Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghị quyết 57 - Đột phá mạnh mẽ cho sản phẩm 'Made in Vietnam'

(PLVN) - Để thực hiện được nhiều mục tiêu quyết liệt theo Nghị quyết 57, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, “khoa học công nghệ thay vì ở trên trời, đi từ trời xuống đất thì phải có một chiều nữa là đi từ đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học. Đồng nghĩa với việc lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ...”.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam25/05/2025

Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50%

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Theo đó, việc đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết, sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả. Bộ KH&CN có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, nhiệm vụ KHCN, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực.

Cùng đó, việc chuyển từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Việc triển khai các nhiệm vụ này được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.

Để thực hiện được nhiều mục tiêu mạnh mẽ, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khoa học công nghệ thay vì ở trên trời, đi từ trời xuống đất thì phải có một chiều nữa là đi từ đất đi lên, từ đổi mới sáng tạo tới phát triển công nghệ rồi tới nghiên cứu khoa học. Thay vì chỉ đi một chiều như trước đây là xuất phát từ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, thì lần này tập trung vào một chiều mới là lấy thị trường, định hướng sản phẩm làm động lực, làm định hướng cho phát triển công nghệ, xác định các bài toán nghiên cứu liên quan.

“Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước XHCN phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20.000 - 25.000 USD vào năm 2045. Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa thì chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam và qua đó mà KHCN của nước nhà phát triển, đất nước phát triển”, Bộ trưởng nói.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu có những chia sẻ về Nghị quyết 57. Là một trong số các nhà khoa học nữ được vinh dự trực tiếp tham dự Hội nghị với Tổng Bí thư Tô Lâm, bà nhận thức rõ sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với sự tồn vinh của khoa học Việt Nam. Theo TS, Nghị quyết 57 là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội và định hướng chiến lược cho các nhà khoa học đóng góp vào động lực xây dựng và phát triển của đất nước. Nghị quyết 57 khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ cho hành trình khám phá tri thức. Như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nghiên cứu là quá trình khám phá bí mật của tự nhiên, còn phát triển công nghệ là không gian sáng tạo của con người.

Trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, nhận định này càng có ý nghĩa khi biến đổi khí hậu đang diễn ra rõ rệt: nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối tháng 4/2025 đã tăng 1,58°C so với mức tiền công nghiệp, vượt ngưỡng Thỏa thuận Paris; các hiện tượng thời tiết cực đoan như siêu bão Yagi 2024 gây thiệt hại nghiêm trọng là minh chứng cho sự mất cân bằng do con người khai thác tài nguyên quá mức.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh ba định hướng quan trọng, đó là tăng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ nghiên cứu và chuyển đổi số, tạo nền tảng cho phát triển công nghệ. “Cởi trói” thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất ý tưởng mới. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng mạng lưới nghiên cứu và đưa các vấn đề của Việt Nam ra toàn cầu để cùng tìm giải pháp...

Từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm chủ công nghệ AI của người Việt

Tại Ngày hội Khoa học Công nghệ vừa qua, 10 cá nhân, doanh nghiệp đã được vinh danh những sản phẩm tiêu biểu năm 2024. Đó là Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) với những đóng góp trong lĩnh vực Dược phẩm, đặc biệt là dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư tự sản xuất. Thành tựu này không chỉ giúp giảm tới 60% chi phí điều trị cho bệnh nhân Việt Nam mà còn khẳng định năng lực tự chủ công nghệ dược phẩm nước nhà.

VNPT Technology đã gây tiếng vang quốc tế với thiết bị đầu cuối XGS-PON Wi-Fi 7 iGate XSW050-Q - sản phẩm đầu tiên trên thế giới được ra mắt tại MWC 2025. Đây là minh chứng cho năng lực đổi mới sáng tạo, hứa hẹn mang lại trải nghiệm vượt trội và tiềm năng doanh thu lớn cho ngành viễn thông Việt Nam.

MedCAT với nền tảng MEDCAT IDUS và giải pháp MedCAT AI Insurance. Công ty đã tạo ra một cuộc cách mạng trong xử lý dữ liệu y tế và bảo hiểm. Ứng dụng AI và NLP giúp tăng năng suất xử lý yêu cầu bồi thường gấp 5 lần, một đóng góp xuất sắc cho chuyển đổi số quốc gia và đã được vinh danh tại AI Awards 2024; Top 10 toàn cầu tại giải AI Everything Abu Dhabi 2025.

