10 năm sống ở Sài Gòn, chị Kim Youn Kyoung vẫn giữ truyền thống đặt bánh song pyeon để tặng bạn bè mỗi dịp Trung thu giống như ở quê nhà Hàn Quốc.
Chị Kyoung nói với người Hàn bánh song pyeon làm từ bột gạo nếp, nhân đậu xanh, đậu đỏ hoặc mè đen là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Chu Seok (Trung thu).
Lễ Chu Seok mang ý nghĩa như Lễ Tạ ơn của người Hàn Quốc để mừng mùa màng bội thu và sum họp gia đình. Vào dịp lễ này, mọi người sẽ về quê tảo mộ và làm mâm cơm dâng tổ tiên, một số nơi tổ chức các trò chơi dân gian. Trước lễ, mọi người thường tặng quà cho nhau, có thể là bánh song pyeon, nhân sâm, thịt bò hoặc trái cây, thực phẩm mà người nhận có thể sử dụng trong tuần.

Bánh song pyeon được Kim Youn Kyoung làm tại nhà ở quận 7, TP HCM, sáng 28/9. Ảnh: Ngọc Ngân
Năm đầu tiên đến TP HCM cùng gia đình, Youn Kyoung cảm thấy rất bất ngờ và hụt hẫng khi thấy vào Trung thu mọi người vẫn làm việc như ngày thường trong khi ở quê hương cô, người dân sẽ được nghỉ từ ba đến bốn ngày để về quê. Mọi người phải tranh thủ mua vé tàu từ mùa xuân hoặc hè mới hy vọng về nhà đúng ngày.
Ở Hàn Quốc, các thành viên gia đình sẽ quây quần hai ngày trước lễ để ngâm các loại đậu, làm bánh song pyeon, chuẩn bị mâm cúng với 20 loại thức ăn khác nhau. Bữa ăn thường kéo dài từ ba đến bốn tiếng để con cháu, ông bà trò chuyện.
Youn Kyoung nói một thập kỷ sống ở Việt Nam khiến cô đơn giản hóa các nghi thức, gánh nặng như vơi bớt một nửa. Mỗi năm vào dịp này cô chỉ gửi quà và gọi điện thoại chúc mừng bạn bè. Do bận bịu với công việc kinh doanh, gia đình bốn người của cô chỉ nấu bữa cơm đơn giản với cá, kim chi, tương đậu và các loại canh để ăn cùng nhau đêm trung thu. Họ sẽ tráng miệng bằng bánh song pyeon nhân đậu xanh hấp và uống trà.
"Chúng tôi muốn trải qua trung thu bình yên và nhẹ nhàng", Youn Kyoung nói.
Kim Youn Kyoung sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 - nơi có khá đông người đồng hương. Ở TP HCM, các khu vực phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, một số khu chung cư cao cấp ở quận 2 cũng có nhiều người Hàn Quốc sinh sống. Các khu vực này được gọi là " khu phố Hàn Quốc". Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP HCM, cộng đồng người Hàn Quốc ở thành phố khoảng 90.000 người.
Từ cuối tháng 7 âm lịch hàng năm, các nhà hàng, cửa tiệm bách hóa ở những khu này đã bắt đầu được trang trí đèn lồng trung thu. Giáo sư Kim Byong Sun - giảng viên khoa Hàn Quốc học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết cộng đồng người Hàn Quốc sống ở Việt Nam đa phần là gia đình nhỏ hoặc người độc thân. Chu Seok không được xem là kỳ nghỉ tại Việt Nam nên họ cũng không có thói quen về Hàn Quốc thăm người thân. "Ở Việt Nam, người Hàn vẫn giữ một số phong tục truyền thống nhưng đã giản lược nhiều", giáo sư nói.
Tuần trước, ông Kim Byong Sun cùng vợ đến tham dự buổi học làm bánh tại một trường học Hàn - Việt. Trẻ em được học cách nhồi bột, làm nhân, nặn và hấp bánh song pyeon. Họ cùng nhau hát vài bài truyền thống và thưởng thức bánh. Vị giáo sư có hai con trai, họ sống ở Ireland và Anh nhưng cũng không quên gọi điện thoại để hỏi thăm ba mẹ dịp Chu Seok. Theo kế hoạch, vào đêm trung thu, ông và vợ sẽ dùng bữa ở nhà hàng quận 1, TP HCM cùng vài người bạn.

