Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người dân phải qua về sông Nhùng trên cầu tre tạm bợ suốt 50 năm

Xóm Rào và xóm Phước cùng thuộc Đội 3 (thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) nhưng cách nhau bởi con sông Nhùng. Do đi đường vòng với quãng đường quá xa, nên để thuận tiện qua lại sinh hoạt, thăm thân hoặc sản xuất, hơn 50 năm qua người dân hai xóm này đành bất chấp hiểm nguy qua lại sông Nhùng trên chiếc cầu tre tạm bợ, không đảm bảo an toàn.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị19/05/2025


Người dân phải qua về sông Nhùng trên cầu tre tạm bợ suốt 50 năm

Chiếc cầu tre bắc qua sông Nhùng nối hai xóm Rào và xóm Phước có chiều dài khoảng 70 - 80m -Ảnh: Đ.V

Hiểm nguy rình rập

Trưa hè nóng bức, bà Hồ Thị Thu, (82 tuổi) ở xóm Rào ra bờ sông Nhùng đoạn có cây cầu tre bắc ngang ngồi hóng mát. Dù tuổi đã cao song bà Thu vẫn còn minh mẫn, rành mạch chuyện xóm làng mình. Bà kể, từ sau ngày quê hương giải phóng thì người dân hai bên bờ là xóm Rào và xóm Phước đã tự nguyện đóng góp công sức, tre, gỗ làm chiếc cầu tre qua sông Nhùng để đi lại.

“Hồi đó mới ra khỏi chiến tranh, cầu đường không có như bây giờ nên dân làng chỉ biết chung sức làm cầu tre để vượt sông sản xuất, thăm thân. Đến nay, sau 50 năm, người dân vẫn tiếp tục sử dụng cây cầu tre này để đi lại hằng ngày. Chỉ khác là hồi trước sông Nhùng còn hẹp nên làm cầu ngắn, nhưng nay sạt lở làm sông rộng ra nên phải làm cầu dài đến 70 - 80 m mới nối được đôi bờ”, bà Thu kể.

Trước đây đôi chân còn khỏe, hầu như mỗi ngày bà Thu đều qua lại cầu tre đi làm ruộng hoặc thăm bà con xóm làng bên kia sông. Nhưng vài năm trở lại đây bà không dám qua cầu nữa vì sức khỏe yếu dần.

Ông Nguyễn Cuối, (50 tuổi) chậm rãi bước trên cầu tre đi từ xóm Rào trở về xóm Phước sau buổi lao động thường lệ. Tay cầm mũ bảo hiểm, tay vịn thành cầu tre, ông Cuối nói trong mệt nhọc: “Tôi làm nghề thợ xây, nhà tôi ở bên xóm Phước. Sáng nay gửi xe máy ở đây để qua xóm Rào mở móng xây lăng mộ cho người ta.

Dù thường xuyên đi qua cầu tre nhưng nhiều lúc vẫn sợ nguy hiểm, đặc biệt là vào mùa mưa lũ”. Dù thành thạo bơi lội, song ông Cuối cũng một lần suýt chết khi đi cầu tre. Đó là cách đây khoảng 10 năm, vào tháng 7 mùa bão lũ, ông Cuối đi làm về như mọi ngày. Hôm đó trời tối như mực, ông dò dẫm qua cầu tre để về nhà.

“Chú biết rồi đó, lòng sông Nhùng này tuy hẹp nhưng ngắn, dốc, sâu và nước mùa lũ ào về rất nhanh. Ngay thời điểm đó, khi qua được nửa cầu thì tôi nghe nước đổ ầm ầm và tôi bị rơi xuống sông. Nhưng may mắn là tôi níu vào bụi tre sát bờ nên bò lên được, thoát chết trong gang tấc. Nghĩ lại vẫn còn sợ”, ông Cuối nhớ lại.

Theo ông Cuối, đã có rất nhiều trường hợp đi qua cầu tre bị rơi xuống sông, trong đó cách đây khoảng 5 năm đã có một cháu học sinh nam khoảng 8 - 9 tuổi qua nhà ông ngoại ở xóm Rào chơi không may rớt xuống sông chết đuối. Việc qua lại của bà con hai xóm là nhu cầu rất bức thiết, chính đáng nên dù biết nguy hiểm nhưng hàng chục năm qua người dân vẫn lựa chọn qua sông bằng chiếc cầu tre.

