Ông Trần Văn Khoắn (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) có cuộc sống ổn định từ nghề nuôi trâu
Tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống
Long Hựu Tây là 1 trong 2 xã thuộc cù lao Long Hựu, huyện Cần Đước. Vùng này được bao bọc bởi dòng kênh Nước Mặn và sông Vàm Cỏ. Mỗi năm, địa phương có 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt. Nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Đất đai thì nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được một vụ lúa, năng suất rất thấp. Đến thời điểm này, xã vẫn còn hơn 300ha đất bỏ hoang không trồng được bất cứ loại cây trồng nào.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước - Lê Văn Tuấn cho biết: “Đất bị nhiễm phèn nặng, cộng với thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nên nuôi heo, trồng khóm,... đều thất bại. Chỉ có nghề nuôi trâu là phát triển và mang lại thu nhập ổn định cho người dân".
Nghề nuôi trâu ở Long Hựu Tây theo kiểu “cha truyền con nối”, tính đến nay cũng ngoài trăm năm tuổi. Nghe nhiều cụ cao niên nói, cách đây khoảng 50 năm, nghề nuôi trâu phát triển mạnh, cứ 10 nhà thì có đến 6 nhà nuôi trâu.
Ông Trần Văn Khoắn (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Hồi trước, khi mới ra riêng với hai bàn tay trắng, nhờ nghề nuôi trâu mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định như bây giờ. Từ một con trâu ban đầu sinh sản nhiều con trâu khác, cứ thế, vợ chồng tôi bán một con trâu mua được một công đất. Còn tiền trâu cày ruộng thuê thì dùng trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Hiện gia đình vẫn nuôi 10 con trâu, mặc dù nguồn thu nhập không rủng rỉnh như ngày xưa nhưng cũng có thể bỏ túi 30-40 triệu đồng/năm”.
Nếu ở các vùng đất khác, nuôi trâu cần phải có người chăn thì ở Long Hựu Tây lại không cần. Bởi trâu đã quen tập quán, sáng tự đi kiếm ăn, chiều tự về chuồng. Ông Khoắn cho biết thêm: “Người nuôi không cần tốn công chăm sóc nhiều, chỉ cần sáng mở chuồng, chiều bỏ mùng cho trâu là được. Còn lại trâu tự đi ăn trên các cánh đồng cỏ bỏ hoang rồi tự về chuồng”.
Giữ gìn nghề truyền thống
Gắn bó với nghề nuôi trâu ngót nghét hơn nửa đời người, ông Võ Văn Đạt (xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước) xem trâu là người bạn đồng hành. Giờ cơ giới hóa phát triển đồng bộ, con trâu không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề nuôi trâu cũng không còn thịnh vượng như xưa nhưng ông Đạt chưa bao giờ có ý định bỏ nghề.
Ông Đạt trải lòng: “Hồi đó, sau mỗi vụ cày, gia đình mua được cả cây vàng. Với tôi, mỗi buổi sáng mở chuồng cho trâu đi ăn, chỉ cần nhìn thấy đàn trâu là tâm trạng phấn khởi, vui vẻ. Nuôi trâu chính là nghề “cha truyền con nối” nên chừng nào không còn sức khỏe thì tôi mới nghỉ nuôi trâu”.
Hiện ông Đạt có gần 10 con trâu cái, trung bình, hàng năm sinh sản từ 4-5 con. Nghé nuôi khoảng một năm tuổi có thể bán với giá 8-10 triệu đồng/con. Ngoài ra, ông còn nuôi trâu vỗ béo, bán 35-40 triệu đồng/con. Nhẩm tính, ông thu về lợi nhuận 40-50 triệu đồng/năm từ nghề nuôi trâu.
Xác định nuôi trâu thích hợp với vùng đất Long Hựu và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, UBND xã tham mưu huyện thực hiện dự án Nuôi trâu vỗ béo, với 15 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Theo đó, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 1 con trâu giống. Bà Võ Thị Ngọc Cẩm là hộ cận nghèo ở xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, nói: “Tôi là mẹ đơn thân, không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bấp bênh. Được UBND xã hỗ trợ 1 con trâu giống làm kế sinh nhai, tôi sẽ chăm sóc tốt để tăng đàn, góp phần tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững”.
Cơ giới hóa các khâu trong làm lúa nên con trâu giờ không còn phục vụ sản xuất, nghề nuôi trâu cũng chẳng còn như xưa nhưng nó vẫn là đầu cơ nghiệp. Để rồi, trên những cánh đồng, hình ảnh đàn trâu thong dong ăn cỏ vừa là hình ảnh quen thuộc ở vùng cù lao Long Hựu, vừa là nguồn thu nhập của người dân./.
Lê Ngọc
Nguồn: https://baolongan.vn/nghe-nuoi-trau-o-cu-lao-long-huu-a194900.html
Bình luận (0)