BHG - Với mục tiêu phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô trang trại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) tích cực lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế. Qua đó, tạo điều kiện để người dân đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, mua giống vật nuôi chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay trên địa bàn xã Ngọc Đường đạt hơn 32 nghìn con, trong đó riêng gia súc gồm trâu, bò, dê đạt 3.849 con; gia cầm trên 28.180 con; diện tích ao hồ nuôi thủy sản được duy trì với 23,4 ha. Do tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thị trường tiêu thụ ổn định nên năm nay, số lượng gia súc, gia cầm có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, từ sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của chính quyền xã và cán bộ chuyên môn, các mô hình chăn nuôi đang được mở rộng quy mô như: Mô hình chăn nuôi lợn đen thương phẩm; nuôi Cầy vòi hương sinh sản và thương phẩm; mô hình nuôi gà đen, gà mía… tập trung tại các thôn Sơn Hà, Thái Hà, Đoàn Kết. Đồng thời, phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm quy mô lớn trên 30 con/hộ, được triển khai tại thôn Bản Cưởm 1 với nguồn vốn vay tái đầu tư 50 triệu đồng từ UBND xã.
Mô hình nuôi gà đen của anh Sằm Thanh Bình, thôn Bản Cưởm 1, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). |
Gia đình anh Hoàng Văn Hòa, thôn Bản Cưởm 1, xã Ngọc Đường là một trong những hộ tiêu biểu đi đầu trong phong trào chăn nuôi dê thương phẩm. Anh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm vườn, làm ruộng với diện tích nhỏ, kinh tế chưa ổn định. Sau khi được giới thiệu về nguồn vốn vay tái đầu tư của UBND xã, gia đình tôi đã liên hệ để làm thủ tục đăng ký mua giống. Từ nguồn vốn hỗ trợ, tôi mua dê giống và đầu tư làm chuồng trại. Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 40 con lớn, nhỏ theo phương pháp chăn thả tự nhiên, dự kiến đến tháng 9 năm nay có thể xuất chuồng. Do mới bắt đầu nuôi nên tôi học hỏi thêm kiến thức từ các mô hình của bà con quanh vùng cũng như hướng dẫn của cán bộ chuyên môn để đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ, thoáng mát, phòng bệnh hiệu quả”.
Ngoài mô hình chăn nuôi dê thương phẩm, mô hình nuôi gà đen đang được nhiều hộ dân tại thôn Bản Cưởm 1 mạnh dạn mở rộng. Điển hình như gia đình anh Sằm Thanh Bình, thời gian đầu chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng do thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao. Sau khi nhận được dự án hỗ trợ mua giống của Chính phủ, anh bắt đầu mở rộng quy mô lên hơn 1.000 con và thực hiện theo đúng hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi nên đàn gà phát triển tốt. Hiện nay, giá bán buôn đạt khoảng 90.000 đồng/kg, bán lẻ từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, bước đầu tạo sinh kế ổn định.
Bên cạnh việc triển khai các mô hình chăn nuôi hàng hóa theo quy mô trang trại, UBND xã Ngọc Đường chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để dịch bệnh nguy hiểm lây lan. Triển khai thực hiện kế hoạch “Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2025” trên địa bàn xã đến toàn bộ thôn, bản. Theo đó, các thôn thành lập tổ vệ sinh gồm các lực lượng: Cán bộ thú y, dân quân, Công an, y tế thôn, đoàn viên thanh niên... tiến hành quét dọn sạch sẽ nơi nhốt gia súc, gia cầm, thu gom phân, rác, chất độn chuồng để xử lý; khơi thông cống, rãnh, phát quang các bụi cây, cỏ dại, quét dọn đường làng, ngõ xóm; phun thuốc sát trùng, rắc vôi bột toàn bộ khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và khu vực sân, vườn, đường đi theo tần suất 1 lần/tuần.
Thông qua việc khuyến khích đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô gia trại, các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Đường đã và đang từng bước nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Đây không chỉ là hướng phát triển phù hợp với lợi thế của địa phương mà còn là giải pháp thiết thực trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Bài, ảnh: NHƯ QUỲNH
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202505/ngoc-duong-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-hang-hoa-f803729/
Bình luận (0)