Mới đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, sau khi ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình được lan tỏa, nhiều người đã gửi thư, tin nhắn tới anh, hỏi về câu từ của bài hát đang gây sốt.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cha đẻ ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", đang gây sốt trên các nền tảng (Ảnh: Facebook nhân vật).
Trong đó, có ý kiến của các cô giáo dạy văn, dạy âm nhạc hỏi về câu hát "Cha ông ta ngày xưa ngã xuống để cho đời ta ngày sau đổi lấy hòa bình". Theo họ, cặp từ đối lập "ngày xưa - ngày nay" sẽ hay và hợp hơn "ngày xưa - ngày sau" trong bản gốc.
Nguyễn Văn Chung cho biết, khi sáng tác bài Viết tiếp câu chuyện hòa bình, anh luôn mong có sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.
"Cha ông ta dành cả thanh xuân, sẵn sàng hy sinh ngay cả khi không chắc chắn ngày nào đất nước hòa bình. Điều đó càng khiến sự hy sinh của họ thêm cao đẹp, vĩ đại.
Vì vậy, tôi dùng từ "ngày sau", thể hiện sự chưa xác định rõ ràng thay vì "ngày nay". Giống như cha mẹ chúng ta hay nói "ngày xưa, mẹ làm việc vất vả, sống tiết kiệm để các con ngày sau có cái ăn, cái mặc", anh phân tích.
Theo đó, anh dùng từ "sau" với âm "s" giúp ca sĩ có "đất" để thả hơi, xử lý câu hát mềm mại và sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn giải thích về cụm từ "giữa khói binh". Cụm từ được lấy trong "khói lửa binh đao", tượng trưng cho truyền thống yêu nước của cả những người lính thời chiến hay trong thời bình.
Vì bài hát không có nhiều không gian nên anh ưu tiên chọn cụm từ có ý nghĩa tượng trưng nhất để viết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, đến tối 8/5, ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình đã đạt hơn 4 tỷ lượt xem trên các nền tảng.

Đông Hùng, Võ Hạ Trâm cùng Duyên Quỳnh đã đưa bài hát "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" đến gần khán giả hơn (Ảnh: Facebook nhân vật).
Nam ca sĩ nói rằng, anh viết lời ca khúc và giai điệu từ 23h đến 3h sáng hôm sau. Trước đó 2 tuần, anh đã ấp ủ lời bài hát với nhiều chiêm nghiệm, suy nghĩ.
"Ngày trước, tôi được một cô giáo là bạn thân của mẹ dạy học văn, cô dạy rất giỏi, là người đặt nền móng cho tôi sử dụng ngữ pháp Việt Nam như dùng các biện pháp tu từ, nhân hóa...
Khi sáng tác, tôi cũng muốn giữ gìn được sự trong sáng, đẹp đẽ của tiếng Việt. Tôi hy vọng, Viết tiếp câu chuyện hòa bình có sức sống lâu dài, được nhiều người chia sẻ và lan tỏa", Nguyễn Văn Chung tâm sự.
Trong dịp 30/4 vừa qua, Viết tiếp câu chuyện hòa bình được người dùng TikTok phối khí lại, thành một bản nhạc điện tử sôi động, sử dụng trong hàng nghìn video có nội dung yêu nước.
Bản phối 45 giây được lựa chọn làm nhạc nền cho chiến dịch đa nền tảng Hòa bình đẹp lắm, được nhiều người trẻ hưởng ứng, sử dụng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng quyết định để cho các thầy cô thanh nhạc, nhạc cụ được sử dụng Viết tiếp câu chuyện hòa bình dạy online trên các nền tảng, không tính bản quyền.
Nhiều người khen ngợi nam nhạc sĩ biết lắng nghe khán giả và rất tâm huyết trong việc tạo ra tác phẩm có sức ảnh hưởng đến cộng đồng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983, khởi nghiệp sáng tác đầu thập niên 2000 khi còn là sinh viên ngành Du lịch khách sạn tại Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM.
Anh là tác giả một số ca khúc như: Vầng trăng khóc (Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc), Con đường mưa (Cao Thái Sơn), Chiếc khăn gió ấm (Khánh Phương), Mùa đông không lạnh (Akira Phan), Ngôi nhà hoa hồng (Bảo Thy - Quang Vinh), Nhật ký của mẹ (Hiền Thục)...
Viết tiếp câu chuyện hòa bình được Nguyễn Văn Chung sáng tác năm 2023. Thông qua ca khúc, nhạc sĩ mong muốn lan tỏa mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc đến thế hệ trẻ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giai-tri/nhac-si-nguyen-van-chung-ly-giai-ve-ca-tu-tranh-cai-o-bai-hit-hon-4-ty-view-20250509000140437.htm
Bình luận (0)