“Thêm người mới rồi. Tối nay vậy là hết được nằm một mình”. Người phụ nữ mặc đồ bệnh nhân, đang nằm ở chiếc giường đặt sát bờ tường lật đật ngồi dậy tránh sang một bên để điều dưỡng dìu bà Kan Min từ băng ca xuống.
Phòng bệnh chưa đến 20m2 nhưng kê tới 5 chiếc giường. Mẹ Kan Min là bệnh nhân thứ 10 trong phòng. Chiếc quạt trần chạy vù vù trên đầu nhưng không cách gì xóa được cái nóng bức bối và mùi đặc trưng của bệnh viện. Mùi thuốc sát trùng quyện lẫn mùi mồ hôi đặc quánh.
Bản làng của Ơ Chao nằm nép mình dưới chân dãy Trường Sơn. Ơ Chao ít khi ra thị trấn. Xuống thành phố thì đây là lần đầu.
Mẹ Kan Min không thích con gái theo bạn về phố làm thuê, dù ở bản chẳng có công việc gì kiếm ra tiền.
“Người dưới ấy không tốt đâu. Mày về phố, nếu bị lừa sẽ không may mắn được quay trở lại bản làng như tau đâu”. Mẹ Kan Min nói với con gái. Hồi trẻ, bà từng bị lừa bán qua biên giới, may mắn được bộ đội biên phòng giải cứu. Lần đầu tiên rời bản làng về phố làm thuê, đã để lại ký ức kinh hoàng trong lòng người mẹ vùng cao. Phố thị với bà là một nơi đáng sợ.
Mùa này ở phố nóng hầm hập như chiếc chảo nóng Ơ Chao vẫn hay rang muối, rang ớt nơi góc bếp nhà sàn. Ở bản cũng nắng, nhưng nắng xiên qua cây lá xanh ngời nên nắng mang theo mùi hương thanh mát của cây cỏ. Con gió đi ra từ núi, có vị của hoa lá, của sương đêm. Ơ Chao thích hít cái mùi hương trong vắt của núi đồi, nương rẫy, dường như mưa nắng hòa quyện với đất trời làm nên hương vị thanh khiết chỉ có duy nhất ở núi. Còn nơi này, mùi người, mùi thức ăn và bao nhiêu thứ mùi lạ lẫm, Ơ Chao không kể tên được, khiến em cứ bồn chồn.
Một ngày ở viện dài dằng dặc. Ơ Chao ngồi ở hành lang, nhìn vệt nắng ở cửa lặng yên nhích từng chút, nhưng tiếng ồn thì như đàn ong vừa vỡ tổ.
“Mọi người nói chuyện nhỏ lại một chút. Trời nắng nóng, ồn ào quá. Ai có thẻ chăm bệnh thì đeo vào. Ai không có thẻ thì xuống dưới đi”, giọng cô điều dưỡng oang oang.
Ơ Chao lấy chiếc thẻ trong túi đeo lên cổ. Em dựa sát vào tường, nghe tiếng sấm chiều bất chợt dội xuống. Mùa này buổi chiều hay có mưa giông. Không biết trên bản có đang mưa không nhỉ. Sáng nay, Ơ Ri và Ơ Mân có nhớ đem măng rừng ra phơi? Buổi chiều mưa giông chúng có kịp mang vào cất?
Ở nhà một mình, hai đứa em không biết có nghe lời chị gái dặn buổi chiều không được ra suối bắt cá. Ở núi, mưa giông thường mang theo nhiều sấm sét. Dân bản đi nương, đi rẫy thường rất sợ gặp sét. Năm nào trong bản cũng có trâu bò bị sét đánh chết. Năm Ơ Chao 9 tuổi, cha Ơ Chao cũng bị sét cướp mất trong một lần trên đường từ rẫy về nhà. Căn nhà vốn dĩ đã trống huơ trống hoác vì chẳng có gì đáng giá, thiếu một người đàn ông càng thêm trống...
***
Lúc mới vào phòng, mọi người thấy Ơ Chao đi hai tay không, chẳng lỉnh kỉnh giỏ này túi kia như mọi người nên ai cũng hỏi.
Mấy hôm trước mẹ Kan Min bị đau quặn bụng. Lúc đưa ra bệnh viện thị trấn, bác sĩ nghi ngờ mẹ bị viêm tụy cấp, phải chuyển viện cấp cứu. Đi gấp gáp ngay trong đêm, Ơ Chao chẳng kịp mang theo thứ gì ngoài chút tiền buộc kỹ trong túi.
Lúc đi mua thức ăn, Ơ Chao đã ghé đến chiếc xe đẩy bán quần áo trước cổng bệnh viện. Những bộ đồ đủ màu sắc đẹp đẽ, nhưng một bộ có giá bằng cả mấy chục ký thóc, mấy bao ngô gác trên bếp nhà sàn. Tiền trong túi còn phải để dành mua thức ăn, mua thuốc nên em đành mặc mãi bộ quần áo cũ.
Buổi chiều, Ơ Chao gặp hộ lý xin thêm bộ đồ bệnh nhân. Em định đến tối sẽ thay bộ đồ rộng thùng thình đó để ngủ. Bộ quần áo mặc trên người em sẽ giặt sạch sẽ rồi phơi ở góc hành lang nhiều gió, sáng mai chắc chắn sẽ khô.
Vừa trở về phòng thì một dì gọi Ơ Chao đến rồi dúi vào tay em bọc đồ. “Dì tặng cháu mấy bộ đồ nhé. Nhà tắm ở cuối hành lang, buổi chiều tối rất đông. Nhưng tắm khuya một chút sẽ thưa người hơn, không phải đợi lâu. Ở trong có đồ lót bằng giấy dùng một lần nữa đấy”.
