Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhạc Việt lan tỏa bản sắc dân tộc

Mỗi tác phẩm mang nét đặc trưng riêng nhưng đều góp phần lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, đưa âm nhạc Việt đến gần hơn công chúng quốc tế

Người Lao ĐộngNgười Lao Động14/07/2025

Trong phần thi tại trạm Thượng Hải của chương trình "Sing! Asia 2025" mới đây, Phương Mỹ Chi tiếp tục chiến thắng thuyết phục vòng "đấu đôi" với mashup "Túy âm" và "Lục Hải Vi Vương" khi kết hợp cùng Kelou.

Sáng tạo đầy cảm xúc

Điểm đáng chú ý của tiết mục này là sắc màu cải lương Việt Nam kết hợp với hí kịch Trung Quốc nhuần nhuyễn, mượt mà. Cuộc giao tiếp văn hóa này được thể hiện rõ nét khi Phương Mỹ Chi hát "Lục Hải Vi Vương" bằng tiếng Việt và Kelou trình diễn "Túy âm" bằng tiếng Trung.

Để kết nối hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ và hai hệ thống biểu đạt khác nhau thành một tiết mục trọn vẹn là cả một hành trình dài phía sau sân khấu. Nhà sản xuất DTAP cho biết: "Trước khi bắt tay vào bản phối, DTAP đã tìm hiểu kỹ đặc trưng của từng loại hình, từ cấu trúc âm nhạc đến phong cách trình diễn. Cách chơi từng nhạc cụ cũng được nghiên cứu để bảo đảm giữ đúng tinh thần, kỹ thuật và cảm xúc vốn có của từng nền văn hóa. Sự kết hợp này góp phần tạo nên một tổng thể hài hòa, tiết chế nhưng vẫn đầy chiều sâu".

Việc DTAP lựa chọn cải lương - một chất liệu âm nhạc truyền thống để kể chuyện văn hóa trên sân khấu quốc tế giúp Phương Mỹ Chi ghi dấu cá nhân rõ nét. Với nhiều khán giả Việt, đây là một khoảnh khắc đáng tự hào.

Nhạc Việt lan tỏa bản sắc dân tộc - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang với những sản phẩm âm nhạc độc đáo, thu hút nhiều khán giả. Ảnh: THIÊN THANH

Mới đây, album đôi gồm "The Field of Heritage/Life on high" của nhạc sĩ Quốc Trung và "The Field of Heritage/City Life" của nhạc sĩ Xinh Xô được đánh giá là điểm nhấn thú vị của thị trường âm nhạc. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, album của anh gợi mở về không gian văn hóa, những nét đẹp trong đời sống người dân vùng cao. Còn album của nhạc sĩ Xinh Xô đi sâu hơn vào đời sống nội tâm, phản ánh những tâm tư khi người dân rời vùng cao đến phố thị sinh sống, làm việc.

Ở 2 album, các nhạc sĩ đều sử dụng nhạc cụ và thanh âm của núi rừng Tây Bắc kết hợp với âm nhạc hiện đại. Album của nhạc sĩ Quốc Trung có 4 bài với sự tham gia của các nghệ nhân Lầu Thị Pằng, Nông Thị Ngần, Hoàng Thị Sùi; đưa vào tiếng cồng chiêng của người Mường, tiếng sáo Mông và hát Hà Lều của người Nùng…

Trên thị trường âm nhạc hiện nay, việc thể hiện âm nhạc truyền thống của các dân tộc đang được các nhạc sĩ quan tâm. Dự án Viet Nam Love với 4 giọng ca đến từ 4 chương trình "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai", "Chị đẹp đạp gió" và "Em xinh say hi" đang thu hút khán giả. Có thể nói xu hướng thực hiện các dự án âm nhạc đậm bản sắc văn hóa đang nở rộ, trở thành sắc màu chính của thị trường nhạc Việt.

