Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguy cơ mắc bệnh sởi ở người trưởng thành

Từ đầu năm 2025 đến nay, dịch bệnh sởi có chiều hướng diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Hiện nay bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở lứa tuổi là trẻ em mà đã ghi nhận nhiều trường hợp là người trưởng thành, có diễn biến nặng và đã có trường hợp tử vong... Điều này đòi hỏi các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phòng chống bệnh sởi, đặc biệt là việc tăng cường tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi cho người dân.

Báo Quảng NinhBáo Quảng Ninh16/04/2025



Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy…, thậm chí gây tử vong đối với những trường hợp có bệnh nền.

Như vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận ca tử vong sởi ở người lớn. Bệnh nhân này tử vong do mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Trước đó, bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu. 

Nhân viên Trạm Y tế phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) tiêm vắc - xin phòng sởi cho trẻ.

Nhân viên Trạm Y tế phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, hạn chế các trường hợp nặng tử vong, Cục Phòng chống dịch bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng liên quan đến sởi gồm: Người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi, nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vắc xin phòng sởi; Nhóm người có nguy cơ cao này khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng của bệnh; Hạn chế tiếp xúc với những trường hợp mắc hoặc nghi mắc sởi, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với người bệnh; Tăng cường vệ sinh thân thể, mũi họng, giữ ấm, nâng cao thể trạng để tăng cường sức đề kháng phòng bệnh sởi; Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ thông thoáng môi trường nơi làm việc, học tập, sinh hoạt, vệ sinh thường xuyên các bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc, học tập…

Tại Quảng Ninh, ghi nhận tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh sởi phải nhập viện, trong đó có cả những bệnh nhân là người trưởng thành. Như tại Bệnh viện Bãi Cháy thời gian qua có nhiều bệnh nhân mắc sởi phải nhập viện điều trị. Hầu hết trong số này chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đủ mũi, hoặc đã tiêm từ rất lâu. Đặc biệt, có trường hợp là cả 5 anh chị em trong cùng một gia đình. 

Tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận những trường hợp là người lớn, thậm chí thanh niên khoẻ mạnh mắc bệnh sởi. Điều này cho thấy bệnh sởi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn, nhất là với những đối tượng trưởng thành, đã được tiêm vắc xin từ rất lâu. 



Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh sởi rất nguy đối với các trường hợp người lớn tuổi có bệnh nền mãn tính, có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, động kinh, viêm não… Khoảng 15% người trưởng thành có biến chứng sởi bị tử vong do can thiệp muộn hoặc can thiệp không hiệu quả. 

Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, ngày 21/3/2025, Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn. Sau hơn một tuần triển khai quyết liệt, khẩn trương, đến ngày 30/3, Quảng Ninh đã hoàn thành chiến dịch sớm hơn so với yêu cầu của Trung ương. Toàn tỉnh đã có gần 30 nghìn trẻ từ đủ 6 tháng đến 10 tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi đợt này, đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ thuộc diện tiêm chủng. Không chỉ vậy, với mục tiêu bao phủ tối đa vắc xin phòng sởi, củng cố, nâng cao miễn dịch cộng đồng, ngành Y tế vẫn tiếp tục thực hiện tiêm bù, tiêm vét, đồng thời triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đối với các đối tượng trên 10 tuổi, để phòng tránh dịch sởi có thể bùng phát.

Sởi là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Vì vậy, mỗi gia đình, mỗi người dân tuân thủ đúng, đủ các mũi tiêm chủng sẽ giúp nâng cao miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi.


Thái Bình

Nguồn: https://baoquangninh.vn/nguy-co-mac-benh-soi-o-nguoi-truong-thanh-3353340.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm