Bà con ven biển mưu sinh trên bãi bồi xã Đa Lộc (Hậu Lộc).
Chiều hôm trước, khi thủy triều dâng cao, anh Thuận ra biển đặt 60 cái lú, cách bờ gần 4km. Khi màn đêm buông xuống, tranh thủ thủy triều rút anh ra thu lú về. Do phù sa bồi đắp, nhiều sình lầy không thể lội hàng km nên bà con xã Đa Lộc đã dùng vài tấm ván gỗ mỏng ghép lại thành phương tiện di chuyển, gọi nôm na là xe trượt bùn. Chất đồ nghề lên xe trượt bùn, anh Thuận một chân đứng lên chiếc ván, chân còn lại đạp xuống bùn để đẩy chiếc ván lao tới phía trước. Anh Thuận giới thiệu: "Bãi bồi toàn bùn lầy, thậm chí sỏi, đá trải dài cả km. Nếu lội bộ, mỗi người cùng lắm chỉ đi khoảng vài chục mét là oải. Phương tiện này nếu lướt khỏe, mỗi lần đạp chân cũng đi được vài mét, nhanh và tiện lắm”.
Chừng gần nửa tiếng, anh Thuận tới chỗ neo bè. Đặt chiếc xe trượt bùn lên mô đất cao, anh lên bè ra chỗ đặt lú và bắt đầu “thu hoạch”. Đều đặn kéo lú lên, anh trút “chiến lợi phẩm” nào cua, ghẹ, tôm tít, cá, mực vào chiếc thùng xốp. “Biển giờ chỉ có nhiêu đó thôi, mong là đủ ngày công. Nghề biển ăn trên bọt nước, trời thương thì được no, không thương thì đói. Hôm nào trúng cá thì không thấy mệt gì cả. Cứ mang cá về cho vợ bán rồi tiếp tục ra biển" - anh Thuận chia sẻ.
Khi những chiếc lú cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước loang loáng, anh Thuận trở vào đặt chiếc thùng xốp và đống lú lên xe trượt để vào bờ. Vào đến bờ mặt trời cũng đã ló rạng. Trên bờ đê, vợ anh là chị Bùi Thị Huệ và các thương lái đang đợi sẵn để chờ mua hàng. Tôm, cá được đổ ngay trên nền xi măng để thương lái chọn. Anh Thuận nhẩm tính: "Hôm nay chắc được 500.000 đồng, trừ tiền dầu còn 400.000 đồng. Đi biển bữa được, bữa không nhưng thương lái lúc nào cũng ép giá mua”.
Bán xong mớ hải sản, vợ chồng anh Thuận về nhà cách đó vài trăm mét. Nghỉ trưa một lát, anh lại cặm cụi vá lú bị rách để đến cuối chiều lại ra biển đặt lú. Gia đình anh Thuận, chị Huệ là một trong số hàng trăm hộ có cuộc sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bãi bồi. Gom góp vốn liếng, gia đình anh sắm hơn 60 cái lú. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, anh dùng lú loại thưa, chỉ bắt các loại cá lớn, như: cá ngát, cá chai, cá hố. Nếu may mắn, với hơn 60 chiếc lú một đêm anh Thuận có thể kiếm gần 1 triệu đồng. “Nghề này ngoài đầu tư mua lú, gia đình tôi phải mua thêm bè chạy bằng động cơ. Nếu mua ngư cụ đã qua sử dụng thì rẻ hơn nhưng lại mất công tu bổ và không an toàn nên tôi chọn mua mới, khá tốn kém. Mưu sinh ở biển, trời yên biển lặng thì còn kiếm được con cua, con cá nhưng khi sóng lớn và dòng hải lưu gần bờ thỉnh thoảng cuốn trôi cả dàn lú, thiệt hại có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng bù lại, thu nhập từ nghề lú khá hơn các nghề khai thác thủ công khác” - anh Thuận trải lòng.
Anh Vũ Văn Thuận, thông Đông Hải, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) trở về nhà sau chuyến biển.
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc: Vùng bãi bồi xã Đa Lộc là nơi nuôi sống hàng trăm hộ gia đình các thôn Đông Hải, Đông Tân, Ninh Phú trong nhiều năm qua. Đa số các hộ dân gắn bó với bãi bồi đều không có tư liệu sản xuất, không trình độ, không vốn liếng... Bà con xem nơi đây là mảnh ruộng, vườn nhà mà tận dụng, khai thác. Từ đầu năm đến nay, vùng bãi bồi mang về cho bà con các thôn thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng/hộ, các hộ có đầu tư ngư lưới cụ thì thu nhập cao hơn”.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nghe-lu-bai-boi-248894.htm
Bình luận (0)