Agribank Thanh Hóa đã giúp nhiều hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương |
Với sứ mệnh phục vụ tam nông, Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và của Agribank Việt Nam. Chi nhánh đã triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi giúp bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn ưu đãi - bệ đỡ cho người dân vươn lên làm giàu
Xã An Nông, huyện Triệu Sơn là một trong những điểm sáng của phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhờ đồng hành cùng Agribank. Anh Lê Văn Phượng, hội viên nông dân của xã, đã gắn bó hơn 30 năm với nghề nuôi ếch. Ban đầu, anh chỉ nuôi với quy mô nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank, mô hình của anh đã có bước phát triển vượt bậc.
Hiện nay, anh Phượng đang có một cơ sở nuôi ếch quy mô lớn với hơn 200 vạn con giống, mỗi năm cho doanh thu lên tới 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận ổn định khoảng 50%. Anh còn kết hợp nuôi thêm lươn, chạch giống để đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh. Cơ sở chăn nuôi của anh Phượng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương, với thu nhập ổn định.
Anh Phượng từng làm việc tại Hà Nội với mức lương 15 triệu đồng/tháng nhưng do chi phí sinh hoạt cao và phải nuôi hai người con ăn học đại học, anh đã quyết định về quê khởi nghiệp. Nhờ đó, hai người con của anh hiện đã tốt nghiệp đại học, đều có việc làm ổn định tại các công ty lớn của Nhật Bản và doanh nghiệp nước ngoài. Con trai út của anh cũng sắp bước vào giảng đường đại học.
Anh Phượng chia sẻ: “Hiện tôi đang vay 500 triệu đồng từ Agribank để duy trì sản xuất, tuy nhiên tôi rất mong tiếp tục được tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng tam nông để nhập thêm thức ăn, giống và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con xung quanh”.
Không chỉ riêng gia đình anh Phượng, nhiều hộ nông dân khác tại Triệu Sơn cũng vươn lên nhờ sự đồng hành của Agribank. Một trong những mô hình nổi bật khác là của anh Khương Chi Định, hội viên Hội Nông dân xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn.
Khởi đầu chỉ với khoản vay 200 triệu đồng từ Agribank, anh mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi chim bồ câu lai Pháp kết hợp nuôi hươu. Hiện tại, anh Định đã nâng tổng mức vay lên 2 tỷ đồng. Trang trại của anh nuôi 5.000 đôi chim bồ câu với quy trình khép kín từ khâu nuôi giống đến xuất bán, rút ngắn thời gian sinh trưởng xuống còn 30 ngày. Trung bình mỗi tuần anh xuất một lứa chim ra thị trường, chủ yếu cung cấp cho các đầu mối lớn tại Hà Nội và Đà Nẵng. Song song, anh Định cũng đang chăn nuôi 15 con hươu để đa dạng hóa nguồn thu.
Gia đình anh Khương Chi Định, hội viên Hội Nông dân xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn được vay vốn của Agribank Triệu Sơn đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả |
Doanh thu từ mô hình của gia đình anh Định rất khả quan, năm 2022 đạt 1,5 tỷ đồng, năm 2023 và 2024 đạt trung bình 1,3 tỷ đồng/năm, doanh thu của 2 năm gần đây giảm là do giá cả thị trường giảm. Hiện trang trại của anh sử dụng 3 lao động thường xuyên, mỗi lao động có thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng.
Anh Định chia sẻ: “Chính nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Agribank và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ ngân hàng, tôi mới có thể yên tâm đầu tư mở rộng quy mô, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và tạo thêm việc làm tại địa phương”.
Tín dụng tam nông là động lực phát triển nông thôn mới
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Agribank Thanh Hóa ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tính đến hết tháng 4/2025 tổng nguồn vốn huy động đạt 28.132 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 28.539 tỷ đồng, tăng trưởng 3,8% so với đầu năm. Thu dịch vụ tăng gần 10% so với cùng kỳ. Có thể nói, phần lớn các chỉ tiêu trọng yếu đều tăng trưởng ổn định và bám sát tiến độ kế hoạch đề ra, tạo nền tảng quan trọng để Agribank Thanh Hóa hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm 2025.
Ông Nguyễn Thuần Phong - Giám đốc Agribank Thanh Hóa cho biết: Chi nhánh luôn xác định rõ vai trò là ngân hàng chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn. Hiện dư nợ lĩnh vực này chiếm tới 85% tổng dư nợ ưu tiên. Chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: cho vay qua tổ vay vốn, các chương trình tín dụng ưu đãi, rút ngắn thời gian thẩm định, minh bạch quy trình; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn. Trong thời gian tới, Agribank Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tín dụng số và đặc biệt là đẩy mạnh vai trò của điểm giao dịch lưu động để tiếp cận người dân vùng sâu, vùng xa. Agribank Thanh Hóa sẽ luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của khách hàng, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để giúp người dân có đủ nguồn vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và thực hiện hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngân hàng chủ trương giảm bớt đầu mối xử lý, rút ngắn thời gian duyệt hồ sơ vay. Đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, các hình thức vay lưu vụ, vay qua tổ nhóm đã giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn. Ngoài ra, để tạo điều kiện tối đa cho người vay, việc mở rộng hình thức tài sản đảm bảo như sử dụng máy móc nông nghiệp, nông sản thay thế cho tài sản cố định lớn cũng được nghiên cứu áp dụng. Các quỹ bảo lãnh tín dụng giữa ngân hàng và chính quyền địa phương đang được triển khai thí điểm nhằm hỗ trợ thêm cho những hộ thiếu tài sản thế chấp. Agribank Thanh Hóa đã tiên phong áp dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng nhằm tối ưu hóa quy trình vay vốn, giảm bớt thủ tục hành chính cho khách hàng. Người dân có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính thông qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, từ chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, gửi tiết kiệm đến đăng ký vay vốn online.
Với những kết quả nổi bật và những đổi mới mạnh mẽ trong cách tiếp cận khách hàng, Agribank Thanh Hóa đã và đang khẳng định vị thế ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực tam nông. Ngân hàng không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn góp phần xây dựng cộng đồng nông thôn phát triển bền vững, giảm thiểu tình trạng người dân phải tìm đến tín dụng đen. Sự đồng hành chặt chẽ giữa ngân hàng và nông dân sẽ tiếp tục là chìa khóa thúc đẩy nông thôn Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nguoi-dan-lam-giau-tu-von-vay-agribank-thanh-hoa-163926.html
Bình luận (0)