các loài muông thú hoặc linh vật.

Khung dệt của người Tà Ôi được làm bằng khung tre hoặc gỗ rời, khá đơn giản và gọn nhẹ. Nhờ vậy phụ nữ Tà Ôi có thể mang bộ khung dệt tới bất cứ đâu và dệt bất cứ khi nào thấy thuận tiện. Nghề dệt zèng của người Tà Ôi khiến nhiều nhà nghiên cứu say mê, bởi sự "cổ xưa" kỳ lạ và sự độc đáo.
Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với bản làng. Những tấm zèng không chỉ thể hiện sự khéo léo, tính cần mẫn, kiên trì của những người phụ nữ Tà Ôi mà còn góp phần tôn tạo, lưu giữ những nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tà Ôi.
 
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc. Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau: – 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ – 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ – 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ – 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ – 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.

Vietnam.vn


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available