Ông Kim Byong Sun (bìa trái) cùng vợ và bạn bè đồng hương sum họp ăn uống trước thềm trung thu ở TP Thủ Đức, TP HCM, ngày 25/9. Ảnh: Ngọc Ngân
Một số người Hàn Quốc lại tận hưởng Trung thu theo phong cách Việt Nam, như anh Oh Min Seok (24 tuổi) sang đây được một năm. Nam sinh viên ngành Việt Nam học nói đặc biệt ấn tượng với không khí trung thu ở khu quận 5, TP HCM. Anh cùng 8 người bạn Hàn Quốc đón xe đến phố lồng đèn đường Lương Nhữ Học tham quan. Họ hòa vào dòng người đông đúc và mua vài chiếc lồng đèn tre để trang trí góc học tập. "Tôi ngạc nhiên trước sự náo nhiệt đường phố, tiếng cười nói khắp nơi", Min Seok kể.
Chàng trai quê Busan giải thích, nếu có lỡ kẹt lại các thành phố lớn ở Hàn Quốc như Seoul vào dịp trung thu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn bởi ai cũng đã về quê. Vé tàu điện và tàu hỏa được bán sạch, các trục đường chính trống trải và ngõ hẻm không một bóng người.
Nhưng ở Việt Nam anh thấy điều ngược lại. Không khí trung thu được đánh thức bởi các cửa hàng bán bánh trên hè phố, quán cà phê trang trí đèn lồng và các cô gái đến chụp ảnh trung thu với tiểu cảnh tại trung tâm quận 1, TP HCM.
Không khí này khiến du học sinh như Min Seok cảm thấy ấm áp. Năm nay, anh chọn thưởng thức bánh trung thu của người Việt thay vì tìm mua song pyeon tại khu phố Hàn. Một số bạn anh cho rằng vị bánh quá ngọt so với khẩu vị người Hàn Quốc, nhưng chàng du học sinh vẫn cảm thấy "khá vừa miệng".

Vợ chồng anh Kim Dong Hwan (bìa trái) cùng gia đình dùng bữa đoàn viên tại TP Daegu, Hàn Quốc, tháng 1/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Kim Dong Hwan (41 tuổi) làm việc cho công ty Hàn Quốc ở TP Thủ Đức nói chỉ nhận ra lễ Chu Seok gần đến khi các đồng hương trong công sở chào nhau. Theo văn hóa Việt Nam, công ty vẫn làm việc xuyên lễ và không gửi quà cho nhân viên như ở Hàn Quốc.
Anh nên duyên với người phụ nữ Việt Nam năm 2018 và thường đón trung thu ở quê vợ. Họ không đủ thời gian và khó tìm mua nguyên liệu Hàn Quốc để nấu nướng nên chỉ ăn cơm chung với nhau.
Tuy nhiên, đây vẫn là thời gian anh nghĩ về gia đình nhiều nhất trong năm bởi văn hóa đoàn viên. Tuổi thơ người đàn ông quê Daegu gắn bó bên bà, thường xuyên phụ bà nấu cơm và vo nếp làm bánh.
Sau khi bà mất, gia đình 7 người vẫn giữ nguyên truyền thống này. Kim Dong Hwan nói ngày trung thu, anh sẽ gọi video để gặp mặt mọi người gia đình. Họ lần lượt chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc. Bố mẹ Dong Hwan sẽ cùng kể về các kỷ niệm với các con.
"Tình cảm gia đình là điều quan trọng nhất, nó khiến tôi cảm thấy ấm áp dù xa quê hương", Dong Hwan nói.
Ngọc Ngân
Vnexpress.net
Bình luận (0)