Ước mong một cây cầu kiên cố

Ông Cuối cho biết, gia đình ông làm 6 sào ruộng và một số diện tích hoa màu ở cả hai bên bờ sông Nhùng. Do “cách hói trở sông” nên việc vận chuyển phân, giống, các nông cụ phục vụ sản xuất hết sức khó khăn, cực nhất là vào mùa thu hoạch. “Gia đình tôi cũng như hàng chục gia đình khác vào mùa thu hoạch lúa, hoa màu phải vận chuyển đi đường vòng rất xa.

Ví như gặt lúa ở phía bờ Bắc sông Nhùng, nếu đi theo cầu tre chỉ mất khoảng 1 km thì do cách trở nên buộc chúng tôi phải vận chuyển lúa đi qua đường xã Hải Thượng vòng lên Quốc lộ 1 với quãng đường hơn 10 km mới đưa được lúa về nhà ở xóm Rào. Rất vất vả, bất tiện và tốn kém. Dân làng chúng tôi mong Nhà nước quan tâm xây dựng cho cây cầu dân sinh bề ngang cỡ xe kéo qua lại được để vừa phục vụ một số việc đồng áng vừa đi lại thuận tiện, an toàn hơn”, ông Cuối bày tỏ nguyện vọng.

Nhà ở sát ngay chiếc cầu tre, anh Hoàng Viết Hà cũng nhiều lần chứng kiến cảnh cầu tre bị trôi do mưa lũ cũng như nhiều trường hợp người dân không may bị rơi xuống sông. “Tháng 9, tháng 10 lụt về thì cầu trôi, đến gần Tết thì dân dựng lại cầu. Đến tháng 2, tháng 3 nếu tiếp tục có mưa lớn nước về mạnh thì cầu lại trôi, dân tiếp tục làm lại.

Nói chung chiếc cầu này hết sức quan trọng với người dân nơi đây nên dù mỗi năm có đôi lần trôi cầu nhưng người dân vẫn cố gắng chung sức dựng lại cầu”, anh Hà nói. Bà Hồ Thị Thu Ân, Trưởng thôn Mai Đàn cho biết, xóm Rào phía Nam sông Nhùng có 42 hộ dân và xóm Phước phía bờ Bắc sông có 74 hộ dân. Như vậy, có hàng trăm người dân ở hai bờ sông Nhùng hằng ngày thường xuyên phải qua lại trên chiếc cầu tre nói trên.

Theo bà Ân, vào mùa mưa lũ đổ về sông Nhùng mang theo lượng rều rác lớn nên khiến cầu tre bị trôi 2 - 3 lần/năm. Sau mỗi lần cầu trôi, hợp tác xã, ban điều hành thôn lại hỗ trợ kinh phí cùng với sự đóng góp tre, cây tràm, thân cau và công sức của người dân để dựng lại cầu. Bình quân mỗi lần làm cầu mới tốn chi phí từ 3 - 4 triệu đồng. Chiếc cầu hiện tại nhiều thân tre vẫn còn tươi, mọc lá được người dân làm lại vào cuối năm 2024.

“Cây cầu này phục vụ thiết thực cho người dân hai xóm trong việc qua lại giao thương cũng như sản xuất lúa, hoa màu. Người dân xóm Rào thì làm lúa bên phía Bắc sông Nhùng trong khi đó người dân xóm Phước thì qua phía Nam sông trồng hoa màu. Chính quyền và người dân địa phương rất mong muốn các ngành cấp trên quan tâm, nghiên cứu đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố hơn thay thế chiếc cầu tre tạm bợ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như hiện nay để giúp dân đi lại, sản xuất đảm bảo an toàn”, bà Ân nêu kiến nghị.

Đức Việt

Nguồn: https://baoquangtri.vn/nguoi-dan-phai-qua-ve-song-nhung-tren-cau-tre-tam-bo-suot-50-nam-193732.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm