Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngôi mộ tập thể 120 liệt sĩ ở bên cột cờ Tổ quốc

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng – Tân Hưng, tỉnh Tây Ninh, giữa hơn 3.700 phần mộ có một ngôi mộ đặc biệt nằm kế bên cột cờ Tổ quốc không khắc tên từng người, không bia mộ riêng, chỉ có một tấm bia chung mang dòng chữ “Mộ tập thể 120 liệt sĩ” được Đội K73 cất bốc, hồi hương vào ngày 13/6/2002.

Báo Long AnBáo Long An28/07/2025

Cựu chiến binh viếng ngôi mộ tập thể liệt sĩ

Đó là nơi an nghỉ của 120 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam thuộc C30 và Tiểu đoàn 28 – Sư đoàn 9 hy sinh ngày 11/12/1970 tại xã Po Th’Rich, huyện Svay Ch’Rum, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.

Câu chuyện bắt đầu vào đầu những năm 2000, khi Đội K73 – đơn vị chuyên trách quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh nhận được thông tin từ một người dân Campuchia về một ngôi mộ lớn tại xã Po Th’Rich, huyện Svay Ch’Rum, tỉnh Svay Rieng. Những chi tiết ban đầu rất ít ỏi, nhưng khi ráp nối với các tư liệu cũ và lời kể của cựu chiến binh, một sự kiện lịch sử dần hiện lên.

Ngày 11/12/1970, trong chiến dịch tấn công vào phòng tuyến của quân Lon Nol để mở đường giải phóng thị xã Svay Rieng, các đơn vị thuộc Sư đoàn 9 gồm Tiểu đoàn 28 Đặc công, Đại đội C30 đã bị phục kích ác liệt. Nhiều chiến sĩ hy sinh, thi thể họ gom lại và chôn cất ở một hố chung.

Đại tá Trần Văn Hoàng – nguyên Đội trưởng Đội K73 là người trực tiếp chỉ huy đợt quy tập hài cốt liệt sĩ đặc biệt này. Sau khi nhận thông tin, Đội K73 sang Campuchia nhưng địa hình đã thay đổi hoàn toàn. Khu vực trước đây là rừng giờ thành nhà cửa, đường sá neniệc xác định vị trí chính xác rất khó khăn.

May mắn, Đội K73 tìm gặp ông Trải – một cựu chiến binh từng chiến đấu tại khu vực này, sau giải phóng lập gia đình và sinh sống tại tỉnh Svay Rieng. Chính ông là người nối sợi chỉ đỏ từ hiện tại về quá khứ, chỉ dẫn lại khu vực các đồng đội hy sinh. Nhưng ngay cả ông Trải cũng không nhận ra địa điểm xưa bởi cảnh vật đã đổi thay.

Không bỏ cuộc, Đội K73 quyết định khoanh vùng khu đất khoảng 100m² và bắt đầu thăm dò theo phương pháp truyền thống đào từng hố nhỏ sâu khoảng 1m, cách nhau 1m. Một tuần trôi qua trong nắng cháy và căng thẳng.

Rồi điều kỳ diệu cũng đến. Một lớp đất nâu lạ hiện ra, khác biệt hoàn toàn với nền đất xung quanh. Các chiến sĩ lặng người. Họ đã tìm đúng nơi. Từng mảnh xương, chiếc cúc áo, mảnh tăng rách, lược nhôm sờn răng,… được lật nhẹ từ lòng đất.

Nhiều chiến sĩ quy tập khi ấy đã không cầm được nước mắt. Có đồng chí trẻ run run khi nâng một mảnh xương nhỏ, có người bật khóc khi nhặt được chiếc lược cũ. Đó không chỉ là hài cốt, đó là linh hồn của những người lính đã ngã xuống vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Các hài cốt lúc ấy được chôn xếp lớp, không được bọc nylon, qua thời gian bị phân hủy nhiều nên không thể phân biệt từng bộ riêng. Cán bộ, chiến sĩ Đội K73 phải nhẹ tay từng chút để lấy từng phần xương cốt, những mẩu tư trang, kỷ vật còn sót lại của các chú, các bác gom lại, gói ghém cẩn thận trước khi đưa về nước.

Trong quá trình quy tập, Đội K73 tiếp cận thêm một nhân chứng đặc biệt là ông Xây-Keo, cha của một người lính Hoàng gia Campuchia từng hỗ trợ đơn vị. Ông chính là người chôn cất các chiến sĩ năm xưa. Mô tả của ông hoàn toàn trùng khớp với vị trí Đội K73 tìm được.

Từ lời kể của các nhân chứng, một chi tiết khác cũng được xác minh. Chỉ huy trận đánh năm ấy có biệt danh “Út Mười Hai”. Lần theo đầu mối, Đội K73 liên hệ với Ban Liên lạc Sư đoàn 9 và tìm được ông Út Mười Hai đang sống tại tỉnh Sóc Trăng.

Toàn bộ thông tin về trận đánh và các đơn vị tham chiến được xác thực. Những chiến sĩ ngã xuống tại xã Po Th’Rich năm 1970 đều thuộc Tiểu đoàn 28 và Đại đội C30 thuộc Sư đoàn 9.

2 ngôi mộ tập thể liệt sĩ nằm kế nhau trong nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng - Tân Hưng

Sau hơn ba thập kỷ nằm lại nơi đất khách, năm 2002, hài cốt 120 người lính quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia đã được Đội K73 tìm kiếm và cất bốc đưa về nước và an nghỉ tại một ngôi mộ chung ở sát bên cột cờ Tổ quốc trong Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Hưng – Tân Hưng. Không có tên riêng trên bia mộ, nhưng hằng ngày các chú, các bác yên nghỉ cùng nhau, nơi có quốc kỳ tung bay lộng gió.

Giờ đây, giữa màu xanh của cỏ cây nghĩa trang, giữa tiếng chuông chiều ngân nga, linh hồn các liệt sĩ hòa vào đất mẹ, vào ngọn gió biên thùy, vào ký ức của những người lính Đội K73 và bao thế hệ mai sau.

Nhiều năm qua, ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam được chăm sóc, hương khói cẩn thận. Các tổ chức, đoàn thể, người dân khi đến viếng nghĩa trang thường ghé lại thắp hương ở ngôi mộ đặc biệt này./.

Lê Đức

Nguồn: https://baolongan.vn/ngoi-mo-tap-the-120-liet-si-o-ben-cot-co-to-quoc-a199635.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm