>> Dân An Lương giờ nhiều người giàu thật!
>> Sức bật An Lương
Nhắc đến An Lương, người ta nghỉ đến ngay là cây quế, bởi đây là cây bản địa lâu đời của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là dân tộc Dao. Đến nay, nhờ đa dạng hóa sản phẩm từ quế nên vỏ, thân, cành lá của cây quế đều được tận dụng làm nguyên liệu, góp phần nâng cao giá trị. Vì vậy, phát huy tiềm năng và lợi thế, những năm qua, Đảng ủy xã An Lương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục phát triển mạnh diện tích cây truyền thống này trong cơ cấu cây trồng chủ lực của địa phương.
Ông Hoàng Văn Cội - Chủ tịch UBND xã cho biết: "An Lương là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, có diện tích tự nhiên 6.799,82 ha; với tổng số 972 hộ, 4.601 nhân khẩu, sinh sống ở 9 thôn bản. Các dân tộc trên địa bàn xã luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội; đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó quế là cây chủ lực. Nhờ trồng quế mà người dân nơi đây không chỉ thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững”.
Chứng minh lời nói của mình, ông Cội dẫn chúng tôi về chứng kiến cuộc sống của người dân ở các thôn: Khe Trầu, Sài Lương 1, Sài Lương 2 và Sài Lương 3. Nếu như trước đây, người dân ở các thôn phải lo toan bữa ăn hàng ngày, còn hiện nay cuộc sống của hàng trăm hộ đã đổi thay rõ từng ngày nhờ cây quế.
Ông Giàng A Sáu, thôn Sài Lương 3 - người có kinh nghiệm trồng quế hàng chục năm nay, hiện đang sở hữu trên 10 ha quế, trong đó có hơn 100 cây trên 25 năm tuổi, hàng năm thu nhập từ quế đạt trên 250 triệu đồng chia sẻ: "Nhờ cây quế nên tôi làm được nhà to, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền, các con tôi được học hành đầy đủ”.
Gia đình ông Đặng Văn Tiên, thôn Khe Trầu trước đây là hộ khó khăn, đất lúa nước ít, từ khi chuyển đổi đất rừng kém hiệu quả sang trồng quế không những thoát được nghèo mà còn xây được nhà cửa khang trang.
Ông Lý Văn Dòng - Bí thư Chi bộ thôn Khe Trần cho biết: "Hiện, trong thôn có 135 hộ thì cả 135 hộ đều trồng quế. Thấy được lợi ích cây quế mang lại, bây giờ cán bộ không phải đi vận động người dân trồng quế nữa mà miễn là nơi nào có đất hợp pháp là họ trồng. Nhiều hộ giàu lên nhờ quế, tiêu biểu như hộ ông Đặng Quang Vinh, Đặng Quốc Lợi, Đặng Đình Xuyên...”.
Toàn xã An Lương hiện có trên 2.300 ha cây quế
Tuy còn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, dân số chủ yếu là người dân tộc Dao, Tày, Mường, Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú. Trên địa bàn xã có suối Thia chảy qua, vào mùa mưa, lũ, có một số thôn, bản bị cô lập. Khó khăn là vậy, song những năm qua, nhân dân các dân tộc ở An Lương luôn đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết trên dưới một lòng nói và làm theo Đảng, theo Bác Hồ. Điều đó được cụ thể hóa khi người dân đã sử dụng hết diện tích trồng lúa 2 vụ với hơn 160ha cho thu nhập cao. Người dân đã đưa cây quế vào trồng và trở thành cây chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Hiện xã có 972 hộ thì cả 972 hộ đều trồng quế, hộ ít cũng trồng được 2.000m, hộ nhiều thì 9- 10 ha. Toàn xã đã có trên 2.300 ha cây quế, tập trung nhiều ở các thôn: Khe Trầu, Sài Lương 1, Sài Lương 2 và Sài Lương 3..., sản lượng quế vỏ trên 1.500 tấn, giá trị trung bình hàng năm đạt trên 30 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm. Hiện, tỷ lệ hộ khá, giàu trên địa bàn xã chiếm trên 70%; 60% số hộ xây nhà kiên cố.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngoài cây lúa, sắn, ngô, hàng năm, xã An Lương chỉ đạo nhân dân trồng mới 60 ha cây quế. Với tư duy đổi mới, sáng tạo, nhất là phát huy tiềm năng, lợi thế cùng với ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, An Lương sẽ tiếp tục vươn mình mạnh mẽ.
Văn Tuấn
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/348797/Nguoi-dan-An-Luong-lam-giau-tu-trong-que.aspx
Bình luận (0)