Nhóm tác giả Công trình “Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi” với đại diện là PGS.TSKH Vũ Cao Minh mang đến giải pháp mang đậm giá trị nhân văn và thực tiễn cao. Công trình này đã “cứu cánh” cho các vùng núi cao thiếu nước, giúp hàng nghìn hộ dân ổn định đời sống, phát triển nông nghiệp bền vững, vừa nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Đó là Công ty Cổ phần MISA với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số doanh nghiệp với các công cụ quản lý tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) qua Trợ lý số Misa AVA. Giải pháp giúp tự động hóa, đơn giản hóa và tăng độ chính xác cho nghiệp vụ bán hàng, kế toán, với Giải thưởng Sao Khuê danh giá...

Tiếp theo là những nhà khoa học nữ tiêu biểu, đó là PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu với những nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là sáng kiến ước tính bức xạ mặt trời từ dữ liệu vệ tinh Himawari và mô hình dự báo phân bố mưa trong bão. PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà đã có đóng góp thiết thực cho việc phát triển năng lượng tái tạo và công tác phòng, chống thiên tai tại Việt Nam. Đó là PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng giúp nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường với Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 cao quý.

Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MedCAT chia sẻ sự xúc động khi nhận được sự ghi nhận cho một hành trình dài đầy tâm huyết. “MedCAT không chỉ là một sản phẩm công nghệ, mà bắt nguồn từ chính những trải nghiệm cá nhân khi đồng hành cùng người thân trong quá trình điều trị tại các bệnh viện trong và ngoài nước. Từ đó, chúng tôi nhận ra nhu cầu cấp thiết trong việc số hóa và xử lý dữ liệu phi cấu trúc, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà ở nhiều ngành nghề khác”, bà Tuyết nói.

MedCAT là nền tảng sử dụng AI và mô hình ngôn ngữ để tái cấu trúc dữ liệu phi cấu trúc - loại dữ liệu vốn được xem là “nguyên liệu thô” của nền kinh tế số. Theo bà Tuyết, hiện nay khoảng 80% dữ liệu tồn tại dưới dạng phi cấu trúc. Việc xử lý hiệu quả loại dữ liệu này là điều kiện tiên quyết để tiến tới chuyển đổi số toàn diện.

Giải pháp của MedCAT hiện đã đạt độ chính xác cao, có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: bảo hiểm, pháp lý, dược phẩm. Một số tính năng nổi bật bao gồm: xử lý và tư vấn tự động hồ sơ bồi thường bảo hiểm, chống gian lận, hỗ trợ nhân viên không phải nhập liệu thủ công, đồng thời giúp nâng năng suất lao động lên gấp 5 lần, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ, tái cấu trúc dữ liệu ở cấp độ chi tiết như LEGO.

MedCAT cũng đang phát triển giải pháp chuyên sâu trong lĩnh vực bảo hiểm, vừa lưu trữ dữ liệu, vừa phân tích để cung cấp gợi ý thông minh. Với sự đầu tư vào công nghệ lõi và đội ngũ nhân sự chất lượng cao gồm nhiều tiến sĩ, thủ khoa, á khoa, MedCAT từng bước khẳng định vị thế trong lĩnh vực AI.

“Chúng tôi tin rằng, với chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá”, bà Tuyết kỳ vọng.

Quỹ Nafosted cam kết đồng hành cùng các nhà khoa học

Dịp này, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (gọi tắt là Quỹ Nafosted) đã ra mắt. Ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Quỹ cho biết, Nafosted sẽ thực hiện có 7 nhiệm vụ lớn để đồng hành cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

Tại sự kiện này, đại diện các nhóm nghiên cứu, viện trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã trao cam kết thực hiện các ý tưởng nghiên cứu/chế tạo sản phẩm khoa học và công nghệ. Đây là những cam kết mang tính tiên phong, thể hiện quyết tâm đưa khoa học và công nghệ Việt Nam vươn tầm cao mới.

Theo đó PGS.TS Phạm Thái Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 cam kết thực hiện nghiên cứu “Xây dựng quy trình kỹ thuật trước, trong và sau đặt thiết bị hỗ trợ thất trái ở bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cam kết thực hiện xây dựng “Nền tảng MISA AI Agent và xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho AI Make in VietNam chuyên sâu cho xử lý văn bản pháp luật nhà nước, kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp, chuyên sâu nông nghiệp hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt”.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà máy trang thiết bị y tế USM Healthcare trao cam kết thực hiện “Nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất dây dẫn coil nút mạch não trong điều trị phình mạch máu não, công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị thông minh phục vụ điều trị hút huyết khối mạch máu não”. GS.TS Nguyễn Hải Nam, đại diện nhóm nghiên cứu phát triển thuốc mới - Trường ĐH Dược Hà Nội lên trao cam kết thực hiện “Nghiên cứu tìm kiếm ứng viên cho thử nghiệm lâm sàng để phát triển thuốc mới điều trị ung thư theo cơ chế ức chế enzyme histone deacetylase”...

Nguồn: https://baophapluat.vn/nghi-quyet-57-dot-pha-manh-me-cho-san-pham-made-in-vietnam-post549524.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm