Nhà hát Cao Văn Lầu là một trong 50 công trình kiến trúc vừa được Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam trao bằng khen là “Công trình kiến trúc tiêu biểu các tỉnh, thành phía Nam - 50 năm đất nước thống nhất” trong khuôn khổ Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam - 50 năm đất nước thống nhất”, do Hội KTS Việt Nam phối hợp với Hội KTS TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Là những sáng tạo từ tâm huyết, trí tuệ của nhiều thế hệ KTS, các công trình đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của mỗi địa phương, đồng thời góp phần làm sáng thêm diện mạo đất nước qua 50 mùa xuân thanh bình.
Góp dáng hình cho kiến trúc Việt Nam
Cùng được trao bằng khen đợt này là các công trình tiêu biểu khác như: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - tỉnh Quảng Nam; Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh; Khu Tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch) - tỉnh Trà Vinh; Đền thờ vua Hùng - TP. Cần Thơ; Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - tỉnh Cà Mau...
Nửa thế kỷ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và phát triển, 50 công trình kiến trúc tiêu biểu ở các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam (bao gồm 34 tỉnh, thành từ Quảng Trị trở vào) đã kiến tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị của đất nước ngày càng khang trang, hiện đại và bản sắc. Từ khối óc, bàn tay của những KTS, 50 năm qua, kiến trúc Việt không ngừng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đem đến cho cộng đồng những công trình đẹp về diện mạo, sâu sắc về ý nghĩa và đảm bảo tính thân thiện với môi trường, với con người.
Từ những công trình đậm chất văn hóa của từng địa phương, đến những khu tưởng niệm mang tính giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn, kể cả nhiều trụ sở làm việc..., mỗi công trình đều là những tác phẩm được hình thành từ quá trình mày mò, lao động sáng tạo không ngừng nghỉ! Nhà hát Cao Văn Lầu của Bạc Liêu - một trong 50 công trình tiêu biểu được vinh danh dịp này là đại diện đáng tự hào góp phần làm giàu thêm kho tàng kiến trúc dân tộc và nền văn học - nghệ thuật của nước nhà.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T
Diện mạo văn hóa từ “ba nón lá”
Ngay từ khi mới hoàn thành, công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu - mà nhiều người quen gọi là Nhà hát ba nón lá hoặc Nhà hát Cao Văn Lầu - đã liên tục nhận về nhiều thành tích. Năm 2014, đây là mô hình ba chiếc nón được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Năm 2022, tiếp tục được độc giả báo Sài Gòn Tiếp Thị bình chọn vào “Top 7 công trình kiến trúc độc đáo” trong khuôn khổ chương trình “Top 7 ấn tượng Việt Nam”. Cũng trên tạp chí Sài Gòn Tiếp Thị, một bài báo với tựa đề “5 nhà hát có kiến trúc độc đáo tại Việt Nam”, Nhà hát Cao Văn Lầu tiếp tục góp mặt cùng với các công trình nổi tiếng như: Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, Nhà hát Đó (tỉnh Khánh Hòa), Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong 12 điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận vào tháng 12/2024.
Công trình độc đáo ấy tọa lạc giữa trung tâm TP. Bạc Liêu, khiến người ta cảm thấy mãn nhãn khi phóng một tầm nhìn toàn cảnh bao quát một thành phố sau 50 năm trải qua những thăng trầm đã phát triển rạng rỡ, đẹp xinh như hôm nay! Những du khách phương xa đến với TP. Bạc Liêu đều muốn check-in tại một công trình với lối kiến trúc vô cùng độc đáo có thể nói là điểm nhấn văn hóa của Bạc Liêu.
Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, Nhà hát Cao Văn Lầu còn hàm chứa ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Ba chiếc nón biểu trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam. Ba chiếc nón cũng đại diện cho ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa chung vai sát cánh đoàn kết ở vùng đất này. KTS Vương Hoàng Lê chia sẻ: “Khi nhận lời mời thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất giàu chất văn hóa này. Với mong muốn thiết kế một công trình nhà hát truyền tải được những giá trị văn hóa - lịch sử nhưng đồng thời cũng phải thật quen thuộc gần gũi, hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng của người nông dân trên cánh đồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phương án thiết kế. Bởi lẽ, không gì gần gũi hơn với người dân Việt Nam là chiếc nón lá từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt và cả trong thơ ca”. Ngoài ra, tìm tòi, khai thác thêm những nét đặc trưng riêng của nơi này, KTS Vương Hoàng Lê cùng các cộng sự đã tạo nên một công trình mang được dấu ấn bản địa, đồng thời vẫn mang hơi thở của thời đại trên đất Bạc Liêu.
Đẹp về diện mạo phải phát huy cả về công năng. Nhà hát Cao Văn Lầu đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy tối đa để đây không chỉ là một công trình mang dáng hình đẹp mà còn phải làm nên chuyện cho chiều sâu văn hóa Bạc Liêu! Đó là thường xuyên phục vụ những chương trình nghệ thuật nói chung, cải lương nói riêng trên mảnh đất lắm người mê cải lương này. Những “Đêm lạnh chùa hoang”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Bên cầu dệt lụa”... cùng với nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp được biểu diễn, có khi trong, có khi trước sảnh Nhà hát Cao Văn Lầu khiến khán giả mê đắm, vì được nghe cải lương và ngắm nghệ sĩ “diễn sống” trên sân khấu ở một nhà hát đẹp!
Đó chỉ mới là câu chuyện của một trong ba chiếc nón lá. Thêm một chiếc nón lá nữa đang làm nên chuyện cho hồn cốt văn hóa Bạc Liêu: Khi bài báo này trên tay bạn, thì Bảo tàng tổng hợp Bạc Liêu - một chiếc nón lá trong cụm công trình cũng đã bắt đầu mở cửa phục vụ Nhân dân. “Bảo tàng số” lần đầu tiên ra mắt ở Bạc Liêu hứa hẹn sẽ làm thỏa niềm mong mỏi của người dân địa phương lẫn du khách về những trải nghiệm thú vị khi khám phá vùng đất Bạc Liêu xưa và nay qua công nghệ số ở một bảo tàng đẹp!
Ba chiếc nón lá hợp thành trung tâm giáo dục về truyền thống yêu nước, đồng thời là nơi gìn giữ, tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương - một công trình kiến trúc tiêu biểu của Bạc Liêu trong hành trình nối nhịp cùng cả nước qua 50 năm đất nước thống nhất, phát triển phồn vinh. Một điểm đến quá hấp dẫn để thu hút mọi người đến tham quan, học tập và trải nghiệm.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/nha-hat-cao-van-lau-cong-trinh-tieu-bieu-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-100413.html
Bình luận (0)