Ở bản, cả nhà Ơ Chao đã quen ăn mỗi ngày chỉ hai bữa. Nhưng ở đây mọi người không cho là đúng.
“Ăn nhiều vào, có sức mới chăm mẹ bệnh được cháu ạ. Năm nay bao nhiêu tuổi? Mười bốn à? Thế thì càng phải ăn nhiều mới cao lên được”. Một cô đưa cho Ơ Chao hộp cơm. “Chồng cô mua lên, nhưng cô ngán mùi cơm quá rồi. Cháu ăn giúp cô nhé. Nếu không nó hư mất”. Những câu nói đầy yêu thương ấy, Ơ Chao biết rõ không phải là sự thật. Em từng nghe cô gọi điện dặn chồng, mua cháo xong, nhớ ghé ngã tư gần nhà mua thêm hai chiếc bánh bao. Nhưng tối đó, cô mời Ơ Chao cả hai cái bánh bao, bảo tại chồng cô mua nhiều quá, không thể ăn hết.
Phòng bệnh vẫn ồn ào, những giọng nói vẫn đầy gắt gỏng, khó chịu, trong không gian chật hẹp với 10 bệnh nhân và có khi hơn 10 người chăm bệnh. Nhưng Ơ Chao không còn cảm thấy e dè, lạc lõng khi đối diện với những người mới gặp. Ơ Chao nhận ra, những người nơi đây cũng chẳng khác gì người ở bản làng mình. Cũng có người hay nhăn nhó, càm ràm, cũng có người ân cần, ấm áp.
Ơ Chao là người chăm bệnh nhỏ nhất. Ai có gì cũng chia cho em một phần, khi thì hộp cháo, ổ bánh mì, phiếu cơm, khi thì mấy quả cam, quả chuối. Sự quan tâm săn sóc của mọi người dành cho em ngọt như giọt sương qua đêm rớt trên ngọn lá dâu, dịu dàng như ánh trăng đêm phủ trên sườn núi cao.
***
Mẹ Kan Min đi ô tô bị say nên bác Vai đi xe máy từ trên bản về chở cả hai lên. Ơ Chao dặn bác Vai ghé nhà lấy mấy bó đũa em vót xong vẫn còn dựng trên bếp chưa kịp đem ra chợ bán. Hôm trước Ơ Chao nghe một dì kể rằng đang kiếm mua đũa tre. Loại đũa được vót từ tre già như ngày xưa cha của dì vẫn hay vót. Bây giờ đũa bán ở chợ toàn được người ta phủ lên một lớp dầu bóng, lại phết thêm lớp nước sơn màu vàng. Ngâm qua đêm, nước trong thau cũng chuyển sang vàng chạch mà mùi hăng hăng khó ngửi từ thứ dầu bôi trên đũa vẫn không giảm bớt. Mọi người phàn nàn dùng đũa nhựa không tốt cho sức khỏe, dùng đũa inox lại trơn gắp thức ăn khó, đũa gỗ, đũa tre toàn bị tẩm hóa chất chống mối mọt. Ơ Chao giờ mới biết, hóa ra ở phố, kiếm đôi đũa ưng ý cũng khó khăn.
“Đây là đũa nhà cháu vót đó ạ. Chọn tre thật già rồi ngâm ở suối nhiều tháng, sau đó lại gác trên bếp để khói làm cho tre bóng nước, tạo vân, chống ẩm mốc và sâu mọt mà không cần phải dùng hóa chất nên rất an toàn, gắp thức ăn lại không bị trơn trượt đâu ạ”. Ơ Chao lấy từng bó đũa trong ba lô bác Vai rồi gửi tặng mỗi người trong phòng một bó.
“Cháu vót hả? Có bán không, cô muốn mua thêm”.
“Đũa này mà đến bữa gắp thức ăn là không trật phát nào”.
Mọi người xuýt xoa khen đũa Ơ Chao vót trơn nhẵn, bóng loáng, cầm chắc tay. Ai cũng kéo tay Ơ Chao cảm ơn, còn hăng hái đặt hàng. Ơ Chao thấy mọi người thích thú với món quà mình tặng, lòng cũng vui theo.
Ơ Chao vui vẻ cầm mảnh giấy mọi người ghi lại thông tin để em gửi hàng cùng lời hẹn sẽ giới thiệu thêm khách hàng cho Ơ Chao khiến lòng em vui như hoa nở. Những đêm sắp tới, bên bếp lửa nhà sàn, Ơ Chao sẽ thức khuya hơn để làm việc. Nghĩ đến sẽ mua áo quần mới cho hai đứa em, cả sách vở nữa từ số tiền sắp kiếm được khiến Ơ Chao háo hức.
Ơ Chao rời khỏi bệnh viện, mang theo những lời động viên tốt lành của mọi người trong phòng. Nắng trên đầu vẫn gay gắt, nhưng trong lòng Ơ Chao đã không còn lo lắng, sợ hãi như cái đêm theo mẹ Kan Min ngồi trên xe cứu thương về phố. Ơ Chao gấp mấy chiếc bì thư đặt ngay ngắn trong chiếc túi đeo trên vai. Đó là số tiền các cô dì đã dúi vào tay Ơ Chao, dặn em phải mua thật nhiều thức ăn để bồi dưỡng cho mẹ. Chiếc túi nhẹ hẫng nhưng lại nặng ân tình từ những người lần đầu gặp gỡ khiến em cay khóe mắt.
Nắng phố thị vẫn gay gắt nhưng trong lòng em là một mảng xanh mát dịu dàng.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/nguoi-noi-pho-thi-152237.html
Bình luận (0)