Album "Rạng đông" của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang với 8 bản nhạc cũng gây được ấn tượng trong thời gian gần đây. Trong album, anh kết hợp những giai điệu từ đàn môi của đồng bào H'Mông cùng đàn tính, paranưng, kèn saranai, sáo trúc, đàn tranh… Sự hòa trộn có tính toán giúp "Rạng đông" vừa mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc vừa mang đậm đặc trưng âm nhạc Chăm. Được đầu tư và thực hiện bài bản, album này gây tiếng vang với giới chuyên môn trong nước và một bộ phận khán giả quốc tế.

Nhiều dự án, công trình quy mô

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã "ẩn mình" 10 năm để đợi ngày dự án "Rồng vàng" (Golden Dragon concert) ra mắt một cách thuyết phục.

Võ Thiện Thanh bày tỏ anh muốn thực hiện một thể loại riêng (tạm gọi là World Music Việt) với các chất liệu âm nhạc dân gian từ 3 miền Bắc Trung Nam trên nền hòa âm đương đại. Các nhạc cụ tiêu biểu của âm nhạc truyền thống Việt Nam như tranh, sáo, bầu, nguyệt… cùng giọng hò, điệu ca, tiếng hát của các ca sĩ dòng nhạc dân tộc sẽ là màu sắc chủ đạo của dự án.

Như nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn định kỳ trên thế giới, đêm diễn "Golden Dragon" sẽ được tổ chức thường niên như một sự kiện văn hóa. Điểm nhấn của dự án chính là chương trình "Golden Dragon Concert", được xây dựng với dàn nhạc giao hưởng kết hợp ban nhạc pop cùng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, tạo nên thương hiệu văn hóa dân gian riêng của TP HCM. Sau nhiều năm chuẩn bị, dự án đang được triển khai để sớm ra mắt khán giả vào cuối năm nay.

Sau hơn 20 năm ấp ủ ý tưởng và sáng tác, nhạc sĩ Hoài An đã phát hành "Hồn Việt". Album này có 15 ca khúc với 3 nhóm chủ đề chính: Anh hùng dân tộc ("Tiếng trống Mê Linh", "Ngọn cờ lau", "Đức Thánh Trần", "Lý Triều danh tướng", "Hoàng đế áo vải"); truyền thuyết - lịch sử ("Chuyện thành Cổ Loa", "Tinh thần Đông A", "Hào khí Thăng Long", "Bạch Đằng Giang"…) và cổ tích ("Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Thạch Sanh", "Trương Chi - Mỵ Nương", "Bánh chưng - bánh giày").

"Tôi xem đây như là một công trình âm nhạc của đời mình. Qua album "Hồn Việt", tôi muốn khơi dậy tình yêu sử Việt, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người Việt Nam qua giai điệu và lời ca gần gũi" - nhạc sĩ Hoài An bộc bạch.

Theo những người trong cuộc, với cách làm như trên của các nhạc sĩ, văn hóa dân gian ít nhiều đã ngấm vào khán giả trẻ một cách tự nhiên và đầy thuyết phục. Mỗi tác phẩm đều mang nét đặc trưng, đặc điểm riêng nhưng đều góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, đưa âm nhạc Việt đến gần hơn với công chúng quốc tế. 

Không ít tác phẩm nhạc Việt "triệu view" đã thành công từ bệ đỡ văn hóa truyền thống. Sự kết hợp đầy sáng tạo giữa bản sắc văn hóa truyền thống với cách phối khí, hòa âm và dàn dựng mới mẻ của các ê-kíp trẻ đã tạo nên những bài hát có giai điệu bắt tai, hiện đại, thấm đẫm chất dân tộc.


Nguồn: https://nld.com.vn/nhac-viet-lan-toa-ban-sac-dan-toc-196250713205730095.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy
Nhà máy Z121 sẵn sàng cho đêm Chung kết Pháo hoa Quốc tế
Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm